Tại Hội nghị triển khai công tác tuyển sinh năm 2024 diễn ra ngày 12/3, lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, đơn vị dự kiến tuyển sinh gần 18.000 chỉ tiêu bậc đại học và hơn 3.000 chỉ tiêu bậc sau đại học năm nay.
Trong đó, ưu tiên các chương trình đào tạo mới mở phù hợp định hướng phát triển các ngành kỹ thuật - công nghệ, nghệ thuật và đổi mới sáng tạo, các chương trình đào tạo đã được kiểm định và đổi mới đào tạo.
Ngoài ra, Đại học Quốc gia Hà Nội ưu tiên các chương trình đào tạo của những đơn vị chuyển đổi cơ chế, quản lý, các chương trình đào tạo thu học phí theo định mức kinh tế - kỹ thuật.
Về phương hướng tuyển sinh, Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Đơn vị tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ đổi mới tuyển sinh, tăng cường năng lực tổ chức quản lý đào tạo theo mô hình quản trị đại học tiên tiến, nhằm thu hút được nhiều thí sinh giỏi, nâng cao chất lượng đào tạo và tăng cường hội nhập quốc tế, mở rộng quy mô tuyển sinh tại Hòa Lạc. Bên cạnh đó, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục tổ chức thi đánh giá năng lực và dành tối đa chỉ tiêu cho phương thức này; đồng thời, tiếp tục sử dụng kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024 cùng một số phương thức khác để tuyển sinh.
Đối với tuyển sinh sau đại học, năm nay, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục tổ chức 2 đợt: Đợt 1 dự kiến diễn ra vào ngày 11 - 12/5/2024; đợt 2 dự kiến diễn ra vào ngày 14 - 15/9/2024. Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đưa ra một số lưu ý về điều kiện minh chứng ngoại ngữ đối với thí sinh dự tuyển bậc thạc sĩ. Theo đó, Đại học Quốc gia Hà Nội không chấp nhận sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ thi theo hình thức trực tuyến, các thí sinh có thể sử dụng kết quả bài thi VNU test trước hoặc cùng đợt tuyển sinh làm minh chứng về năng lực ngoại ngữ để dự tuyển thạc sĩ; bổ sung Chứng chỉ tiếng Anh Pearson English International Certificate (PEIC) trong danh sách chứng chỉ tiếng Anh được sử dụng để dự tuyển thạc sĩ, tiến sĩ; công nhận Bằng tiếng Pháp DELF và DALF được sử dụng trong tuyển sinh đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và không giới hạn thời hạn sử dụng…
Chia sẻ về kế hoạch triển khai kỳ thi đánh giá năng lực, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Tiến Thảo cho biết, năm 2024, đơn vị tổ chức 6 đợt thi đánh giá năng lực cho học sinh bậc Trung học Phổ thông, đáp ứng nhu cầu của khoảng 98.000 thí sinh. Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, có trên 98.000 thí sinh thuộc hơn 800 trường Trung học Phổ thông đăng ký dự thi, trải dài trên 53 tỉnh, thành phố. Dự kiến, kết quả thi sẽ được Trung tâm Khảo thí công bố sau ngày 10/6/2024. Hiện nay, Trung tâm Khảo thí đang xây dựng Kế hoạch triển khai chính sách xét tuyển và học bổng HSA toàn phần dành cho top 5% thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực tốt nhất.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc từ các mùa tuyển sinh trước, cũng như đề xuất phương thức tuyển sinh tối ưu nhất.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Phạm Như Hải đề xuất, với đặc thù là đơn vị có thời gian đào tạo kéo dài, đòi hỏi tuyển được thí sinh có chất lượng đầu vào cao, Trường Đại học Y Dược mong muốn triển khai thí điểm hình thức phỏng vấn sau khi các thí sinh đã trúng tuyển vào trường bằng bài thi đánh giá năng lực hay bài thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông.
Đối với việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ Nguyễn Xuân Long cho rằng, việc sử dụng Chứng chỉ ngoại ngữ Vstep để xét tuyển mang tính khả thi cao, bởi bài thi này đã được thực hiện trên máy tính, do Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đề. Việc tổ chức kỳ thi VNU test làm căn cứ tuyển sinh sau đại học cũng cần tiến hành sớm để tạo điều kiện cho thí sinh tham gia xét tuyển.
Liên quan đến chỉ tiêu đào tạo, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đặng Thị Thu Hương đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội sớm phân bổ chỉ tiêu về các đơn vị đào tạo, cũng như phê duyệt các phương thức tuyển sinh mới, giao nhiệm vụ mở mới các ngành đào tạo.
Kết luận hội nghị, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải yêu cầu, các đơn vị đào tạo chủ động đề xuất chỉ tiêu tuyển sinh nên cần tuyển đúng, tuyển đủ trên cơ sở các điều kiện đảm bảo chất lượng thực tế tại đơn vị. Các đơn vị tuyển sinh không đủ cần rút kinh nghiệm cho năm tuyển sinh tiếp theo, tăng cường hoạt động quảng bá tuyển sinh.
Về việc giao chỉ tiêu tuyển sinh tới đây, Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải đề nghị Ban Đào tạo căn cứ vào số liệu sinh viên tốt nghiệp đúng hạn để quyết định phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở các điều kiện đảm bảo chất lượng.
Việt Hà (TTXVN)