Dân chủ và đoàn kết để thống nhất trong ý chí và hành động
Là Người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh đã nhận thức sâu sắc rằng, để có thể đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đi tới thắng lợi hoàn toàn, Đảng Cộng sản Việt Nam phải được “tổ chức một cách dân chủ. Điều đó có nghĩa là, tất cả mọi công việc của Đảng đều được toàn thể các đảng viên, hoàn toàn bình quyền và không có ngoại lệ nào, tiến hành trực tiếp hoặc thông qua các đại biểu; đồng thời tất cả những người có trách nhiệm trong Đảng, tất cả các ban lãnh đạo của Đảng, tất cả các cơ quan của Đảng đều được bầu ra, đều có trách nhiệm phải báo cáo và có thể bị bãi miễn”[1]. Vì vậy, Hồ Chí Minh và những người cộng sản Việt Nam đã không chỉ có ý thức về đoàn kết, luôn mang trong mình truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc và đoàn kết được coi là một phẩm chất đạo đức quan trọng của người đảng viên mà còn thường xuyên thực hiện dân chủ trong Đảng để xây dựng và củng cố khối đoàn kết, thống nhất, phát huy vai trò Đảng là trung tâm đoàn kết của toàn dân tộc để Đảng ngày một phát triển vững mạnh.
Ngay từ khi mới ra đời, những văn kiện lịch sử Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt, Chương trình tóm tắt của Đảng do Hồ Chí Minh soạn thảo được thông qua tại Hội nghị (hợp thành Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng), đã không chỉ vạch rõ tổ chức, nhiệm vụ, đối tượng của cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam còn khẳng định sẽ lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[2]. Cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược, đặc biệt là đã luôn thực hiện dân chủ trong Đảng; “thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng” và xây dựng khối đoàn kết, thống nhất; đồng thời, "không bao giờ Đảng lại hy sinh quyền lợi của giai cấp công nhân và nông dân cho một giai cấp nào khác”[3], Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định vai trò độc tôn lãnh đạo cách mạng Việt Nam của mình trong tiến trình lãnh đạo cách mạng.
Trong những năm lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền (1930-1945), dù có những khúc ngoặt và cả những tổn thất, song với bản lĩnh chính trị của một Đảng cách mạng chân chính được lý luận Mác - Lênin dẫn đường, những người cộng sản Việt Nam đã luôn quán triệt hai nguyên tắc: 1) Bình đẳng là tiền đề của dân chủ và dân chủ là tiền đề của đoàn kết, thống nhất trong Đảng. 2) Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, thường xuyên tự phê bình và phê bình của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong xây dựng Đảng có ý nghĩa quan trọng, nhằm phát huy dân chủ, thống nhất ý chí và hành động để kiên định con đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong đó, việc tuân thủ, thực hiện tập trung dân chủ không chỉ là nguyên tắc lãnh đạo, hoạt động và sinh hoạt Đảng mà còn là điều kiện bảo đảm để phát huy trí tuệ tập thể, mở rộng dân chủ, tăng cường đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với học sinh Trường Nghệ thuật Sân khấu Trung ương
ở Khu Văn công Mai Dịch, Hà Nội
Mùa xuân năm 1941, trở về nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước, Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5/1941); quyết định thực hiện sự chuyển hướng chiến lược cách mạng, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và tập trung cho nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Từ nhận thức sâu sắc về nguồn sức mạnh của khối toàn dân đoàn kết, Người đã không chỉ phát huy và nhân nguồn sức mạnh của tinh thần dân chủ và sự đoàn kết thống nhất trong Đảng mà còn khơi dậy và tổ chức thành công sức mạnh “dời non, lấp biển” của khối toàn dân đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh để lãnh đạo nhân dân đánh đuổi đế quốc Pháp - Nhật, “thành lập một Chính phủ nhân dân của Việt Nam dân chủ cộng hòa, lấy lá cờ đỏ sao vàng năm cánh làm lá cờ toàn quốc”.
Một nước Việt Nam mới giành được độc lập, tự do sau hơn 80 năm trời nô lệ đang đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách, bởi thù trong và giặc ngoài. Trong tình thế đất nước đang “ngàn cân treo sợi tóc” đó, cũng vẫn là Hồ Chí Minh - trung tâm ngọn cờ đoàn kết, thống nhất trong Đảng, linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân đã sớm tiên liệu, đặc biệt lưu tâm đến sự trong sạch, vững mạnh của một Đảng cầm quyền. Theo Người, tình hình và nhiệm vụ mới càng đòi hỏi Đảng phải xây dựng sự đoàn kết thống nhất và thực hiện dân chủ, phát huy dân chủ để củng cố và nhân nguồn sức mạnh nội lực của Đảng, để đưa sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc đi đến thành công. Vì vậy, để ngăn ngừa những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân như tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, cậy quyền, ỷ thế, lên mặt làm quan cách mạng, v.v.. đã xuất hiện trong một bộ phận cán bộ, đảng viên của Đảng, Hồ Chí Minh đã không chỉ yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải sửa đổi lối làm việc, phong cách công tác mà còn đồng thời chỉ rõ chủ nghĩa cá nhân chính là nguy cơ dẫn đến sự thoái hóa, biến chất của Đảng, gây mất dân chủ và đoàn kết trong Đảng.
2. Chống chủ nghĩa cá nhân để thực hiện dân chủ và đoàn kết trong Đảng
Không chỉ khẳng định đạo đức là gốc của người cách mạng; đề cao yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh còn đồng thời nhấn mạnh: Muốn phòng và chống chủ nghĩa cá nhân, “đánh thắng lòng tà và kẻ thù trong mình”, mỗi người phải tự mình cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nhất là phải kiên quyết “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Cùng đó, Người cũng khẳng định, để đoàn kết, thống nhất trong nhận thức và hành động, điều cần thiết nhất là trong Đảng phải thực hành dân chủ, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; trong đó, cấp trên phải thường xuyên kiểm tra cấp dưới và ngược lại, cấp dưới cũng phải thường xuyên phê bình cấp trên. Mỗi cán bộ, đảng viên trong sinh hoạt Đảng: khi tự phê bình cũng như được góp ý phê bình phải dũng cảm thừa nhận, đề ra biện pháp và kịp thời sửa chữa khuyết điểm theo tinh thần của Lênin: “Bị một phen thất bại không nguy hiểm bằng không dám thừa nhận thất bại, không dám rút ra ở đây tất cả những kết luận”[4] và Hồ Chí Minh, đó là phải “có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó”[5]…
Các đại biểu biểu quyết thông qua Chương trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng
Không chỉ luôn mẫu mực trong rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hiện tự phê bình và phê bình thường xuyên, liên tục trên cơ sở có lý, có tình, Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh: Trong khi nêu cao và kiên quyết thực hiện dân chủ và đoàn kết trong nội bộ Đảng, cấp ủy các cấp cần thấu triệt rằng, dân chủ trong nội bộ Đảng phải thật sự, phải đúng nguyên tắc chứ dân chủ theo kiểu bị cắt xén, dân chủ nửa vời không đầy đủ sẽ dẫn đến mất đoàn kết và đoàn kết “theo kiểu bằng mặt không bằng lòng”, đoàn kết hình thức,v.v.. sẽ nhanh chóng dẫn đến cục diện bè cánh, phe phái, lợi ích nhóm và hơn thế nữa, đó là lý thuyết “dân chủ”, là “đoàn kết” nhưng thực tế “áp đặt”, “quan chủ”, là “rạn vỡ”, “tan rã”.
Hơn ai hết, Hồ Chí Minh hiểu sâu sắc rằng: Đảng trong sạch, vững mạnh chính là ở đạo đức, lối sống và sự gương mẫu hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ của cán bộ, đảng viên; ở sức mạnh đoàn kết nhất trí, tính tổ chức kỷ luật và nhất là phải tự giác thực hiện nguyên tắc then chốt nhất - đó là tập trung dân chủ; ở việc thực hiện nghiêm túc quy luật phát triển Đảng - đó là tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình; ở mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; ở sự vững mạnh của các tổ chức cơ sở Đảng,v.v.. Do đó, nếu không thực hiện được dân chủ và đoàn kết thật sự trong Đảng thì sức mạnh nội lực của Đảng sẽ không còn, niềm tin của nhân dân vào Đảng cũng vì thế mà xói mòn. Song cũng theo Người, muốn thực hiện được dân chủ, thực hiện được tập trung dân chủ và đoàn kết trong nội bộ để Đảng luôn “là đạo đức, là văn minh” thì phương thuốc đặc hiệu là tự phê bình và phê bình: mạnh dạn phê bình, hoan nghênh phê bình triệt để, ráo riết, chân thành như rửa mặt hằng ngày dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ. Đó phải là tập trung trên nền tảng dân chủ và dân chủ dưới sự chỉ đạo tập trung, để kịp thời có biện pháp phù hợp và kiên quyết để sửa chữa khuyết điểm với tinh thần cầu thị, cầu tiến bộ. Điều này vừa có ý nghĩa đòi hỏi lãnh đạo tập thể phải đi liền với trách nhiệm cá nhân; đồng thời, chống được sự chuyên quyền, độc đoán, chống dân chủ hình thức và chống cả tư tưởng dựa dẫm, ỷ lại của đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, người lãnh đạo, quản lý nói riêng. Chỉ có làm được như vậy và phải làm thường xuyên, nghiêm túc, liên tục thì trong Đảng mới thực sự dân chủ, đoàn kết, thống nhất, mới phòng và chống được sự suy thoái, nguy cơ "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và Đảng mới luôn trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với vai trò tiền phong.
Xây dựng và phát triển, thường xuyên tự đổi mới và chỉnh đốn; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ và củng cố khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng; luôn gắn bó mật thiết với nhân dân..., dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và thực hiện di huấn của Người, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử lãnh đạo nhân dân ta tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.
Suốt gần 9 thập niên qua, từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đến những văn kiện của Đảng qua 12 kỳ Đại hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đều khẳng định rõ mục đích, tôn chỉ, nhiệm vụ giành độc lập tự do cho dân tộc, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Mục tiêu đó đã không chỉ làm nức lòng hàng triệu triệu trái tim, khối óc những con dân đất Việt mà còn khẳng định con đường đi hợp quy luật thời đại của dân tộc ta do Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lựa chọn. Trong hành trình ấy, luôn thấm nhuần những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về dân chủ và đoàn kết, trong mọi thời điểm lịch sử và ở vào những khúc ngoặt cam go nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam - “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người” đã luôn thống nhất về tư tưởng, chính trị, tổ chức, ý chí và hành động; đã quy tụ, phát huy và nhân nguồn sức mạnh tổng hợp của con người, của dân tộc, của thời đại để biết đánh và biết thắng từng bước, xây dựng một nước Việt Nam ngày càng phát triển giàu mạnh.
3. Đề cao dân chủ và đoàn kết để phòng và chống suy thoái
Dân chủ và đoàn kết thống nhất trong Đảng là sức mạnh vô địch, là một truyền thống quý báu của Đảng và nhân dân ta; được thực hiện trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, dựa vào Cương lĩnh và Điều lệ của Đảng. Trong hành trình đó, các tổ chức cơ sở Đảng từ Trung ương đến địa phương đã không ngừng củng cố, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; gắn bó mật thiết với nhân dân... Các cấp uỷ, tổ chức cơ sở Đảng đã thể hiện rõ vai trò lãnh đạo toàn diện tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị; chấp hành nghiêm nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế làm việc của cấp uỷ nghiêm túc, đúng Điều lệ, quy định của Đảng. Cấp ủy các cấp đã hướng về cơ sở, bám sát địa bàn, gắn bó với nhân dân, tăng cường đối thoại với nhân dân, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất, kiến nghị của nhân dân để tham mưu, đề xuất với các cấp ủy, chính quyền xây dựng các các chủ trương, chính sách phù hợp liên quan trực tiếp đến đời sống người dân.
Cùng với đó, việc phát huy tập trung dân chủ trong tự phê bình và phê bình, trong công tác lãnh đạo, kiểm tra, thi hành kỷ luật đảng viên và tổ chức đảng được tiến hành theo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, góp phần tăng cường sự thống nhất trong ý chí và hành động. Những bất cập, bức xúc nảy sinh từ thực tiễn đều được giải quyết thông qua quá trình phát huy dân chủ, thảo luận với tinh thần xây dựng, tạo sự đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động tại mỗi cấp ủy, góp phần tăng cường và củng cố khối đoàn kết thống nhất trong nội bộ trên tình thương yêu đồng chí lẫn nhau. Việc xử lý có lý có tình đối với các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chia rẽ, bè phái, mất đoàn kết và các hành vi vi phạm khác của cán bộ, đảng viên, làm trong sạch tổ chức Đảng các cấp cũng được chú trọng thực hiện, thiết thwucj xây dựng và chỉnh đốn Đảng…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, tại một số cấp ủy và chi bộ, nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng chưa được tôn trọng. Vẫn còn tồn tại tình trạng đảng viên và tổ chức đảng vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng tới việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Tình trạng thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, thiếu tinh thần trách nhiệm, coi thường kỷ luật Đảng và luật pháp của người đứng đầu trong sinh hoạt và công tác vẫn có nơi, có lúc làm cho việc thực hiện quy chế làm việc không nghiêm, mất dân chủ. Việc tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức, ngại va chạm, chưa thực sự sâu sát thực tế. Trong khi đó, tình trạng quan liêu, độc đoán, cục bộ địa phương, kèn cựa địa vị, cá nhân chủ nghĩa,v.v.. dẫn đến mất đoàn kết ở nhiều cơ quan, đơn vị vẫn còn. Cùng với đó, trong thực tế cũng vẫn có không ít chủ trương, nghị quyết của ban thường vụ, cấp ủy đã không được bàn bạc, thảo luận thấu đáo ở mọi khía cạnh, cho nên khi ban hành và triển khai vào cuộc sống hoặc bị “nhóm lợi ích” chi phối dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hoặc chưa phù hợp, chưa phát huy tác dụng, hiệu quả như mong muốn...
Trong thực tế, ở một số cấp ủy vẫn còn tình trạng
1) Tập trung không trên cơ sở dân chủ, thể hiện ở việc cấp trên có quyền ra lệnh cho cấp dưới, cấp dưới phải tuân theo cấp trên, song những mệnh lệnh của cấp trên lại là quyết định của một nhóm người, thậm chí là của một người nên dân chủ chỉ là hình thức. Vì thế, đó không phải là tập trung mà là quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, là gây hậu quả nghiêm trọng.
2) Dân chủ không trong khuôn khổ tập trung, biểu hiện ở việc dân chủ được mở rộng, trong khi lại buông lỏng tập trung, không nghiêm chỉnh chấp hành quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
3) Dân chủ hình thức, để nhằm hợp thức hóa ý kiến của lãnh đạo hoặc người chủ trì công việc mà thực chất là bảo thủ; không chỉ dẫn đến kìm hãm, làm thui chột tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình của mỗi cán bộ, đảng viên mà còn dẫn đến nguy cơ né tránh sự thật, “im lặng là vàng”, “dĩ hòa vi quý”, “ngại nêu ý kiến trái chiều”… phát triển, phá vỡ khối đoàn kết, thống nhất của tổ chức đảng, gây mất lòng tin trong nhân dân.
|
Trong thời gian tới, để thực hiện tốt dân chủ và đoàn kết trong Đảng, thiết thực phòng và chống suy thoái trong nội bộ để Đảng luôn xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, các cấp ủy Đảng cần phải thấm nhuần sâu sắc những cảnh báo, những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh và tập trung thực hiện tốt những yêu cầu sau:
Một là, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt nghiêm túc công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng; trong đó chú trọng phát huy dân chủ, tăng cường khối đoàn kết thống nhất trong nội bộ gắn với đấu tranh phòng và chống chủ nghĩa cá nhân, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đi đôi với phát huy, mở rộng dân chủ phải giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật; đề cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của mỗi cán bộ, đảng viên gắn với “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, góp ý, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trên cơ sở có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau để đảm bảo và nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng trong bất kỳ thời điểm lịch sử nào.
Hai là, thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng, chú trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy dân chủ trong mọi mặt công tác để xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng từ Trung ương xuống đến địa bàn cơ sở. Theo đó, mở rộng dân chủ nội bộ đi đôi với dân chủ hóa mọi mặt đời sống xã hội là phương thuốc đặc hiệu góp phần chống lại nguy cơ suy thoái chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống của Đảng cầm quyền, giữ gìn bản chất cách mạng tốt đẹp của Đảng và Nhà nước ta.
Ba là, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, tinh thần đoàn kết cho đội ngũ cán bộ, đảng viên thông qua việc học tập nghiêm túc chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng.Tiếp tục triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị; nhất là trong thực hiện Chỉ thị 05- CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Nghị quyết trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Bốn là, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng bằng nhiều hình thức khác nhau; thường xuyên trao đổi, thảo luận để thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên về tác dụng và bản chất của phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ. Gắn nội dung sinh hoạt Đảng với thực hiện nhiệm vụ chính trị tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị thông qua các chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hằng năm, hằng quý tại sinh hoạt chi bộ.
Đồng thời, trên cơ sở hiểu rõ tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, coi công tác kiểm tra, giám sát là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng ở từng Đảng bộ, từng chi bộ cơ sở và nghiêm túc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát gắn với việc phát huy vai trò giám sát của nhân dân. Qua đó, kịp thời phát hiện những vi phạm của cán bộ, đảng viên; uốn nắn, sửa chữa những sai phạm và đưa ra khỏi Đảng những kẻ xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ và đoàn kết, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thiết thực xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong từng tổ chức cơ sở Đảng.
Năm là, tiếp tục xây dựng, bồi dưỡng và nhân rộng những gương cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác, nhất là theo chủ đề năm 2019 về “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Trong mọi mặt công tác, lấy kết quả việc rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và và thực hiện Điều lệ, quy định của Đảng làm chuẩn mực đạo đức, lối sống; làm mục tiêu phấn đấu, rèn luyện; làm phương châm hành động, biện pháp công tác gắn với việc tự soi mình của mỗi cán bộ, đảng viên qua 27 biểu hiện suy thoái (chi tiết thành 82 biểu hiện) theo đúng yêu cầu, để đánh giá kết quả công tác và tiến hành khen thưởng, kỷ luật hằng năm đối với mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng.
TS. Văn Thị Thanh Mai
-----------
[1] V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến Bộ, Mát xcơva, 1978, tiếng Việt, t.14, tr.324
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, xuất bản lần thứ 3, Hà Nội, 2011, t.3, tr.1
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.4
[4] V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t.44, tr.99
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.301