Thứ Tư, 27/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 22/6/2017 21:37'(GMT+7)

Cung ứng dịch vụ công theo nguyên tắc có sự dẫn dắt của Nhà nước

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đầu mối giảm, người làm việc tăng

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, qua báo cáo của 28 bộ, ngành và 57 địa phương (không bao gồm Bộ Công an và Quốc phòng, chưa có báo cáo của Hải Phòng, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Bình Phước, Đồng Nai, Phú Yên) cho thấy năm 2011, cả nước có 54.448 đơn vị sự nghiệp công lập, đến năm 2016 giảm 534 đơn vị, còn 53.914 đơn vị.

Tuy nhiên, trong khi số lượng đơn vị sự nghiệp công lập của các địa phương giảm (635 đơn vị), ở khối bộ, ngành lại tăng lên 101 đơn vị.

Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2011 là hơn 1,812 triệu người, năm 2016 là hơn 1,978 triệu người, tăng hơn 165.800 người. Trong số này, khối bộ, ngành tăng 9.035 người, địa phương tăng 156.792 người.

Giai đoạn 2011-2016, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản bản quy phạm pháp luật quy định về quy hoạch mạng lưới, thành lập, chức năng, nhiệm vụ và cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.

Cơ chế quản lý theo hướng không can thiệp sâu vào hoạt động nội bộ của đơn vị sự nghiệp công lập, đã tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp chủ động trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Việc đẩy mạnh trao quyền tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong tổ chức công việc, sắp xếp lại bộ máy, sử dụng lao động, tài chính, sử dụng các nguồn lực của đơn vị, đã phát huy được tính tự chủ, năng động, sáng tạo của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập, thu hút được đội ngũ lao động có trình độ cao.

Các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ tài chính đã chủ động sử dụng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước giao để thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả; đồng thời chủ động sử dụng tài sản, nguồn nhân lực để phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động cung cấp dịch vụ công, phát triển nguồn thu.

Hệ thống các đơn vị sự nghiệp công đã từng bước được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, rõ chức năng, nhiệm vụ, hiệu quả, giảm đầu mối. Các đơn vị sự nghiệp công phục vụ quản lý nhà nước đã phát huy được vai trò, giúp các cơ quan nhà nước thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước.

Các đơn vị sự nghiệp công làm nhiệm vụ cung ứng dịch vụ công cơ bản thiết yếu cũng đã từng bước đáp ứng được nhu cầu của người dân. Trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, một số đơn vị sự nghiệp công lập tại địa phương được sắp xếp lại theo hướng thu gọn đầu mối. Nhân lực của hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập được kiện toàn về số lượng, đặc biệt là sự nghiệp giáo dục, đào tạo, dạy nghề và sự nghiệp y tế.

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Nội vụ cũng chỉ ra rằng, công tác quản lý nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công của một số bộ ngành, còn kém hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các đơn vị sự nghiệp còn nhiều hạn chế.

Một số đơn vị chưa nhận thức được xu hướng tất yếu của tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với đơn vị sự nghiệp nên chưa chủ động trong thực hiện. Việc giao quyền tự chủ toàn diện cho đơn vị sự nghiệp công lập, mà người quyết định là thủ trưởng đơn vị nên cũng dễ dẫn đến tình trạng "độc đoán, chuyên quyền." Nhiều đơn vị sự nghiệp thủ trưởng giỏi chuyên môn, nhưng kiến thức về quản lý, quản trị vẫn còn hạn chế, ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị.

Việc phân bổ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho dịch vụ công vẫn chủ yếu dành cho các đơn vị sự nghiệp công lập, chưa có cơ chế hỗ trợ tài chính đối với người sử dụng dịch vụ công (trừ việc thanh toán bảo hiểm y tế). Cơ chế đặt hàng của Nhà nước còn chưa được áp dụng rộng rãi. Một số nhiệm vụ thực hiện cơ chế đặt hàng còn mang tính nhỏ lẻ, chi giới hạn trong một vài chương trình, dự án. Việc phân bổ kinh phí hoạt động thường xuyên còn mang tính bình quân.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch phát triển mạng lưới đơn vị sự nghiệp công theo ngành, lĩnh vực còn mang tính chủ quan, thiếu khoa học; mới chủ yếu quy hoạch theo đơn vị hành chính mà chưa chú ý đúng mức đến địa bàn dân cư, đặc điểm vùng miền, nhu cầu thực tế. Việc tổ chức các đơn vị sự nghiệp công chưa khoa học, chưa hợp lý, còn nhiều đầu mối, đặc biệt là nhiều đơn vị sự nghiệp công có quy mô nhỏ.

Nhiều đơn vị sự nghiệp công vẫn còn trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực hoạt động; hoạt động trên các lĩnh vực dịch vụ công mà các tổ chức xã hội có thể cung ứng tốt, Nhà nước không cần phải thực hiện...

Ba thành tố đổi mới


Nêu rõ Đề án đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập trình Hội nghị Trung ương lần thứ 6 phải đề cập tới các vấn đề mới, có tính đột phá, nhằm tổ chức cung ứng dịch vụ công theo nguyên tắc thị trường, có sự dẫn dắt của nhà nước, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Đề án gồm ba thành tố đổi mới về: cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức, sắp xếp lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập.

Quá trình xây dựng Đề án sẽ là cơ hội để Nhà nước nhìn nhận thực trạng về số lượng đơn vị, người lao động, phương thức tổ chức, hiệu quả hoạt động của hệ thống các đơn vị công lập cung cấp dịch vụ công cho xã hội. Từ đó, xác định các chủ trương, định hướng mới về tổ chức lại hệ thống, đổi mới căn bản các cơ chế hoạt động, quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công, phù hợp với khả năng chi trả của xã hội và nhu cầu tiếp cận dịch vụ của người dân, cơ cấu lại và giảm gánh nặng chi ngân sách như hiện nay.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Nội vụ và các Bộ, Ban, ngành cần cập nhật, hệ thống hóa các chủ trương, quan điểm lớn của Đảng về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập, các Luật công chức, viên chức, Luật Lao động, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, Luật Ngân sách nhà nước, Bảo hiểm y tế, Luật Đất đai, Luật giá, phí và lệ phí, Pháp lệnh Người có công, các Nghị định của Chính phủ về đơn vị sự nghiệp công lập vào trong Đề án này. Trong đó, tập trung vào các văn bản đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề - lĩnh vực chiếm số đông và ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống nhân dân.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm trong đổi mới hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập là phải theo nguyên tắc thị trường, có vai trò dẫn dắt của Nhà nước nhưng Nhà nước không bao cấp xin-cho, xóa bỏ tâm lý ỷ lại vào ngân sách nhà nước, phân định rõ “công”-“tư;” tăng cường phân công, phân cấp quyền hạn, lợi ích giữa các cấp để bảo đảm tính tự chủ, năng động, sáng tạo của đơn vị sự nghiệp công lập, tăng cường khả năng giám sát, tự giám sát, kiểm soát hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.

Việc thực hiện đổi mới cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo lộ trình phù hợp, gắn với cơ cấu lại thu chi ngân sách nhà nước, tạo nguồn cho thực hiện cải cách tiền lương, nâng cao đời sống cán bộ, viên chức, người lao động. Phó Thủ tướng lưu ý xác định rõ các dịch vụ công cơ bản, Nhà nước phải bảo đảm cho xã hội như đầu tư y tế, giáo dục, ở vùng khó khăn hay lĩnh vực khoa học cơ bản.

Về đổi mới cơ chế quản lý, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị làm rõ bất cập hiện tại và đổi mới, nâng cao năng lực quản trị nội bộ, tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm với kiểm soát và giám sát của xã hội, không tập trung quyền hạn vào người đứng đầu đơn vị cung cấp dịch vụ công.

Việc sắp xếp hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập phải thực hiện trên cơ sở quy hoạch mạng lưới theo hướng tránh phân tán, dàn trải, chồng chéo nhằm giảm mạnh đầu mối, kéo theo đó là giảm được biên chế lao động trong đơn vị; gắn quyền được tuyển dụng với sử dụng lao động của đơn vị sự nghiệp công lập./.

Chu Thanh Vân/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất