Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu, các nhà khoa học, các giảng viên đến từ các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; viện nghiên cứu và trường đại học uy tín trong cả nước; các nhân chứng, cựu quân nhân đã từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
Ngày 30-4-1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam kết thúc thắng lợi, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhưng ngay sau tháng 4-1975 không lâu, nhân dân Việt Nam đã phải đối đầu với cuộc tấn công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam do quân đội Campuchia dân chủ tiến hành với sự hỗ trợ nhiều mặt của các thế lực bên ngoài. Nghiêm trọng hơn, rạng sáng ngày 17-2-1979, hơn 60 vạn quân Trung Quốc với 9 quân đoàn chủ lục và 32 sư đoàn bộ binh độc lập, 6 trung đoàn với 550 xe tăng, 4 sư đoàn và trung đoàn pháo binh, phòng không với 2.559 khẩu pháo, trong đó có nhiều dàn phóng hỏa tiễn bất ngờ vượt qua biên giới kéo dài 1.400km vào 6 tỉnh của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai, Yên Bái), Lai Châu…
Quân dân Việt Nam, trước hết là dân quân, du kich và bộ đội địa phương ở 6 tỉnh biên giới và tiếp đó là quân chủ lực được tăng cường đã kiên cường chiến đấu bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định, cuộc tấn công xâm lược Việt Nam của Trung Quốc đã đẩy Việt Nam vào thế “lưỡng đầu thọ địch” và phải trải qua một thử thách vô cùng khó khăn do bị bao vây cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây. Cuộc tiến công xâm lược Việt Nam của quân đội Trung Quốc cũng là cho thế giới sửng sốt. Từ chỗ là đồng minh trong “chiến tranh lạnh”, nhà cầm quyền Trung Quốc đã coi Việt Nam là kẻ thù… Những người bình thường trên thế giới không ai nghĩ rằng, Việt Nam - một dân tộc vừa trải qua 30 năm chiến tranh với thương tích đầy mình và có biết bao công việc phải làm để xây dựng đất nước lại đi khiêu khích rồi xâm lược nước khác, lại là một nước lớn hơn, thậm chí là nước đã từng là đồng minh trong hai cuộc kháng chiến trước đó, như một số người Trung Quốc cho đến nay vẫn nói rằng cuộc chiến tranh chống Việt Nam của họ chỉ là một “cuộc phản công tự vệ”.
Nhưng nhiều người hiểu rõ rằng, với việc phát động cuộc chiến tranh ấy, Trung Quốc hướng vào nhiều mục tiêu sau khi đã có những thay đổi chiến lược đối ngoại, trong tình hình thế giới có nhiều thay đổi với các quan hệ phức tạp giữa các nước lớn và việc Trung Quốc mau chóng trở thành một thế lực mới, chi phối trước hết vùng Đông Nam Á, lấp vào chỗ trống mà Mỹ đã phải rút khỏi khu vực mang tính chiến lược này sau thất bại ở Việt Nam. Thực hiện cuộc tiến công này, bất chấp pháp lý và đạo lý, những người lãnh đạo Trung Quốc muốn đất nước của họ thực hiện được chương trình 4 hiện đại hóa…
Cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc chống Việt Nam – một quốc gia độc lập, có chủ quyền đã bị nhân dân thế giới phản đối. Chính phủ nhiều nước như Liên Xô, Cộng hòa Dân chủ Đức, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia, nhiều tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể quần chúng ở Liên Xô, Hungari, Tiệp Khắc, Ấn Độ, Nhật Bản, Thụy Điển, Pháp, Mỹ, Phần Lan, Anh… tổ chức biểu tình, ra Tuyên bố, tổ chức hội thảo, lấy chữ ký phản đối hành động xâm lược của Trung Quốc với khẩu hiệu “Không được đụng đến Việt Nam” đòi “nhà cầm quyền Trung Quốc rút ngay quân đội ra khỏi lãnh thổ Việt Nam”.
40 năm đã trôi qua, thế giới đã có nhiều biến đổi. Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được bình thường hóa và đang trong quá trình phát triển trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, dù còn có những trở ngại cần vượt qua…
Việc tổ chức Hội thảo không phải để khoét sâu mối hận thù mà để nhắc lại một sự thật lịch sử, khẳng định sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, bắt đầu từ ngày 17/2/1979 và kéo dài đến tận tháng 9/1989. Ở Vị Xuyên đến tận năm 1989, quân Trung Quốc mới lần lượt rút khỏi các vị trí chiếm đóng còn lại trên lãnh thổ Việt Nam.
GS.TSKH Vũ Minh Giang: Trình bày một cách khách quan, khoa học về cuộc chiến năm 1979
40 năm qua là một thời gian đủ dài để Trung Quốc và Việt Nam có điều kiện nhìn lại một chiến này một cách khoa học để tìm ra phương thức xử lý tối ưu các vấn đề do lịch sử để lại.
Dù nhìn ở bất kỳ góc độ nào, cuộc tấn công của 60 vạn quân Trung Quốc năm 1979 gây cho Việt Nam những tổn thất nặng nề rõ ràng mang tính chất của cuộc tiến công xâm lược. Với ý nghĩa đó, đây là một sự kiện lịch sử quan trọng, cần có vị trí xứng đáng trong các bộ lịch sử của dân tộc, các sách giáo khoa và các phương thức giáo dục lịch sử khác.
Điều mà giới học giả cũng như những người có trách nhiệm chính trị đang tìm lời giải là làm thế nào để xử lý thỏa đáng vấn đề lịch sử đang hết sức nhạy cảm này. Việc “khép lại quá khứ” hoàn toàn không đồng nghĩa với việc không (hay chưa) nói về quá khứ mà là xác định lại sự kiện như nó đã từng xảy ra một cách khoa học, thay vì cứ đào bới, cường điệu, lợi dụng lịch sử để phục vụ cho động thái nào đó.
Hoàn toàn không nhắc tới lịch sử (cho dù sự kiện ấy là như thế nào) sẽ đồng nghĩa với việc che giấu lịch sử, điều không thể và không nên làm. Trình bày một cách khách quan, khoa học về cuộc chiến năm 1979 là cách tốt nhất để đẩy lui những luận điệu xuyên tạc, dùng lịch sử để kích động, đồng thời cũng là cách tốt nhất giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của dân tộc.
|
Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 60 báo cáo tham luận, tập trung vào 4 nội dung chính như sau:
Thứ nhất, khẳng định sự thật lịch sử và tính chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
Thứ hai, tri ân và tôn vinh đồng bào, chiến sỹ từng chiến đấu, hy sinh bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc; tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc và lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân ta, đặc biệt là của tuổi trẻ đối với các thế hệ cha anh đã không tiếc tuổi xuân, xương máu và tính mạng để bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Thứ ba, cung cấp một số cơ sở lý luận, thực tiễn và bài học lịch sử rút ra từ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, góp phần giáo dục tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm xây dựng đất nước giàu mạnh trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.
Thứ tư, đánh giá, làm rõ sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc các tỉnh biên giới phía Bắc trong việc khắc phục khó khăn và hậu quả chiến tranh.
Có thể khẳng định, Hội thảo là dịp nhìn lại sự kiện lịch sử diễn ra cách đây 40 năm một cách khách quan, trung thực. Qua đó, tăng cường tình đoàn kết, đẩy mạnh quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Đồng thời, phê phán những biểu hiện sai trái, thù địch, xuyên tạc, vu cáo, lợi dụng sự kiện biên giới phía Bắc để kích động, chống phá Đảng và Nhà nước, chia rẽ quan hệ hữu nghị Việt Nam và Trung Quốc.
Hội thảo góp phần khẳng định chủ trương, đường lối, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc với tinh thần “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”; những nỗ lực của Việt Nam trong xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng và cùng có lợi giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Những kinh nghiệm quý về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc được rút ra từ Hội thảo sẽ được bổ sung, phát triển và vận dụng sáng tạo, phù hợp với quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và phát triển quan hệ hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc trong thời kỳ mới.
Thu Hằng