Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 7/8/2018 9:12'(GMT+7)

Đại diện Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Luật pháp quốc tế

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao. (Ảnh: TTXVN phát)

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao. (Ảnh: TTXVN phát)


Được vinh dự bầu làm Phó Chủ tịch thứ hai của ILC tại khóa họp này, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, đại diện đầu tiên của Việt Nam tại cơ quan chuyên môn này của Liên hợp quốc, đã tích cực phát huy vai trò chủ động, đóng góp đáng kể cho công việc chung của ủy ban. 

Trả lời phỏng vấn bên lề Khóa họp của ILC tại Geneva, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao đánh giá khóa họp 70 của ILC năm 2018 là khóa họp hết sức quan trọng, do đây là năm kỷ niệm 70 năm thành lập ILC. 

Lễ kỷ niệm được tổ chức tại cả New York và Geneva với sự tham dự của nhiều quan chức, nhiều nhà hoạt động luật pháp lớn, đại diện nhiều tổ chức quốc tế. Việt Nam là một trong số những nước được ILC vinh danh và cám ơn đã đóng góp cho lễ kỷ niệm. 

Chương trình nghị sự của kỳ họp thứ hai tại Geneva xem xét dự thảo những nội dung quan trọng như định dạng luật tập quán quốc tế; thỏa thuận và thực tiễn kế tiếp trong giải thích điều ước quốc tế; áp dụng tạm thời điều ước quốc tế; bảo vệ bầu khí quyển; quy phạm mệnh lệnh trong luật quốc tế (Jus cogens); bảo vệ môi trường trong xung đột vũ trang; thừa kế quốc gia liên quan đến trách nhiệm quốc gia; quyền miễn trừ cho nhân viên công vụ đối với thẩm quyền hình sự nước ngoài. 

Ông nhấn mạnh các báo cáo tại ILC kỳ này đều ít nhiều ảnh hưởng đến quyền lợi của Việt Nam, thậm chí nhiều báo cáo còn dẫn chứng tới Việt Nam. ILC là nơi cọ xát của nhiều trường phái luật khác nhau, nhưng chỉ với 34 thành viên, với nhiều nước chưa có hoặc lần đầu tiên có đại diện, nên không phải mọi góc độ, mọi quan điểm đều được đề cập cân bằng, khách quan. 

Đại sứ khẳng định Ủy viên Việt Nam đóng góp vào tính đa dạng của ILC, tích cực cung cấp thông tin, trình bày và đấu tranh bảo vệ quan điểm từ những góc độ mới mẻ với mục tiêu tăng cường cân bằng về lợi ích, khách quan, công bằng và công lý trong công việc của ILC. 

Trong xây dựng báo cáo về "Bảo vệ môi trường trong xung đột vũ trang," Ủy viên Việt Nam đã đề xuất mở rộng khái niệm “Quốc gia chiếm đóng” (Occupying State) sang “Lực lượng chiếm đóng”(Occupying Power) bao gồm cả khả năng chiếm đóng của tổ chức quốc tế khi thực hiện chức năng duy trì hòa bình và an ninh quốc tế theo Hiến chương Liên hợp quốc. Đây là kinh nghiệm từ hoạt động của Liên hợp quốc tại Campuchia, hay tại các địa bàn châu Phi, Trung Đông gần đây. Luật xung đột vũ trang trước kia chưa đặt ra vấn đề này. 

Qua thảo luận, đề xuất của Ủy viên Việt Nam đã được ủng hộ và Báo cáo viên chấp thuận thay đổi, áp dụng trong toàn bộ báo cáo. 

Về khả năng Việt Nam tham gia sâu hơn vào các tổ chức đa phương mang tính chuyên môn cao, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao nhấn mạnh Việt Nam chưa có được tỷ lệ đại diện thích đáng trong đội ngũ công chức quốc tế, cũng như trong các đội ngũ chuyên gia, các cơ quan pháp lý đa phương. Sự hiện diện, đóng góp của cán bộ, chuyên gia người Việt chính là một biểu hiện trực quan nhất của chủ trương đối ngoại “Việt Nam chủ động, tích cực, là thành viên trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế." 

Từ kinh nghiệm của bản thân, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao tin rằng Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được hoài bão đó nếu xây dựng được các mục tiêu và kế hoạch hành động dài hạn, tổng thể, triển khai đồng bộ với sự tổng hợp của nhiều yếu tố. Để nhanh chóng tiếp cận trình độ quốc tế, Việt Nam cần tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn sâu, bài bản cho nguồn nhân lực trẻ trong nước. 

Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan tích cực, chủ động đề xuất với cấp trên khi xác định cơ hội chín muồi. Tiếp theo là phát huy tổng lực trong việc vận động bầu cử, giúp ứng viên cạnh tranh thành công tại các diễn đàn. Bản thân ứng viên, chuyên gia cũng phải không ngừng cố gắng nhằm khẳng định năng lực thành viên Việt Nam, qua đó góp phần nâng cao vị thế Việt Nam, tạo điều kiện cho những chiến dịch tranh cử tại các cơ quan khác trong tương lai. 

ILC là cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc, chịu trách nhiệm chính trong việc pháp điển hóa và phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế. Nhiều công ước quốc tế quan trọng đã và đang có hiệu lực là kết quả nghiên cứu, thảo luận của các thành viên Ủy ban như các Công ước Vienna về luật điều ước năm 1969, về quan hệ ngoại giao và lãnh sự năm 1961 và 1963, Công ước Geneva về Luật Biển 1958, Quy chế Roma của Tòa Hình sự quốc tế 1995... Ủy ban gồm 34 thành viên là các chuyên gia hàng đầu về công pháp quốc tế của các nước, được phân bổ đồng đều cho từng khu vực địa lý. 

Tham gia ILC thể hiện uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, phù hợp với chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng và Nhà nước, thể hiện rõ Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế./.

 

TTX

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất