Thứ Hai, 25/11/2024
Pháp luật
Thứ Tư, 19/3/2014 17:35'(GMT+7)

Đánh giá dự án Luật Hộ tịch dưới góc độ quyền con người

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên và Giám đốc quốc gia Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam bà Louise Chamberlain đồng chủ trì Diễn đàn.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên nêu rõ hộ tịch là việc đăng ký và quản lý các sự kiện nhân thân của mỗi cá nhân từ khi sinh ra đến khi chết như: sinh, kết hôn, nuôi con nuôi, giám hộ, thay đổi hộ tịch, khai tử…

Các sự kiện này có liên quan trực tiếp và chặt chẽ với các nhân thân của cá nhân; việc đăng ký hộ tịch tạo cơ sở pháp lý để người dân hưởng các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời tạo cơ sở để Nhà nước bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp đó.

Giám đốc quốc gia Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam bà Louise Chamberlain hoan nghênh đề xuất cắt giảm gần một nửa thủ tục hành chính trong dự thảo Luật và hy vọng những cải cách này sẽ giúp người dân có được dịch vụ tốt hơn.

Bà cho rằng thách thức chính là đảm bảo sự thống nhất trong luật về các nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt, đặc biệt là các nguyên tắc liên quan đến hôn nhân, các mối quan hệ trên thực tế, quyền trẻ em….

Dự án Luật Hộ tịch được xây dựng với mục tiêu nhằm tạo cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất, lâu dài cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch ở Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, qua đó thúc đẩy quyền con người, quyền công dân, tạo thuận lợi cho người dân thực hiện quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch, tăng cường quản lý dân cư trong tình hình mới.

Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Khanh cho rằng hạn chế lớn nhất trong thể chế về hộ tịch là các quy phạm pháp luật về hộ tịch còn phân tán trong nhiều văn bản khác nhau và văn bản điều chỉnh trực tiếp trong lĩnh vực hộ tịch chỉ là Nghị định và Thông tư.

Dự thảo Luật Hộ tịch chủ yếu quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục đăng ký các sự kiện hộ tịch gồm những sự kiện cơ bản từ khi sinh ra đến khi chết để xác định tình trạng nhân thân của một người. Lần này dự thảo quy định có tính nguyên tắc về Số định danh cá nhân được lập nhằm mã hóa những thông tin cơ bản của cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Số định danh được cấp cho mỗi cá nhân để đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin, phục vụ lợi ích của cá nhân và công tác quản lý nhà nước. Dự thảo luật cũng có những quy định mang tính cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính trong đăng ký hộ tịch từ 46 thủ tục hiện hành xuống 25 thủ tục…

Trong khi chờ Quốc hội xem xét, thông qua Luật Hộ tịch, ông Khanh đề xuất cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hộ tịch; tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch ở cấp huyện và xã; củng cố mối quan hệ phối hợp giữa các ngành, các cấp liên quan, bảo đảm tính kết nối, liên thông giữa cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch với các cơ quan khác có liên quan trong quản lý và khai thác các thông tin, số liệu về hộ tịch…

Khuyến nghị chung của Liên Hợp quốc về dự thảo Luật Hộ tịch nêu rõ cần cho phép xác định lại giới tính của người chuyển giới và quy định điều kiện cho việc xác định lại giới tính phù hợp với các quy phạm quốc tế; bỏ những quy định có thể hạn chế người chuyển giới tiếp cận việc xác định lại giới tính, thay đổi giới tính về mặt pháp lý hoặc thay đổi họ tên.

Dự thảo Luật cũng cần có điều khoản quy định chi tiết quyền của nạn nhân bị buôn bán trở về, cụ thể là về quốc tịch, đăng ký cư trú, đăng ký khai sinh và các vấn đề khác liện quan đến đăng ký hộ tịch…

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã nghe đại diện Bộ Tư pháp đánh giá thực trạng thi hành pháp luật liên quan đến hộ tịch, tổng quan về mục tiêu, quan điểm xây dựng và nội dung dự thảo Luật Hộ tịch dưới góc độ quyền con người; vấn đề đơn giản hóa thủ tục hành chính và giấy tờ công dân trong dự thảo Luật.

Cùng với các luật gia Việt Nam, đại diện các cơ quan của Liên hợp quốc đã bình luận bổ sung ý kiến về Dự án Luật trong mối quan hệ với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên./.

(Vietnam+)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất