Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”,“công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, nên trong CTCB “phải hiểu và đánh giá đúng cán bộ”; “phải trọng nhân tài”.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, khâu đầu tiên là phải đánh giá đúng cán bộ, làm cơ sở bồi dưỡng, thử thách và bổ nhiệm cán bộ. Thực tiễn hiện nay, đội ngũ cán bộ có thể đánh giá, phân định theo 3 nhóm.
Nhóm thứ nhất là những cán bộ đủ tiêu chí, tài-đức song toàn; được học tập, rèn luyện qua các cương vị công tác, dần hình thành những phẩm chất nhân cách tốt đẹp, như: Bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng; thấm đẫm tình yêu thương con người, quê hương, đất nước; luôn khao khát tri thức, học tập rèn luyện trưởng thành để cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Nhóm thứ hai là những cán bộ đã qua đào tạo, quá trình công tác qua một số cương vị đều hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhưng khi được bổ nhiệm vào cương vị có liên quan đến danh-lợi, trong tư tưởng dần xuất hiện cuộc đấu tranh nội tâm giữa lợi ích cá nhân và chức trách nhiệm vụ được giao; cùng với đó là sự tác động liên tục, đa chiều từ gia đình, người thân, dư luận xã hội, từ cơ chế thị trường, nhất là về vật chất. Do không làm chủ được bản thân, nên khi có điều kiện, những cán bộ này, cùng với tiếp tục phấn đấu vươn lên, cũng có tư tưởng tranh thủ “kiếm chác”; nếu không được giáo dục, rèn luyện, ngăn chặn kịp thời có thể dẫn đến thay đổi bản chất cách mạng, thoái hóa biến chất, trở thành cán bộ xấu, thậm chí vi phạm pháp luật, kỷ luật...
Nhóm thứ ba là những cán bộ đã thoái hóa biến chất cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Đối với họ, danh và lợi luôn thống trị cả trong tư tưởng và hành động, nên không từ một âm mưu, thủ đoạn nào để bợ đỡ, xu nịnh cấp trên, chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, học vị. Dù năng lực kém, phẩm chất xấu, nhưng họ thường gây bè kéo cánh, chui sâu leo cao để mưu danh, mưu lợi cho riêng mình, gia đình, họ hàng và những người cùng phe cánh. Tuy nhiên, các đối tượng này cũng luôn biết "ngụy trang", che giấu hành vi của mình bằng những vỏ bọc rất tinh vi cả trong lời nói và việc làm.
Nhận diện, đánh giá đúng cán bộ, rèn luyện cán bộ là việc làm công phu, hết sức cần thiết và cần được tiến hành quyết liệt, đồng bộ cả về chủ trương và giải pháp, có như vậy mới bảo đảm việc bổ nhiệm đúng, luân chuyển, sử dụng hiệu quả cán bộ.
Đánh giá đúng cán bộ là nội dung lớn, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong toàn bộ CTCB, quyết định trực tiếp đến chất lượng cán bộ. Do vậy, cần quán triệt làm rõ ý nghĩa, mục đích, yêu cầu việc đánh giá cán bộ, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng thấy rõ đây là vấn đề cơ bản, hệ trọng, là cơ sở để làm tốt các khâu khác trong CTCB, như: Lựa chọn, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách cán bộ. Nếu đánh giá sai sẽ dẫn đến dùng người sai, bỏ sót người có tâm huyết, có năng lực, để các phần tử cơ hội có điều kiện chui sâu, leo cao, phát triển và tất yếu sẽ dẫn đến mất đoàn kết nội bộ; làm cho cán bộ tốt bi quan, chán nản, thậm chí “thui chột nhân tài”. Để khắc phục tình trạng đánh giá cán bộ thiếu khách quan “yêu nên tốt, ghét nên xấu”, tư tưởng định kiến, hẹp hòi, cục bộ hoặc quá thiên lệch giữa các yếu tố: Cống hiến, học vị, bằng cấp… cần tiếp tục quán triệt, thấm nhuần lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nhận xét cán bộ không thể chỉ căn cứ vào những biểu hiện bên ngoài của họ, mà phải đi sâu tìm hiểu bản chất của họ; không thể chỉ dựa vào một việc làm của họ, mà phải tìm hiểu tất cả các công việc mà họ thực hiện; không thể chỉ xem xét cán bộ trong một thời điểm, mà phải thấy rõ lịch sử của họ”.
Việc thẩm tra, xác minh lựa chọn cán bộ cần được tiến hành chặt chẽ, bảo đảm tính khách quan, trung thực. Cơ quan chức năng, trực tiếp là cán bộ được phân công thẩm tra, xác minh phải thực sự có tâm huyết, phát huy đầy đủ tinh thần trách nhiệm, thực hiện đúng quy trình để có kết luận chính xác về phẩm chất, năng lực của cán bộ; không để tình trạng nhận xét, đánh giá cảm tính, hoặc bị chi phối bởi các hiện tượng tiêu cực đối với cán bộ được lựa chọn.
Nhận xét đánh giá cán bộ thường có tính nhạy cảm cao giữa đúng-sai, tốt-xấu...; do vậy cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng, kết hợp đúng đắn chế độ lãnh đạo tập thể với phát huy trách nhiệm cá nhân, dân chủ với tập trung. Phải luôn căn cứ vào chỉ thị, nghị quyết, quy định, hướng dẫn của cấp trên về CTCB, dân chủ thảo luận, quyết nghị tập thể theo đa số để kết luận các vấn đề về CTCB. Đối với những vấn đề nhạy cảm, như: Đánh giá cán bộ, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động cán bộ, có thể biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín. Cùng với đó, cần thực hiện đúng quy định tham khảo ý kiến của các cấp, các ngành có liên quan bằng những phương pháp thăm dò ý kiến phù hợp, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp.
Rèn luyện, nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ cán bộ, trước hết phải nâng cao chất lượng chính trị, bảo đảm cho đội ngũ cán bộ trong mọi điều kiện hoàn cảnh không bị lợi ích vật chất, danh lợi... làm tha hóa; phải thật sự kiên định vững vàng; tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; có năng lực đề xuất các chủ trương, giải pháp đúng đắn, sáng tạo; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, trước hết trong lĩnh vực được phân công. Cần gắn kết chặt chẽ việc đánh giá cán bộ với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, nhằm xây dựng cho từng cán bộ có động cơ cách mạng trong sáng, “có tâm, có tầm”, mẫu mực về phẩm chất, lối sống, thể hiện ở sự khát khao cống hiến, luôn tận tâm tận lực vì nhiệm vụ; nghiêm khắc với bản thân, có tấm lòng bao dung độ lượng, thương yêu con người sâu sắc.
Cần tổ chức tốt các hoạt động học tập, nghiên cứu ở từng cơ quan, đơn vị về đường lối, nhiệm vụ cách mạng của Đảng, bảo đảm cho mỗi cán bộ có khả năng phân tích, sáng rõ các diễn biến chính trị trong nước, khu vực, quốc tế, nhận rõ mâu thuẫn và chiều hướng phát triển trong hiện tại và tương lai để tiếp nhận, chuyển hóa theo đúng quan điểm của Đảng; tham gia sáng tạo cách thức huy động các nguồn lực, sức mạnh ở từng cấp, ngành trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Quá trình đó cần lồng ghép việc tuyên truyền, giáo dục, rèn luyện phong cách và phương pháp Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ về cách thức diễn đạt tinh tế, tư duy logic, chính kiến sắc sảo ở mọi lúc, mọi nơi; cảm hóa vận động mọi người cùng nỗ lực đoàn kết thực hiện nhiệm vụ...
Nhận diện, đánh giá, lựa chọn đúng cán bộ có vai trò, vị trí hết sức quan trọng, quyết định sự tồn vong của Đảng và chế độ. Do vậy, phải tổ chức chặt chẽ, quyết liệt việc sàng lọc cán bộ; kiên quyết không để những phần tử cơ hội, vụ lợi, thoái hóa biến chất về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống chui vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng. Có như vậy mới thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng, theo đó: “Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp... nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu”.
Các cấp ủy, tổ chức đảng cần tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Theo đó, cần làm tốt hơn nữa CTCB và tích cực, chủ động chuẩn bị nhân sự cấp ủy, bảo đảm cho sự thành công của đại hội đảng bộ các cấp. Công tác nhân sự cần tiến hành từng bước, từng việc, chắc chắn, thận trọng, chặt chẽ, đúng quy trình, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, nhưng phải thật sự đúng người, đúng việc. Cần tăng cường kiểm soát CTCB và chuẩn bị nhân sự cấp ủy; nghiêm cấm mọi biểu hiện vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, tìm cách nâng người này, hạ người kia, gây nghi ngờ, làm mất đoàn kết nội bộ. Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", quan liêu, tham nhũng, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm…
Theo QĐND