Chia sẻ quan điểm bên lề Đại hội, các đại biểu đánh giá cao vai trò của MTTQ Việt Nam trong nhiệm kỳ qua; khẳng định, đây là "ngôi nhà chung" của tất cả các dân tộc, tôn giáo và kỳ vọng trong nhiệm kỳ tới MTTQ Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp với nhân dân, từ đó tập hợp sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
"NGÔI NHÀ CHUNG" CỦA TẤT CẢ CÁC DÂN TỘC, TÔN GIÁO
Hòa thượng Thích Tánh Nhiếp, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Bình cho rằng, Đại hội lần này rất đặc biệt, tài liệu được chuẩn bị kỹ lưỡng, đề ra nhiều chương trình, cũng như giải pháp trong thời gian tới nhằm phát huy vai trò đoàn kết toàn dân tộc.
Có thể thấy, một trong những thành công quan trọng là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, bộ, ban, ngành Trung ương, các tổ chức thành viên và địa phương phát động, kêu gọi, vận động các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, đồng bào các dân tộc, tôn giáo chung sức, đồng lòng tham gia phòng, chống dịch, góp phần cùng cả nước khống chế thành công dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Vừa qua, trước những thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kịp thời ra Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm nhanh chóng khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân.
Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, Giáo hội luôn đoàn kết chặt chẽ với các đoàn thể, nhân dân trong đại gia đình Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hoạt động tích cực trong khuôn khổ Hiến pháp và luật pháp nước, luôn luôn xứng đáng là một thành viên đáng tin cậy của khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đứng trước những thời cơ mới, thách thức mới của toàn cầu hóa, mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt, trong những năm gần đây, vấn đề thiên tai, dịch bệnh, nhất là dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, tinh thần đoàn kết được kế thừa và phát huy trong lịch sử dân tộc, trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của Phật giáo Việt Nam và dân tộc lại được Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát huy và tô đậm, thêm sâu sắc, nhân văn và ý nghĩa hơn.
Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, Mặt trận Tổ quốc chính là điểm tựa để mỗi người chúng ta chung tay góp sức, đưa đất nước ngày một đi lên. Mặt trận Tổ quốc là nòng cốt khối đại đoàn kết dân tộc, trong đó có các tôn giáo. Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc với tinh thần "hộ quốc an dân", luôn có mặt trong công tác an sinh xã hội, mang lại lợi ích cho dân tộc.
Vinh dự là đại biểu dự Đại hội, Hòa thượng Thích Lệ Trang mong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ tới tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, để tiến kịp sự đổi mới hằng ngày của thế giới, phải không ngừng đổi mới thì mới lắng nghe được sự thay đổi của xã hội.
“Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hãy mở rộng tập hợp, đoàn kết các giai tầng trong toàn xã hội để xóa hết đói nghèo, không còn những gia đình thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu điều kiện giáo dục. Dù chúng ta là ai, trước tiên phải biết mình là người Việt Nam; dù là tín ngưỡng, tôn giáo nào, trước hết vẫn phải biết đến quê hương, đất nước. Mặt trận Tổ quốc là ngôi nhà chung để tất cả các dân tộc, tôn giáo cùng ngồi lại với nhau, thực hiện những ước vọng của cha ông”, Hòa thượng Thích Lệ Trang chia sẻ.
TẬP HỢP SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC
Đại biểu Vũ Thị Hồng Phi (nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ chợ Đồng Xuân, Hà Nội) nhấn mạnh vai trò hết sức to lớn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Đặc biệt, lần đầu tiên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kịp thời công khai, minh bạch các nguồn ủng hộ, hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) và phân bổ kịp thời tới các địa phương chịu ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề về người và tài sản; qua đó đã nhận được sự đồng tình, tin tưởng ủng hộ, khen ngợi của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước…
Nhiệm kỳ tới, đại biểu Hồng Phi kỳ vọng Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục đẩy mạnh vận động quần chúng nhân dân phát huy tinh thần tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy tài năng, sáng kiến, giúp nhau xóa đói giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tích cực tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ông Bùi Thanh Dũng (dân tộc Mường, Chi hội phó Cựu Chiến binh thôn Số Tơi, xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội) cho rằng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp với nhân dân. Đây là cơ sở quan trọng để tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân vững tin theo Đảng. Theo đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần nêu cao dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc.
Theo đại biểu Yathi (dân tộc Churu, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng), những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cuộc sống người dân tộc thiểu số đã có nhiều tiến bộ. Các thông tin về đất nước, người đồng bào dân tộc được tiếp cận rất kịp thời, cụ thể, rõ ràng.
“Cảm ơn Đảng và Nhà nước, nhân dân chúng tôi nguyện luôn đoàn kết theo Đảng và mong muốn đóng góp xây dựng Đảng, cho sự phát triển của đất nước”, đại biểu Yathi khẳng định.
Nhiều ý kiến của các đại biểu khẳng định, MTTQ là "mái nhà chung" của các dân tộc, tôn giáo; nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam vô cùng to lớn trong việc tập hợp sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các dân tộc, tôn giáo tham gia Mặt trận đều phấn khởi vì thấy mình được coi trọng.
Các đại biểu đều bày tỏ mong muốn, trong nhiệm kỳ tới, MTTQ Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong giám sát và phản biện xã hội, thường xuyên lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân, trao đổi, đối thoại, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân; tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân../.
TTXVN