Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh vai trò của chính quyền các cấp ở địa phương trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khi ông phát biểu làm rõ thêm trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vào sáng 14/11.
Trả lời chất vấn trước Quốc hội, ngày 12/11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết thực trạng tình hình: “Nếu chúng ta nhập khẩu qua con đường chính ngạch, tức là thông qua các cửa khẩu có đầy đủ các cơ quan chức năng là hải quan, kiểm dịch, bộ đội biên phòng thì chúng ta có thể ngăn chặn được những mặt hàng độc hại, kém chất lượng xâm nhập vào thị trường trong nước. Tuy nhiên, do đường biên giới của nước ta dài, hiểm trở nên luôn có tình trạng hàng hóa, trong đó có cả thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, không qua kiểm định được “tuồn” (buôn lậu) vào thị trường trong nước".
Trình bày về các giải pháp khắc phục thực trạng này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Vừa qua Ban Chỉ đạo quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm thống nhất chọn một sản phẩm đang gây bức xúc đó là gà nhập lậu được tiêu thụ với quy mô lớn”.
Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đang xây dựng một đề án và từ nay đến hết năm 2013, sẽ ngăn chặn cơ bản gà nhập lậu vào nước ta. Không chỉ dừng lại ở ngăn chặn một loại thực phẩm là gà nhập lậu, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện với các loại thực phẩm khác.
Để hạn chế ảnh hưởng của thực phẩm không đảm bảo, mà cụ thể là gà nhập lậu, Phó Thủ tướng yêu cầu cần tuyên truyền để người dân biết, không tiêu thụ thực phẩm này, góp phần bảo vệ ngành chăn nuôi gà ở trong nước.
Theo Bộ Công Thương hiện cả nước có khoảng 20 chủ hộ kinh doanh loại gà nhập lậu, cơ quan chức năng đã kiểm tra và yêu cầu không kinh doanh loại hàng này. Việc vận chuyển gà nhập lậu cũng dễ phát hiện nên chính quyền cơ sở cấp xã cần xác định không tiếp tay cho việc kinh doanh, buôn bán gà nhập lậu thì sẽ ngăn chặn được. Bên cạnh đó, chúng ta phải sắp xếp lại lực lượng quản lý thị trường và xử lý kiên quyết nghiêm minh những trường hợp vi phạm. Thủ tướng Chính phủ vừa ký Nghị định số 91 về an toàn thực phẩm, chế tài xử phạt vi phạm đến mức 100 triệu đồng và có thể tịch thu phương tiện, tang vật.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết trong 2 năm vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương phải có quy hoạch về hệ thống giết mổ gia súc. Đến nay ở phía Nam hầu hết các tỉnh đã có quy hoạch và 80% nguồn thực phẩm tiêu thụ được kiểm soát và an toàn. Trong khi đó ở các tỉnh phía Bắc khả năng kiểm soát dưới 10%, do chưa thực hiện tốt quy hoạch hệ thống giết mổ gia súc.
Ban chỉ đạo quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm đã yêu cầu các tỉnh đang làm quy hoạch phải hoàn thành trước ngày 31/12/2012, còn tỉnh nào chưa thực hiện quy hoạch thì phải xong trước ngày 31/1/2013 .
Về tình trạng ngộ độc thực phẩm, Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, những nơi có khu công nghiệp tập trung phải tăng cường kiểm tra bếp ăn tập thể. Do đó, số lượng ca ngộ độc trong 3 năm gần đây ở bếp ăn tập thể đã giảm đi.
Để đảm bảo tiêu thụ thực phẩm an toàn, Bộ Công Thương đã chỉ đạo một số địa phương xây dựng mô hình chợ an toàn để kiểm soát từ đầu vào và từng quầy bán trong chợ đăng ký là quầy bán an toàn. Đến tháng 1/2013 sẽ tổ chức sơ kết mô hình chợ an toàn.
Năm 2011, Chính phủ đã xây dựng một bộ chỉ số về an toàn thực phẩm chưa tập hợp được số liệu. Năm 2012, Chính phủ tiếp tục thực hiện và sẽ nhấn mạnh trách nhiệm của từng địa phương, trong đó có trách nhiệm của từng cơ sở đối với vấn đề an toàn thực phẩm, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết.
(Thành Chung- Chinhphu.vn)