Thứ Năm, 21/11/2024
Tư liệu lịch sử
Chủ Nhật, 27/5/2012 9:14'(GMT+7)

Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời – mốc son chói lọi cho quan hệ Việt – Lào

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Xuphanuvông.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Xuphanuvông.

Đoàn kết đấu tranh chống chế độ thuộc địa

Cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, cùng có nhiều nét tương đồng về văn hóa, nhân dân hai nước Việt Nam – Lào đã cùng sát cánh bên nhau nhau viết nên những trang sử hào hùng và cùng nhau vun đắp mối quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa hai quốc gia mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gây dựng. Mối liên kết giữa hai quốc gia được hình thành nhiều năm trước đây, nhưng nó càng phát triển mạnh mẽ sau sự ra đời của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đây được xem là một mốc son chói lọi trong quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam- Lào.

Tháng 10-1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng cộng sản Đông Dương. Hội nghị thông qua thông qua những văn kiện quan trọng, xác lập các nguyên tắc, phương hướng, đường lối chính trị và những nhiệm vụ cơ bản cho phong trào cách mạng của ba nước Đông Dương. Hội nghị đã đặt phong trào cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng Lào dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, đánh đấu mốc quan trọng trong mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các phong trào đấu tranh ở Việt Nam diễn ra mạnh mẽ và lan rộng trong cả nước và có ảnh hưởng lớn đến phong trào đấu tranh ở Lào. Các phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam cũng đã nhận được sự ủng hộ của nhân dân Lào.

Tháng 9-1943, Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời Ai Lao (tức Xứ uỷ lâm thời Ai Lao) được thành lập. Sự ra đời của Xứ uỷ Ai Lao là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh yêu nước của nhân dân Lào, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Lào đối với cách mạng Lào cũng như đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ giữa phong trào cách mạng hai nước Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

Tháng 3-1935, Đại hội Đại biểu lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương diễn ra. Đại hội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên hợp mật thiết các dân tộc Đông Dương để chống kẻ thù chung, đánh dấu sự khôi phục hệ thống tổ chức Đảng và phong trào cách mạng trong xứ, thúc đẩy nhân dân hai nước Việt Nam - Lào đoàn kết đấu tranh chống chế độ thuộc địa.

Sau Đại hội Đảng, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào mang một sức sống mới và ngày càng gắn bó. Tầng lớp công nhân và nhân dân lao động Lào thường xuyên ủng hộ phong trào cách mạng Việt Nam.

Có thể nói, trong những năm 1930-1939, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, các cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam và Lào đã ảnh hưởng lẫn nhau, góp phần thúc đẩy sự phát triển phong trào cách mạng mỗi nước. Đây là cơ sở để nhân dân 2 nước Việt Nam - Lào tiếp tục đoàn kết đấu tranh giành chính quyền ở mỗi nước.

Giúp nhau đấu tranh giành chính quyền

Năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ. Ở Đông Dương, chính quyền thuộc địa thẳng tay đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào.

Trước sự tồn vong của vận mệnh các dân tộc Đông Dương, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương liên tiếp tổ chức các cuộc hội nghị quan trọng để bàn chủ trương và biện pháp lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân đi đến thắng lợi. Đặc biệt, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 5- 1941 diễn ra ở tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì đã quyết định đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu của cách mạng Đông Dương, giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước và thành lập ở mỗi nước một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi.

Tại Lào, từ năm 1940, khi phong trào cách mạng gặp khó khăn, những người yêu nước ở Lào đã lánh sang Thái Lan và tìm cách liên lạc với Đồng minh chống Nhật, Pháp. Họ liên lạc với tổ chức Việt kiều ở Thái Lan để hoạt động.

năm 1943, “Ban vận động Việt kiều Lào - Thái” được thành lập và nhanh chóng tiến hành gây dựng cơ sở trên địa bàn Lào. Đến năm 1944, Ban Vận động Việt kiều chuyển thành Hội Việt kiều cứu quốc. Để thống nhất việc chỉ đạo phong trào cách mạng, phát triển lực lượng cách mạng, những đồng chí trung kiên trong Hội Việt kiều cứu quốc đã thành lập Đội Tiên phong để chỉ đạo phong trào cách mạng ở Lào. Dưới sự lãnh đạo của Đội Tiên phong, các chi bộ Đảng ở Viêng Chăn, Bò Nèng, Thà Khẹc, Savẳnnàkhẹt lần lượt được củng cố. Phong trào yêu nước trong học sinh, viên chức Lào được nhen nhóm, phong trào yêu nước của Việt kiều cũng phát triển mạnh mẽ. Đầu năm 1945, “Tổng hội Việt kiều cứu quốc toàn Thái - Lào” - một chi nhánh của Mặt trận Việt Minh được thành lập nhằm hưởng ứng và tham gia công cuộc giành độc lập.

Ngày 9-3-1945, phát xít Nhật tiến hành cuộc đảo chính lật Pháp, độc chiếm Đông Dương. Chúng thực hiện nhiều chính sách cai trị tàn bạo đối với nhân dân Việt Nam và Lào. Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp và ban hành Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” chủ trương phát động cao trào kháng Nhật cứu nước làm tiền đề cho Tổng khởi nghĩa. Cao trào kháng Nhật cứu nước phát triển rất mạnh mẽ ở Việt Nam đã tác động và hỗ trợ tích cực, mạnh mẽ các lực lượng yêu nước Lào đấu tranh giành độc lập.

Tại Lào, các tầng lớp nhân dân Lào ngày càng nhận rõ bộ mặt thật của quân phát xít Nhật, muốn vùng lên đánh đổ chúng, giành lại độc lập dân tộc. Bộ phận Việt kiều cũng đẩy mạnh hoạt động cùng nhân dân Lào gấp rút chuẩn bị mọi mặt tiến tới mục tiêu khởi nghĩa giành chính quyền.

Thực hiện chủ trương của Đội Tiên phong, “Tổng hội Việt kiều cứu quốc toàn Thái - Lào” nhanh chóng xây dựng và củng cố các chiến khu, cấp tốc xây dựng lực lượng vũ trang, bán vũ trang chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở Lào.

Tháng 4-1945, tại Thái Lan, nhóm người Lào đang hoạt động tại đây thành lập tổ chức “Lào Ítxala” (Lào tự do). Tổ chức này tập hợp các công chức, học sinh có tinh thần yêu nước, chủ trương dựa vào phe Đồng Minh chống Nhật để giành độc lập.

Tháng 5-1945, một tổ chức yêu nước khác của người Lào cũng ra đời là “Lào pên Lào” (Nước Lào của người Lào), gọi tắt là “Lopolo”, gồm những công chức, trí thức, sĩ quan người Lào tập hợp nhau để đấu tranh giành độc lập cho Lào.

Đội Tiên phong, Tổng hội Việt kiều cứu quốc toàn Thái - Lào đã tiến hành liên hệ với các tổ chức “Lào Ítxala” và “Lào pên Lào” để bàn việc phối hợp hoạt động, thu hút và tổ chức huấn luyện chính trị, quân sự cho thanh niên Lào - Việt.

Ngày 14- 8 -1945, Nhật Bản đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Trong thời điểm lịch sử đó, Hội nghị của Đảng Cộng sản Đông Dương họp từ ngày 14 đến 15-8-1945 tại tỉnh Tuyên Quang (Việt Nam) phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ở Việt Nam, cuộc Tổng khởi nghĩa diễn ra sôi động và kết thúc thắng lợi hoàn toàn trên cả nước trong vòng 15 ngày. Ngày 2-9-1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra mắt quốc dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập trịnh trọng tuyên bố với nhân dân cả nước và thế giới khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Thắng lợi của cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam đã đập tan bộ máy thống trị đầu não của phát xít Nhật và thực dân Pháp ở Đông Dương, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Lào.

Tại Lào, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời và khôn khéo của Xứ ủy Ai Lao, ngày 23-8-1945, một cuộc mít tinh lớn diễn ra tại khu vực chợ Mới với sự tham gia của đông đảo của nhân dân Lào và Việt kiều đã tăng cường lòng tin và tình đoàn kết Lào - Việt Nam, làm cho các lực lượng Việt kiều và lực lượng Lào yêu nước càng gắn bó. Sự kiện này cũng thúc đẩy và tạo điều kiện cho các địa phương khác trên đất nước Lào đứng lên khởi nghĩa thắng lợi.

Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Hoàng thân Xuphanuvông đang ở Vinh ra Hà Nội và tiếp Hoàng thân vào ngày 4-9-1945. Cuộc gặp gỡ đã có tác động mạnh mẽ, quyết định đối với Hoàng thân trong việc chọn lựa con đường làm cách mạng. Ngày 3-10-1945, tại cuộc mít tinh của hàng vạn nhân dân tỉnh Savẳnnàkhẹt đón chào Hoàng thân Xuphanuvông trở về tham gia chính phủ Lào, Hoàng thân tuyên bố: “Quan hệ Lào - Việt từ nay sẽ mở ra một kỷ nguyên mới...”.

Được sự giúp đỡ của Ban chỉ đạo khởi nghĩa ở Viêng Chăn, sau một thời gian hiệp thương, hai tổ chức yêu nước là Hội “Lào pên Lào” và tổ chức “Lào Ítxala” đã hợp nhất thành lập Uỷ ban khởi sự (Khanạ Phu co kan), gấp rút tiến hành thành lập Chính phủ Trung ương và dự thảo Hiến pháp tạm thời.

Sáng ngày 12-10-1945, trong cuộc mít tinh lớn tại sân vận động thành phố Viêng Chăn, Chính phủ Lào Ítxala vừa được thành lập đã làm lễ ra mắt và trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể nhân dân nền độc lập của quốc gia Lào. Hàng vạn nhân dân Lào tham gia cuộc mít tinh đã phấn khởi hô vang các khẩu hiệu hoan nghênh nền độc lập của Lào, hoan nghênh Chính phủ mới, cổ súy tinh thần Lào - Việt đoàn kết. Chính phủ Lào chủ trương: “Nhân dân Lào thân thiện với nhân dân Việt Nam và quyết tâm cùng nhân dân Việt Nam đánh đuổi bọn thực dân Pháp ra khỏi Đông Dương”.

Sự ra đời của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (ngày 2 tháng 9 năm 1945) và Chính phủ Lào Ítxala (ngày 12 tháng 10 năm 1945) cùng những mong muốn của hai bên về xây dựng mối quan hệ hoàn hảo và vững chãi hơn trước là một trong những cơ sở đưa tình đoàn kết, giúp đỡ nhau lên tầm liên minh chiến đấu./.

(Theo: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất