Thứ Tư, 2/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 23/8/2008 22:15'(GMT+7)

Đào tạo cán bộ tư pháp cần gắn với yêu cầu đổi mới của đất nước

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Học viện Tư pháp - Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Học viện Tư pháp - Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

Tham dự Lễ kỷ niệm có các Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu và đông đảo cán bộ ngành Tư pháp; cán bộ, giảng viên, học viên của Học viện Tư pháp.

Theo Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý... luôn là phương châm chỉ đạo xuyên suốt trong chiến lược cải cách tư pháp quốc gia. Các cơ quan tư pháp phải thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người và phải là công cụ hữu hiệu bảo vệ luật pháp và pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Cán bộ tư pháp phải giỏi về pháp luật, tinh thông nghiệp vụ

Trước những yêu cầu mới đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng chỉ ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới mà Học viện Tư pháp cần tập trung thực hiện. Đó là: Không ngừng nâng cao chất lượng, trình độ của cán bộ, giảng viên; xác định đúng nhiệm vụ trọng tâm  trong công tác đào tạo, bồi dưỡng. Những cán bộ tư pháp được đào tạo phải là những người có phẩm chất đạo đức trong sạch, dũng cảm đấu tranh vì công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, giỏi về pháp luật, tinh thông nghiệp vụ; tiếp tục hoàn thiện nội dung và phương pháp đào tạo theo hướng cập nhật kiến thức mới về chính trị, pháp luật, kinh tế, xã hội...

Học viện Tư pháp cần mở rộng hợp tác quốc tế để nghiên cứu vận dụng, sáng tạo trong điều kiện của Việt Nam những tri thức khoa học của thế giới, tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp theo đúng đường lối của Đảng và Nhà nước. Đào tạo cán bộ tư pháp phải gắn liền với yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước trong thời kỳ hội nhập, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh.

Học viện cần chú ý tới việc đào tạo cán bộ cán bộ tư pháp cho vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Ngành Tư pháp nói chung và Học viện nói riêng cần tiến hành nghiên cứu, khảo sát, xây dựng kế hoạch đào tạo trước mắt và lâu dài về cán bộ tư pháp để đề xuất với nhà nước phương án mở rộng quy mô và hình thức đào tạo cán bộ phù hợp cho những vùng miền này. Ngành Tư pháp cần tăng cường cán bộ cho vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người và cho đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng bởi theo Phó Thủ tướng, hoạt động tư pháp ở những vùng, miền nói trên luôn gắn liền với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị-kinh tế-xã hội của đất nước.

Lấy người học làm trung tâm, phát huy tính chủ động sáng tạo của học viên.

Giám đốc Học viện Tư pháp Phan Hữu Thư cho biết, trong 10 năm qua, Học viện đã phát triển cả về về quy mô và chất lượng đào tạo, từng bước khẳng định vai trò trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống các cơ quan tư pháp của nước nhà. Để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, Học viện đã áp dụng phương pháp đào tạo tích cực, lấy người học làm trung tâm, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong học tập của học viên. Giảng viên thực hiện vai trò nêu vấn đề, hướng dẫn kỹ năng và kết luận vấn đề. Phương pháp đào tạo tích cực này được Học viện thực hiện rất hiệu quả.

Cho tới nay, tổ chức của bộ máy của Học viện đã tương đối hoàn thiện với 13 đơn vị trực thuộc 4 khoa đào tạo chuyên môn gồm: Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Chấp hành viên và một số chức danh tư pháp khác. Từ năm 1998 tới nay, có15.474 học viên đã tốt nghiệp. Hiện Học viện đang đào tạo khoảng 3.000 học viên theo các chức danh tư pháp./.

(Cổng Thông tin điện tử Chính phủ)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất