Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng; các Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Mai Văn Chính, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
Các đồng chí: Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương; Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Giám đốc Trung tâm Báo chí Đại hội, Người phát ngôn Đại hội XIII của Đảng; Nguyễn Quốc Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
Tham dự còn có đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương; đại diện lãnh đạo một số cơ quan báo chí; đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí trong nước và nước ngoài thường trú tại Việt Nam; 66 phóng viên quốc tế theo dõi bằng hình thức trực tuyến.
NGHỊ QUYẾT PHẢI ĐƯỢC THỂ CHẾ HÓA, CỤ THỂ HÓA THÀNH CHỦ TRƯƠNG, CHỈ ĐẠO QUYẾT LIỆT, TỪ TRÊN XUỐNG DƯỚI
Phát biểu tại Họp báo, đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Giám đốc Trung tâm Báo chí Đại hội XIII của Đảng cho biết: Sau hơn 7 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, với phương châm "Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, sáng tạo và phát triển", Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp, hoàn thành tất cả mục tiêu chương trình, nội dung Đại hội đề ra. Thay mặt Trung tâm Báo chí Đại hội và đội ngũ những người làm báo, đồng chí Lê Mạnh Hùng chúc mừng đồng chí Nguyễn Phú Trọng được Đại hội và Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bầu giữ cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Phát biểu tại họp báo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn các nhà báo trong nước và quốc tế đã đưa tin trong những ngày Đại hội XIII của Đảng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, Đại hội XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp, rút ngắn được gần hai ngày so với kế hoạch. “Tôi được dự nhiều Đại hội, Đại hội này là Đại hội thành công một cách thực sự cả về nội dung, hình thức, cách thức tổ chức, lề lối làm việc và kết quả cuối cùng là Đại hội thông qua Nghị quyết", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, công tác chuẩn bị Đại hội khó nhất là chuẩn bị các văn kiện. Trong khi Đại hội lần này có rất nhiều văn kiện: Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, nhìn lại cả quá trình 35 năm đổi mới, quá trình phát triển đất nước, Báo cáo Chính trị, Báo cáo kinh tế - xã hội, Báo cáo về xây dựng Đảng và báo cáo về các lĩnh vực khác. Công tác văn kiện làm từ năm 2018 đến nay, sửa đến 80 lần, lấy ý kiến của các ngành, các cấp, các cơ quan và lần đầu tiên đăng toàn văn công khai trên báo chí để toàn dân góp ý kiến.
Thứ hai là công tác nhân sự, chưa bao giờ triển khai như lần này, được chuẩn bị chu đáo, thận trọng, khách quan, công tâm, làm từng bước, từ dễ đến khó, rộng đến hẹp, có lớp lang, rất chu đáo, cẩn thận. Việc chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, dự kiến nhân sự cơ quan lãnh đạo khác được làm từng bước, lấy ý kiến của các cơ quan, khi đưa ra đại hội có sự thống nhất rất cao và nhanh.
Công tác bầu cử được bầu xong trong một lần và có sự thống nhất cao. Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII dự kiến họp cả ngày, nhưng chỉ trong một buổi đã hoàn thành kế hoạch.
Một điểm nữa là công tác tổ chức Đại hội được tổ chức rất tốt, chu đáo, cẩn thận, từ nơi ăn chốn ở, phương tiện đi lại chu đáo cho các đại biểu, đến cách thức làm việc, tạo mọi điều kiện cho các đại biểu về dự Đại hội; đồng thời bảo đảm an toàn tuyệt đối, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 đang xảy ra.
Một điểm quan trọng nữa, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là không khí tin cậy lẫn nhau, phấn khởi, hồ hởi và vui mừng khi đất nước phát triển, Đại hội thành công và thành công này không phải tự nhiên có. Đại hội đã tổng kết, rút ra những vấn đề không chỉ trong 5 năm vừa qua, mà còn trong 35 năm đổi mới. Cùng với đó là định hướng cho không chỉ 5 năm tới, mà cho 10 năm, 20 năm, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước, phấn đấu đến năm 2045 Việt Nam phải trở thành nước phát triển ở trình độ cao.
"Thành công của Đại hội không phải là thông qua được Nghị quyết, bầu Ban Chấp hành mới, quan trọng hơn, sắp tới phải đưa Nghị quyết vào cuộc sống thế nào, biến nó thành hiện thực thế nào", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Theo Tổng Bí thư, Nghị quyết phải được thể chế hóa, cụ thể hóa thành những chủ trương, chỉ đạo quyết liệt, từ trên xuống dưới thống nhất, mang lại của cải vật chất để nước phải giàu, dân phải mạnh, đời sống nhân dân sung sướng hơn. Đó mới gọi là thành công.
Một lần nữa khẳng định thành công rất tốt đẹp của Đại hội XIII của Đảng, chưa có Đại hội nào có báo chí đến đông như thế này, gần kín hội trường, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, các phóng viên, nhà báo đã đóng góp quan trọng cho thành công Đại hội.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tin tưởng sau Đại hội, báo chí tiếp tục "truyền cảm hứng", khí thế của Đại hội trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, tạo sức mạnh, bước tiến cho đất nước tiếp tục phát triển, sánh vai cùng các nước trên thế giới.
"Tôi dám dùng chữ "Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay" và đã chính thức được đưa vào văn kiện. Chúng ta tự hào với việc này và tiếp tục làm tiếp", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
CUỘC ĐẤU TRANH THAM NHŨNG CÒN LÂU DÀI, QUYẾT LIỆT
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi về công tác phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, đây là vấn đề lớn, đất nước nào cũng có, thời nào cũng có, chỉ có nhiều hay ít, rộng hay hẹp. Đây là bệnh của những người có quyền, có chức, lại nắm trong tay tiền của thì rất dễ tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. Cuộc phát động chống tham nhũng, tiêu cực được bắt đầu từ năm 2013, khi thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng. Từ năm 2013 đến nay, đã xử rất nhiều vụ, nhiều Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị bị đi tù, thu hồi tài sản lên đến hàng triệu USD và nhiều tỷ đồng.
“Tôi nói là không dừng, không nghỉ, không kể đó là ai, không có vùng cấm. Có người trước đây lúc thấy tôi sức khỏe yếu là cũng lo chùng xuống, có tâm lý đó. Giờ sắp đến Đại hội rồi có làm không. Tôi nói là, mai Đại hội mà hôm nay đến ngày xét xử, vẫn đưa ra tòa xét xử”.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, làm không phải cốt là để trị ai, thù oán ai, mà hoàn toàn là nhân văn, nhân đạo. Nhắc lại câu nói của Bác Hồ, cưa một cành cây mọt, sâu, để cứu cả cái cây. Xử một vài người để răn đe, giáo dục, ngăn ngừa người khác đừng vi phạm, để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa là chính, không phải cốt xử cho nhiều, xử cho nặng mới là nghiêm. Ai cũng thích của, thích tiền. Nhưng danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng khẳng định, đây là cuộc đấu tranh còn lâu dài, gian khổ, quyết liệt và gian nan. Vừa qua mới là hạn chế, ngăn ngừa được một bước. Còn quyền, còn chức, còn tiền, nếu con người ta không tu dưỡng rèn luyện sẽ còn xảy ra.
NHẤN MẠNH VAI TRÒ CỦA NHÂN DÂN, SỨC MẠNH ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC
Tại buổi họp báo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết, trong các dự thảo Văn kiện cũng như bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ nguyên nhân để đạt được những kết quả trong nhiệm kỳ XII. Theo đó, Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh những thành tựu quan trọng, mang lại nhiều dấu ấn nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, văn hóa, môi trường, con người, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Những kết quả đạt được là do có sự đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy đảng; cùng với đó là sự quản lý, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự đổi mới của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
“Nhưng điều quan trọng nhất, Văn kiện lần này nhấn mạnh vai trò của nhân dân, của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự nỗ lực của cán bộ, đảng viên và nhân dân để thực hiện các nhiệm vụ của nhiệm kỳ XII; qua đó thể hiện tinh thần lao động tích cực, sáng tạo, làm nên nhiệm kỳ thành công với nhiều dấu ấn", đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Văn kiện nêu rõ, các nguy cơ đã được chỉ ra trước đó bao gồm: Tụt hậu về kinh tế; quan liêu, tham nhũng, lãng phí; “tự diễn biến, tự chuyển hóa”; sự chống phá của các thế lực thù địch. Các thách thức đều tương tác lẫn nhau, do đó muốn xử lý vấn đề này phải thực hiện tích cực, đồng bộ, bài bản các giải pháp. Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí cùng với cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, góp phần khắc phục tình trạng tự diễn biến, tự chuyển hóa cũng như âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.
Nhấn mạnh các nguy cơ đều tác động mạnh mẽ đến Việt Nam, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp lâu dài, bền vững, trong đó phải có khuôn khổ pháp luật, thể chế để tổ chức thực hiện mang lại hiệu quả thực sự. Cùng với đó, phải có cơ chế kiểm soát quyền lực, chế tài xử lý nghiêm minh, đồng bộ với công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức.
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, những thách thức mới như đại dịch COVID-19, nếu xử lý không tốt sẽ ảnh hưởng lớn đến các nhiệm vụ khác. Do đó, Việt Nam phải thực hiện mục tiêu kép: Vừa chống dịch như chống giặc, khẳng định sức mạnh ý chí và sự ưu việt của chế độ dưới sự lãnh đạo của Đảng; đồng thời phải tiếp tục đảm bảo sản xuất kinh doanh và an toàn của người dân.
Bổ sung câu trả lời của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho biết, trước bốn nguy cơ Hội nghị toàn quốc của Đảng giữa nhiệm kỳ khóa VII năm 1994 đưa ra, trong những năm vừa qua, Đảng đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo để đấu tranh, ngăn ngừa. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, những nguy cơ này vẫn tồn tại, bên cạnh đó, có thể có một số mặt diễn biến có tính chất phức tạp hơn.
“Bốn nguy cơ này có quan hệ chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau và nguy cơ nào cũng nguy hại, đều phải đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, không thể chủ quan, xem thường. Và nếu xét về tổng thể, yếu tố bên trong - yếu tố nội lực của Đảng, đất nước, dân tộc, nhân dân ta là quan trọng nhất, các thế lực thù địch luôn luôn muốn thực hiện diễn biến hòa bình đối với Đảng và chế độ ta”, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Đồng chí Võ Văn Thưởng tin tưởng, nếu thực sự đoàn kết, vững vàng, có bản lĩnh chính trị cao và dựa vào trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, không có thế lực nào có thể ngăn cản con đường phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Thu Hằng – Minh Thế