Thứ Sáu, 11/10/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 22/7/2010 17:2'(GMT+7)

Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 2006-2010

Kinh tế Việt Nam 5 năm qua chịu nhiều tác động khác nhau

Kinh tế Việt Nam 5 năm qua chịu nhiều tác động khác nhau

Theo báo cáo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 5 năm qua chịu tác động rất lớn trong những diễn biến bất thường và không thuận của bối cảnh tình hình kinh tế thế giới. Trong năm 2006, GPD tăng 8,2%; năm 2007 tăng 8,48%. Từ những tháng cuối năm 2007 và những tháng đầu năm 2008 cơn sốc lạm pháp cao đã đến với đất nước. Năm 2008, khắc phục được lạm phát, GDP tăng 6,18%. Năm 2009, GDP tăng 5,2%. Đầu năm 2010, GDP ước thực hiện 6,5%. Bình quân GDP trong giai đoạn 2006-2010 tăng 6,9% (kế hoạch đề ra là 7,5-8%).

Theo đánh giá của các chuyên gia, 5 năm qua là thời kỳ kinh tế thế giới có những diễn biến khó lường, những đột biến khó dự báo. Việt Nam với mặt bằng kinh tế còn thấp, nhưng độ mở và hội nhập nền kinh tế quá lớn đã có những tác động trực tiếp đến khả năng phát triển của đất nước trong thời gian qua. Bên cạnh những thành tựu cũng còn tồn tại cần phải khắc phục trong thời gian tới là chất lượng tăng trưởng không cao; hiệu quả sử dụng nguồn lực phát triển thấp; sức cạnh tranh nền kinh tế kém, thị trường nội địa kém sôi động; các mặt văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế... còn gặp nhiều khó khăn.

Để khắc phục những khó khăn trên, trong báo cáo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, phát triển nền kinh tế trí thức, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp với kinh tế trong nước và tập quán quốc tế; đổi mới mô hình phát triển của đất nước trong bối cảnh hội nhập toàn diện về kinh tế và toàn cầu hóa; đặt công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất Chính phủ triển khai xây dựng và vận hành các cơ chế chính sách nhằm thực hiện 5 nhóm giải pháp đề ra trong kế hoạch 5 năm 2011-2015 như: ổn định và lành mạnh hóa kinh tế vĩ mô; tiếp tục chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, cải thiện môi trường kinh doanh; gắn kết tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu lực và hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, lấy ý kiến về các vấn đề như: đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, nâng cao hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển; cải thiện đời sống vật chất, văn hóa; tăng cường quản lý nhà nước, xây dựng đồng bộ và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN... Phương pháp đánh giá này sẽ phù hợp với xu hướng hiện đại của thế giới đã được áp dụng trong nhiều năm qua và yêu cầu đòi hỏi khách quan của nước ta. Báo cáo nghiên cứu đánh giá giữa kỳ dựa trên kết quả tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2006-2010 là một trong những tài liệu quan trọng để Chính phủ sử dụng trong chỉ đạo, điều hành kế hoạch 5 năm 2006-2010, phục vụ xây dựng báo cáo giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X và trình Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG). /.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất