Trong thời gian ngắn (4-11/7), mặc dù rất bận rộn với chương trình nghị
sự của Hội nghị Thượng đỉnh G20 và gặp gỡ, hội đàm, hội kiến với lãnh
đạo Đức, Hà Lan, gặp nhiều nguyên thủ các nước lớn trên thế giới, Đoàn
cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu vẫn dành thời
gian gặp gỡ các doanh nhân hàng đầu của Đức, Hà Lan, Việt Nam.
Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức, Vương quốc Hà Lan là những nước có nền kinh tế rất mạnh.
CHLB Đức là một trong những nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế
giới, đứng thứ 4 thế giới sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản về tổng sản
phẩm quốc nội (GDP). Còn Hà Lan được mệnh danh là “đất nước nhỏ với
nhiều thành tựu lớn” dù chỉ có hơn 17 triệu dân, nhưng GDP năm 2016 đạt
769 tỷ USD và thu nhập bình quân khoảng 49.200 USD/người. Nền kinh tế Hà
Lan có trình độ phát triển cao và độ mở lớn, ngoại thương đóng góp tỉ
trọng đáng kể.
CHLB Đức, Vương quốc Hà Lan cũng sở hữu nhiều tập đoàn quy mô toàn
cầu như Siemens (thiết bị, y tế), B.Braun (thiết bị y tế), Messer (khí
hóa lỏng phục vụ luyện kim), Mercedes-Benz (ô tô), Bilfinger (tư vấn,
thiết kế), Bosch (chế tạo máy), Deutsche Bank (ngân hàng), Allianz (bảo
hiểm), Royal Philips Electronics (một trong những tập đoàn điện tử và
thiết bị gia dụng lớn nhất thế giới), KLM Royal Dutch Airlines (hàng
không), Royal Dutch Shell (dầu khí, liên doanh với Anh), Unilever (sản
xuất thực phẩm, đồ uống, chất tẩy rửa và chăm sóc cá nhân, liên doanh
với Anh), ING Group (ngân hàng, tài chính), AEGON (bảo hiểm), Heineken
và Amstel (sản xuất bia), Akzo Nobel (sản phẩm y tế, hóa chất)…
Cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, Hà Lan
Thời gian qua, quan hệ hợp tác kinh tế đầu tư giữa Việt Nam – Hà Lan
tuy còn khiêm tốn nhưng rất đáng khích lệ. Gần đây, Hà Lan luôn là một
trong những nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại Việt Nam. Tính đến tháng
5/2017, Hà Lan xếp thứ 11 trong số 119 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư
tại Việt Nam với 287 dự án trị giá 7,7 tỷ USD và là nhà đầu tư châu Âu
lớn nhất tại Việt Nam. Về quan hệ thương mại, năm 2016, kim ngạch hai
chiều đạt 6,68 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất siêu hơn 5,3 tỷ USD .
Trao đổi với 450 doanh nghiệp hàng đầu của hai nước, Phó Thủ tướng
Lodewijck Asscher bày tỏ: “Tôi nhìn quanh khán phòng ngày hôm nay, tôi
cảm thấy rất vui khi không chỉ có sự hiện diện của những chú gấu đại
diện cho thách thức và cơ hội. Tôi còn nhìn thấy những con rồng Việt Nam
và những con sư tử Hà Lan đang sẵn sàng đồng hành trên con đường đi tới
thành công”. Nhất trí với so sánh của Phó Thủ tướng Hà Lan, Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sự kết hợp của những con rồng, sư tử của hai
nước sẽ tạo ra sức mạnh rất lớn mà “chúng ta đón nhận trong tương lai”.
Cho rằng việc tham gia của các doanh nghiệp vào các mục tiêu phát
triển bền vững có ý nghĩa quan trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ:
Đây cũng là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Hà Lan, kể cả những doanh
nghiệp vừa và nhỏ. Nếu biết tận dụng cơ hội, phát huy lợi thế ngoại
giao, đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU sắp
được ký kết chính thức, Hà Lan và Việt Nam hoàn toàn có thể vượt xa hơn
nhiều so với những thành quả đã đạt được và trở thành sự kết nối kinh
tế sâu sắc toàn diện giữa ASEAN và EU; giữa một bên là khu vực có tốc độ
tăng trưởng kinh tế hàng đầu thế giới và một bên là khối thị trường có
sức cầu, có công nghệ và những công ty danh tiếng hàng đầu thế giới.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Hà Lan với sự tham dự của 450 doanh
nghiệp hàng đầu hai nước. Ảnh: VGP |
Kết nối 4 tỷ USD
Trước đó, ngày 6/7, tại CHLB Đức nước chủ nhà của Hội nghị thượng
đỉnh G20,Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp, đối thoại với
một số doanh nghiệp hàng đầu của Đức đang mong muốn hợp tác đầu tư tại
Việt Nam; dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Đức có quy mô
gần 700 doanh nhân thương gia, lớn nhất từ trước đến nay.
Tại các sự kiện này, Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam hoan
nghênh và sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Đức
làm ăn kinh doanh ở Việt Nam. Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư, doanh
nghiệp Đức hãy đầu tư mạnh mẽ hơn vào Việt Nam, đặc biệt là trong các
lĩnh vực cơ khí, chế biến chế tạo, năng lượng tái tạo, điện, điện tử… và
những lĩnh vực công nghệ cao khác mà Đức có thế mạnh và Việt Nam có nhu
cầu. Thủ tướng tin tưởng sẽ có một làn sóng đầu tư mới của Đức vào Việt
Nam, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân
hai nước.
Thủ tướng cho rằng tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước còn
rất lớn. Với kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Đức hiện nay trên 9 tỷ
USD và đầu tư của Đức vào Việt Nam khoảng 2 tỷ USD, Thủ tướng cho rằng
đây là mức thấp và mong muốn các nhà đầu tư Đức đầu tư mạnh mẽ hơn vào
Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư Đức hãy đầu tư mạnh mẽ hơn vào Việt
Nam gắn với sản xuất, chứ không chỉ tập trung vào tiêu thụ sản phẩm.
Chính phủ Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện, quan tâm đến nguyện vọng
chính đáng của nhà đầu tư, coi thắng lợi của các bạn là thắng lợi của
Việt Nam.
Trước kỳ vọng, sự kêu gọi có làn sóng đầu tư mới của Đức vào Việt Nam
của Thủ tướng, ngay tại Hội nghị, các doanh nghiệp Đức đã có câu trả
lời bằng việc bày tỏ sẵn sàng đầu tư mạnh hơn vào Việt Nam, và đã ký kết
36 thỏa thuận hợp tác với tổng trị giá lến tới 4 tỷ USD trước sự chứng
kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn cấp cao Việt Nam.
|
Tại CHLB Đức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký kết hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và Đức - Ảnh : VGP |
Như vậy, chuyến thăm chính thức, làm việc tại CHLB Đức, Hà Lan nhân
dịp dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 của Đoàn cấp cao Việt Nam do Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu không chỉ tăng cường các quan hệ chính trị,
kinh tế và góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, mà
còn mở ra những cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam - Đức và
Việt Nam - Hà Lan. Các doanh nghiệp này khi biết cách phát huy tiềm
năng, lợi thế, cùng đồng hành, cùng hợp tác thì sẽ thành công lớn hơn rất nhiều so với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua./.
Theo chinhphu.vn