Thứ Bảy, 28/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 22/12/2008 14:8'(GMT+7)

Đại hội của Đoàn kết, đổi mới, hội nhập và phát triển

Sáng nay (22.12), Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ V (nhiệm kỳ 2008-2013) đã khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội).
 Gần 1.200 đại biểu ưu tú đại diện cho gần 10 triệu cán bộ, hội viên, nông dân cả nước, tiêu biểu cho trí tuệ, sức mạnh đoàn kết của giai cấp nông dân đã về dự Đại hội. Trong đó có 165 đại biểu là người dân tộc thiểu số (chiếm 14%); 19 đại biểu là tín đồ tôn giáo (chiếm 1,6%); 254 đại biểu nữ (chiếm 23,8%); 1.040 đại biểu là đảng viên (chiếm 96,6%); 18 đại biểu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (chiếm 1,5%), 1 anh hùng lao động. Đại biểu cao tuổi nhất là ông Nguyễn Văn Khen, 65 tuổi- Chủ nhiệm HTX Thuỷ sản Thái Hoà, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Đại biểu ít tuổi nhất là chị Hoàng Thị Mỵ, 19 tuổi, thôn Lũng Vài, xã Côn Lôn, huyện Na Hang, Tuyên Quang.

Đến dự và chỉ đạo Đại hội có các đồng chí: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Chủ tịch quốc hội Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm; các đồng chí nguyên là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí là Uỷ viên và nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các đồng chí lãnh đạo của các ban Đảng Trung ương, các bộ, ban, ngành; các đồng chí lão thành cách mạng, bà mẹ Việt Nam Anh hùng; các đồng chí Chủ tịch và Phó Chủ tịch TW Hội Nông dân các thời kỳ cùng một số nhà khoa học, doanh nghiệp có đóng góp lớn cho nông dân Việt Nam.

Với chủ đề "Đoàn kết, đổi mới, hội nhập và phát triển", Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ V diễn ra trong thời điểm có ý nghĩa quan trọng. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng; Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) vừa ra Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân khoá IV trình bày tại Đại hội đã làm rõ những ưu, khuyết điểm; đồng thời chỉ rõ những cơ hội, thuận lợi và những khó khăn, thách thức đối với nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Từ đó xác định mục tiêu, phương hướng hoạt động của Hội trong 5 năm (2008-2013).

Nông dân nước ta hiện nay chiếm 73% dân số, lao động nông nghiệp chiếm 55,7% tổng số lao động xã hội. Thu nhập bình quân đầu người đạt 6,1 triệu đồng/người/năm vào năm 2007 (tăng 2,7 lần so với năm 2000). Đến năm 2007, về cơ bản đã xóa được đói, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 18%.

Trong xu thế cơ cấu kinh tế ngành, vùng đang chuyển dịch mạnh theo h­ướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã tích cực đầu tư­ vào các mục tiêu chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, làm cho cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; giảm tỷ trọng nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản tiếp tục phát triển với giá trị gia tăng đạt bình quân 3,71%/ năm, giá trị tổng sản lượng tăng bình quân 5,24%/năm. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn tiếp tục phát triển, các loại hình hình dịch vụ ở nông thôn tăng nhanh. Giá trị sản xuất công nghiệp khu vực nông thôn tăng lên 19,3%, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản tăng trưởng bình quân 14,8%/năm. Hiện cả nước có trên 113,7 ngàn trang trại, 7,2 ngàn hợp tác xã nông, lâm, ngư nghiệp và dịch vụ; 600 hợp tác xã thủy sản; 837,5 ngàn tổ hợp tác; 2.017 làng nghề. Đã có 3,46 triệu hộ nông nghiệp chuyển sang làm công nghiệp và dịch vụ, tăng 62% so với năm 2000.

Nông thôn
nước ta hiện nay có gần 14 triệu hộ. Đời sống của nông dân được nâng lên. Lĩnh vực giáo dục và y tế được quan tâm. Kết cấu hạ tầng ở nông thôn được cải thiện đáng kể. Đã có 96,8% số xã có điện lưới, 93,3% số hộ được sử dụng điện; 96,9% số xã có đường ô tô đến trung tâm; 100% số xã có điện thoại, 83% số xã có nhà văn hoá, điểm bưu điện - văn hoá; 99,45% số xã có trạm y tế; 70% cư dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 85,1% số xã có lớp mẫu giáo; 100% số xã có trường tiểu học; 84,4% số xã có trường trung học cơ sở; 73,6% số hộ nông dân có nhà kiên cố và bán kiên cố; số chợ ở nông thôn chiếm 74,9% so với tổng số chợ trong cả nước. Hoàn thành trên 1.100 cụm, tuyến dân cư vượt lũ ở đồng bằng sông Cửu Long, bố trí cho 108 ngàn hộ dân có nơi cư trú an toàn trong mùa lũ. Mỗi năm có hàng triệu hộ nông dân đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; hàng vạn thôn, ấp, bản; xã, phường đạt danh hiệu làng, xã văn hóa. Công cuộc xây dựng nông thôn mới nước ta tiếp tục phát triển, từng bước hình thành nông thôn văn minh, hiện đại.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Cường, Uỷ viên TƯ Đảng, Chủ tịch BCH TƯ Hội Nông dân Việt Nam (khóa IV) cũng đã chỉ ra nhiều khó khăn, thách thức mà nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn đang phải đối mặt. Nền sản xuất nông nghiệp nước ta về cơ bản vẫn là sản xuất nhỏ, phân tán, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch còn chậm, khả năng cạnh tranh chưa cao, vệ sinh an toàn thực phẩm một số loại nông sản chưa bảo đảm, chưa đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất hàng hoá; kết cấu hạ tầng còn thấp. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao; chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn còn lớn. Tình trạng nông dân thiếu việc làm và thu nhập thấp đang là vấn đề cần tập trung giải quyết ở nông thôn. Tệ nạn xã hội còn phức tạp, môi trường nông thôn đang bị ô nhiễm nặng nề...

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cũng đã đánh giá cao những nỗ lực của các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc chỉ đạo thực hiện công tác Hội và các phong trào nông dân.

Nhất trí với các mục tiêu mà Hội đã đề ra trong Báo cáo, Tổng Bí thư cũng lưu ý: Để đạt được mục tiêu chung, các cấp Hội Nông dân phải quán triệt sâu sắc, vận dụng đúng đắn, sáng tạo các quan điểm, tư tưởng Nghị quyết Đại hội X của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định: “Đảng và Nhà nước ta luôn xác định trách nhiệm cao trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, nhiệm vụ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhiệm vụ xây dựng giai cấp nông dân. Tạo điều kiện để mọi nông dân lao động, phát huy hết khả năng trí tuệ làm giàu cho gia đình, quê hương, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới”.

Tổng Bí thư chỉ đạo, để hoàn thành tốt mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, Hội nông dân cần làm tốt hơn nữa các phong trào nông dân, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với nông dân, tạo điều kiện để nông dân phát huy quyền dân chủ. Các cấp hội cũng cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ Hội; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, viện nghiên cứu, các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp để tạo vốn và việc làm cho nông dân. Mọi hoạt động của Hội phải hướng về cơ sở, đem lại lợi ích thiết thực cho nông dân. Chú trọng củng cố khối liên minh công nhân – nông dân – trí thức, thực hiện dân chủ hoá, công khai hoá, tạo điều kiện bảo đảm cho nông dân lao động được biết, được bàn, được kiểm tra...

Thay mặt BCH TW Đảng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã trao tặng Hội Nông dân Việt Nam bức trướng mang dòng chữ: “Giai cấp nông dân và Hội nông dân Việt Nam đoàn kết, đổi mới, hội nhập và phát triển, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.

Đại hội tiếp tục diễn ra đến hết ngày 24/12/2008, bầu Ban chấp hành gồm 127 uỷ viên (tăng hơn so với nhiệm kỳ IV là 4 uỷ viên). Đồng thời, Đại hội sẽ tập trung thảo luận, sửa đổi bổ sung Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới; cho ý kiến về Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa IV.

Thu Thanh

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất