Thứ Tư, 25/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 3/7/2014 18:42'(GMT+7)

Cuộc vận động ”Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: Kết quả đáng khích lệ

Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn

Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn

Sáng ngày 3/7, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Theo báo cáo tại Hội nghị trong 5 năm qua, các đơn vị trong ngành Công Thương đã bám sát chủ trương của Cuộc vận động, Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động và có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong việc triển khai, thực hiện vì vậy đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Công tác đưa hàng Việt về địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong thời gian qua được các địa phương rất quan tâm và đã trở thành một trong các nội dung trọng tâm hưởng ứng Cuộc vận động. Đến nay, các đợt bán hàng đã thu hút được đông đảo người dân địa phương đến thăm quan, mua sắm; bước đầu đã tạo dựng được niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm nội địa (gắn với Chương trình bình ổn thị trường).

Theo thống kê kể từ khi có Cuộc vận động, số lượng các đợt bán hàng Việt về nông thôn cũng tăng lên cả về số lượng và quy mô tùy theo từng địa bàn, đồng thời cũng cho thấy sự chủ động, tích cực, sáng tạo của  nhiều tổ chức, doanh nghiệp tham gia như Hệ thống siêu thị Sài Gòn Coop Mart, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Công ty Kỹ nghệ súc sản (Vissan), Tổng Công ty Giấy Việt Nam, Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam, Công ty cổ phần Intimex, Công ty TNHH Ba Huân, Sài Gòn Satra...

Trong đó, các Sở Công Thương tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức được gần 2.000 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 53.000 lượt doanh nghiệp tham gia với hơn 48.000 gian hàng, thu hút hơn 3 triệu lượt người dân địa phương tới tham quan mua sắm và doanh thu mang lại là hơn 34,47 nghìn tỉ đồng. Đặc biệt, tại các tỉnh biên giới, các đợt bán hàng Việt không chỉ thu hút được người dân trên địa bàn tới tham quan mua sắm mà còn thu hút được đông đảo dân cư của các nước láng giềng như Lào, Campuchia…

Các Sở Công Thương đã tổ chức nhiều hội chợ, triển lãm nhằm quảng bá và đưa sản phẩm tới người tiêu dùng một cách hữu hiệu. Thông qua đó, thay đổi dần thói quen tiêu dùng của người dân, thay đổi nhận thức của doanh nghiệp đối với thị trường trong nước. Theo thống kê tính từ khi thực hiện Cuộc vận động đến nay, các Sở Công Thương đã tổ chức thực hiện được 1.875 hội chợ, triển lãm, thu hút 85.650 lượt doanh nghiệp tham gia, với doanh thu bán hàng là khoảng 20.546 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các Sở Công Thương cũng đã phối hợp tiếp nhận theo dõi gần 3.000 hội chợ, thu hút hơn 990.474 nghìn lượt doanh nghiệp tham gia.

Phát biểu tại Hội nghị Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước - Bộ Công thương cho biết thêm: Sau 5 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” niềm tin và tình cảm của người dân Việt Nam đối với hàng nội không ngừng được nâng cao. Ước tính, có đến 71% người tiêu dùng trong nước đã tin tưởng chất lượng hàng Việt và mua hàng Việt. Điều này đã giúp hàng nội nâng cao được sức cạnh tranh so với hàng ngoại, làm thay đổi suy nghĩ, thói quen sính hàng ngoại của người tiêu dùng.

Đánh giá kết quả của cuộc vận động, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, qua 5 năm triển khai thực hiện, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thu được nhiều hiệu ứng tích cực. Cụ thể, so với năm 2009 là thời điểm bắt đầu cuộc vận động, đến nay nhận thức của toàn xã hội đã có những chuyển biến rõ rệt, từ nhận thức của người tiêu dùng đến người sản xuất và người phân phối lưu thông. Đáng chú ý là tốc độ lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trong 5 năm gần đây đều tăng trưởng trên 2 con số. Với tiềm năng như vậy, việc gắn phát triển thị trường nội địa với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã tạo ra sức lan tỏa lớn. Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện cuộc vận động này, đã xuất hiện một số bất cập, như việc xây dựng và phát triển mở rộng hệ thống phân phối vẫn chưa thực sự đạt kết quả cao.

 

Trong Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 – 2020 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối lên trên 80%.


Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa chỉ ra rằng một số doanh nghiệp tham gia chương trình vẫn còn theo phong trào, chưa có chiến lược bài bản cho việc xây dựng thương hiệu. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng, đặc biệt là kỹ năng chăm sóc khách hàng, chưa thuyết phục được khách hàng lựa chọn hàng sản xuất trong nước.

Trước thực tế trên, để thực sự hàng Việt trụ vững trên thị trường năm 2014 và những năm tiếp theo, lãnh đạo Bộ Công Thương đã đề phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động trong thời gian tiếp theo như:

- Chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động triển khai các hoạt động được phân công theo Kế hoạch triển khai Cuộc vận động hàng năm;

- Phối hợp các Bộ ngành, liên quan triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được phân công tại Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

- Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại trong nước; triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến 2030;

- Chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội ngành nghề/ngành hàng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh triển khai các nhiệm vụ thuộc Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2014 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2014;

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các Hiệp hội chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và những hành vi gian lận thương mại;

- Chủ trì, phối hợp các Bộ ngành, cơ quan tuyên truyền phổ biến và thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

- Tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt, đáp ứng đủ các loại hàng hoá thiết yếu cho nhu cầu của nhân dân, nhất là trong thời điểm chuẩn bị vào năm học mới và các ngày Lễ, Tết. Vận động và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các điểm bán hàng hóa thương hiệu Việt kết hợp với bán hàng bình ổn thị trường để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, đặc biệt là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo;

- Tiếp tục xây dựng các chương trình nghiên cứu và đào tạo thiết thực, phù hợp với thực tế để hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, đào tạo đội ngũ cán bộ, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh và xây dựng thương hiệu;

- Tiếp tục nghiên cứu cải tiến chất lượng hàng hóa, đưa ra thị trường các sản phẩm có chất lượng cao, đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã với giá thành hợp lý;

- Tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ công chức, viên chức, học sinh sinh viên của các đơn vị trực thuộc Bộ ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng Việt Nam.

Để thực sự hàng Việt trụ vững trên thị trường bên cạnh việc chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người tiêu dùng, Bộ Công Thương cần phải đưa ra nhiều tiêu chí để các nhà sản xuất Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm đồng thời tạo các tiền đề giúp liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất với nhà phân phối để đưa hàng về các vùng sâu, vùng xa.

Kết quả từ Cuộc vận động đã giúp cả nước hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế như:

Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 12 tháng năm 2013 ước đạt 2.617.963 tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2012 (tính từ năm 2009 đến nay, hàng năm đều có mức tăng trưởng trên 10% so với năm kế trước); Chỉ số giá tiêu dùng (CPI cả nước) năm 2012 tăng 6,81% so với tháng 12 năm 2011, thấp xa  so với kế hoạch mà Quốc hội đã đề ra là dưới 10%, CPI năm 2013 chỉ tăng 6,04% so với tháng 12 năm 2012 và đây là năm có CPI tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Đồng thời, Cuộc vận động cũng góp phần giảm tỉ lệ nhập siêu: Năm 2010, nhập siêu là 12,3 tỷ USD (so với dự báo là 13,5 tỷ), bằng 17,3% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn so với mục tiêu Chính phủ đề ra là không quá 20%; năm 2011, tỷ lệ này là 9,89% thấp hơn chỉ tiêu Chính phủ đề ra là không quá 16%. Đặc biệt, năm 2012 và năm 2013 cán cân thương mại đã liên tục đạt trạng thái xuất siêu (năm 2012 xuất siêu 287 triệu USD, năm 2013 xuất siêu 862 triệu USD.


Vân Khánh

 

 

 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất