(TG)-Các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, An Giang… tập trung triển khai các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong thời gian tổ chức các lễ hội đầu xuân Quý Tỵ 2013.
* Tỉnh Bắc Giang tập trung triển khai các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông nhằm giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trong thời gian tổ chức các lễ hội đầu xuân Quý Tỵ 2013 trên địa bàn, góp phần đạt mục tiêu giảm tối thiểu 6% số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông trên địa bàn toàn tỉnh trong năm nay.
Công an tỉnh bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, điều khiển, hướng dẫn giao thông, đặc biệt chú trọng trên Quốc lộ 1A và các tuyến giao thông trọng điểm, các tuyến đường dẫn đến các nơi tổ chức các lễ hội đầu năm trên địa bàn như Quốc lộ 31, Quốc lộ 37, Quốc lộ 279, Tỉnh lộ 398, Tỉnh lộ 295 và 295B... Lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành lang an toàn giao thông, lấn chiếm lòng, lề đường, nhanh chóng giải tỏa ùn tắc tại các địa điểm tổ chức lễ hội. Ngành Giao thông vận tải tỉnh phát hiện, xử lý kịp thời các điểm có nguy cơ mất an toàn giao thông trên các đoạn đường đèo dốc; rà soát, bổ sung, sửa chữa hệ thống cọc tiêu, biển báo, vạch kẻ đường... đảm bảo an toàn giao thông thông suốt trên các tuyến đường. Các cơ quan báo chí của tỉnh tăng cường thời lượng, chuyên mục tuyên truyền hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông và lên án các hành vi thường gặp trong dịp lễ hội sau Tết như điều khiển phương tiện khi say rượu, bia, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm...
Theo Ban An toàn giao thông Bắc Giang, từ đầu năm 2013 đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 82 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 31 người chết và 78 người bị thương.
* Trong 2 ngày 23 và 24/2 (tức ngày 14, 15 tháng Giêng năm Quý Tỵ 2013), tại các chùa, am cốc, miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam và khu vực rừng núi... trong tỉnh An Giang số lượng du khách trong và ngoài tỉnh đến hành hương tăng đột biến.
Để tạo điều kiện an toàn, thông suốt giao thông cho du khách hành hương, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã bố trí lực lượng dân phòng hỗ trợ các chùa và điểm hành hương bảo vệ trật tự công cộng, bãi giữ xe, tài sản cho du khách…Công ty Phà An Hòa, phà Vàm Cống - thành phố Long Xuyên (cửa ngõ ra vào tỉnh) hoạt động hết công suất 16 chiếc phà từ 100 - 200 tấn hiện có tại các bến An Hòa, Vàm Cống; tăng từ 2 - 3 phòng vé ở các đầu bến và sẵn sàng huy động 6 chiếc phà 40 tấn của các bến lân cận (Trà Ôn, Ô Môi) để kịp thời giải tỏa nhanh các phương tiện qua sông, không để hành khách phải chờ lâu hay qua đêm tại bến.
Tỉnh An Giang cũng chú trọng đặc biệt 7.347 ha rừng trọng điểm cháy, chiếm 59% tổng diện tích có rừng của tỉnh, tập trung tại các huyện Thoại Sơn, Tịnh Biên, Châu Đốc và Tri Tôn có gắn với khu du lịch, chùa chiền, am cốc, có nhiều khách hành hương. Qua đó bố trí dụng cụ, phương tiện sẵn sàng chữa cháy, bổ sung thùng chứa rác và tuyên truyền nhân dân thực hiện đúng qui định vào rừng thì phải dập tắt lửa, nhang trước khi ra về; tổ chức trực 24/24h để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách hành hương và không để xảy ra cháy rừng./.
TG