Thứ Tư, 30/10/2024
Tuyên truyền
Chủ Nhật, 9/4/2017 22:37'(GMT+7)

Dân vận tốt là phải chăm lo đời sống người dân

Ông Dương Văn Quá tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc.

Ông Dương Văn Quá tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc.

Tạo lòng tin trong nhân dân

Tỉnh Bình Phước có hơn 260 km đường biên giới (thuộc ba huyện Lộc Ninh, Bù Đốp và Bù Gia Mập), tiếp giáp với ba tỉnh của Vương quốc Cam-pu-chia. Tại các xã biên giới, chủ yếu là đồng bào các dân tộc sinh sống, nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, chưa ổn định cuộc sống. Vì vậy, tăng cường công tác dân vận, xây dựng vùng biên giới hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế-xã hội, như Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ là việc làm thường xuyên của quân và dân trong tỉnh.

Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Bình Phước, Đại tá Vũ Xuân Kỷ cho biết: "Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân khu vực biên giới nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. BĐBP tỉnh Bình Phước còn phối hợp với chính quyền các cấp thực hiện bốn dự án định canh, định cư tập trung (thuộc Chương trình 134, 135) tại các xã Lộc Hòa, Lộc Thành, Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh và xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập. Các dự án đã giúp cho 323 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ổn định cuộc sống và cấp đất định canh, định cư cho 33 hộ dân xã Thiện Hưng và xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp. Ngoài ra, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước và Bộ Tư lệnh quân khu 7 còn xây dựng điểm dân cư tập trung, bố trí việc làm cho đồng bào DTTS giáp biên giới...".

Đến nay, nhiều mô hình hỗ trợ đồng bào vay vốn, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đã góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo để các hộ dân an cư lạc nghiệp. Bên cạnh đó, BĐBP tỉnh Bình Phước còn xây dựng nhiều chương trình, cuộc vận động như: giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo bền vững, mái ấm cho người nghèo biên giới, nâng bước đến trường, ngân hàng bò giống, hũ giạo tình thương. Đáng chú ý, Đồn Biên phòng Bù Đốp còn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng lúa nước, nuôi dê; Đồn Tà Vát có mô hình chăn nuôi bò; Đồn Thanh Hòa giúp người dân chăn nuôi dê…

Ông Điểu Đôn, người dân tộc Xtiêng ở ấp Thiện Cư, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp cho biết: "Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo. Năm 2015, gia đình được Đồn Biên phòng Bù Đốp tặng cặp dê giống và hướng dẫn cách nuôi, cách phối giống, sau hơn một năm nuôi, đàn dê đã tăng lên bảy con. BĐBP còn giúp gia đình tôi kỹ thuật trồng hồ tiêu, điều, nhờ đó gia đình tôi đã có thu nhập ổn định và thoát nghèo...".

Ở Đồn biên phòng cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư (đồn Hoa Lư, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh) lại có cách khác giúp dân từng bước xóa đói, giảm nghèo. Chính trị viên Đồn Hoa Lư Bùi Mạnh Lịch cho biết: "Xã Lộc Hòa có bảy dân tộc anh em sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm khoảng 40% và chủ yếu là hộ nghèo, thiếu đất sản xuất, khó khăn về nhà ở. Nắm vững tình hình đó, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ đồn Hoa Lư đã tặng gạo cho người dân mùa giáp hạt; quyên góp 344 triệu đồng tặng cho các hộ nghèo và gây quỹ giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn; cung cấp hơn 220 nghìn lít nước và 60 bồn chứa nước cho các hộ dân vượt qua đợt nắng hạn trong mùa khô vừa qua...".

Nhân dân là "đường biên vững chắc"


Từ những việc làm cụ thể, thiết thực, BĐBP tỉnh Bình Phước đã tạo được niềm tin trong nhân dân, đồng thời vận động người dân tham gia tích cực vào đội tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự thôn, ấp ở khu vực biên giới. Đáng chú ý là gần 10 năm qua, Đồn đã vận động xã Lộc Hòa duy trì Câu lạc bộ Phụ nữ DTTS tham gia bảo vệ an ninh biên giới ở ấp 8b. Từ năm 2008, câu lạc bộ chỉ có 30 thành viên, đến nay đã tăng lên hơn 40 người. Các thành viên trong câu lạc bộ thường xuyên phối hợp với bộ đội biên phòng tuần tra, phát quang bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới; tuyên truyền vận động người dân chấp hành nghiêm pháp luật, quy chế khu vực biên giới đất liền, không xâm canh, xâm cư, vượt biên trái phép...

Chị Thị Phương, dân tộc Xtiêng cho biết: "Từ khi tham gia câu lạc bộ, lại được cùng bộ đội biên phòng tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc và học tập thêm kiến thức pháp luật về chủ quyền lãnh thổ… chị em phụ nữ trong câu lạc bộ vững vàng hẳn. Bên cạnh đó, Câu lạc bộ Phụ nữ ấp 7, xã Lộc Hòa, còn tham gia tuyên truyền phòng, chống tội phạm, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân khu vực biên giới, đồng thời lồng ghép hướng dẫn nhau phát triển kinh tế gia đình...".

Không chỉ các câu lạc bộ, hội, đoàn thể mới tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc mà nhiều cá nhân vẫn âm thầm canh giữ phên dậu của Tổ quốc. Đó là ông Dương Văn Quá, ở ấp Thạnh Biên, xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh.

Ông Dương Văn Quá, sinh năm 1964 ở huyện An Lão (Hải Phòng). Năm 1990 rời quê hương vào xã Lộc Thạnh lập nghiệp, được BĐBP giúp đỡ phát triển kinh tế gia đình trong buổi đầu tha phương lập nghiệp, cuộc sống gia đình ông sớm ổn định trên vùng đất mới. Biết ơn BĐBP, ông Quá luôn mong muốn làm một việc gì đó có ý nghĩa cho Tổ quốc. Chính từ suy nghĩ đó mà ông cứ đều đặn mỗi tháng hai lần, bất chấp thời tiết mưa hay nắng, lại thu xếp công việc gia đình, khăn gói vượt gần 20km lên đường đi thăm, phát quang đường biên, cột mốc số 74, trên địa bàn xã Lộc Thạnh. Ông còn cẩn thận lau sạch cột mốc rồi ghi chép hiện trạng cột mốc vào cuốn sổ tay...

Chính trị viên Đồn Biên phòng Chiu Riu, Trung tá Nguyễn Duy Thành cho biết: “Ông Quá là một trong những tấm gương sáng trong bảo vệ đường biên, cột mốc do đồn quản lý. Mỗi chuyến đi thăm biên giới, ông Quá luôn chú ý đến hiện trạng cột mốc, dấu mốc. Khi phát hiện trên tuyến biên giới hay ở khu dân cư nơi ông ở tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự, ông báo cho đồn nắm tình hình và kịp thời xử lý. Ông được xem như một "chiến sĩ biên phòng" hết lòng vì chủ quyền biên giới quốc gia”.

Thẩm Sơn/Nhân dân


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất