Chủ Nhật, 8/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 29/9/2023 15:40'(GMT+7)

Dấu ấn của Hội Khuyến học Việt Nam trong phong trào xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: TA)

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: TA)

Sáng ngày 29/9, tại Hà Nội, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức buổi Gặp mặt kỷ niệm 15 năm Ngày Khuyến học Việt Nam (2/10/2008 - 2/10/2023) và phát động thi đua "Mỗi người dân tự học, học tập suốt đời đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời kỳ chuyển đổi số". Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và phát biểu chỉ đạo. 

Cùng dự còn có các đồng chí: Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Sỹ Hiệp; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh; Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, cùng đại diện các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các vụ, cục chức năng, các ban chuyên môn, lãnh đạo tổ chức xã hội nghề nghiệp, lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học.

Về phía Hội Khuyến học Việt Nam có GS. TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Lê Mạnh Hùng; nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Phạm Tất Dong cùng các phó chủ tịch, nguyên chủ tịch, nguyên phó chủ tịch Trung ương Hội, lãnh đạo hội khuyến học các tỉnh, thành phố.

DẤU ẤN 15 NĂM KHUYẾN HỌC, KHUYẾN TÀI 

GS. TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu diễn văn kỷ niệm 15 năm Ngày Khuyến học Việt Nam. Ảnh: TA

GS. TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu diễn văn kỷ niệm 15 năm Ngày Khuyến học Việt Nam. (Ảnh: TA)

Phát biểu diễn văn kỷ niệm 15 năm Ngày Khuyến học Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan cho biết, Hội Khuyến học Việt Nam chính thức được thành lập vào ngày 29/2/1996 theo Quyết định 122/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và ngày 2/10/1996, Hội được chính thức ra mắt nhân dân cả nước. 

Kể từ ngày thành lập, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự hăng say cống hiến của đội ngũ cán bộ làm khuyến học từ trung ương đến địa phương và sự tham gia của đông đảo người dân trong cả nước mà phong trào khuyến học đã nhanh chóng phát triển trên toàn quốc. Hội Khuyến học Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 

Đặc biệt là sản phẩm khoa học "Cấu trúc xã hội học tập" được đúc kết từ Đề tài khoa học độc lập cấp nhà nước "Xây dựng mô hình xã hội học tập ở Việt Nam" mà Thủ tướng Chính phủ giao cho Hội thực hiện từ 1/8/2007.

Từ sản phẩm khoa học này, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định giao nhiệm vụ cho Hội Khuyến học và các cấp chính quyền thực hiện các mô hình: Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập và hiện nay là Công dân học tập trong phạm vi cả nước.

Kể từ ngày thành lập đến năm 2008 phong trào khuyến học đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực nên ngày 16/9/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1272/QĐ-TTg, lấy ngày 2/10 hàng năm là Ngày Khuyến học Việt Nam.

Quang cảnh lễ kỷ niệm. (Ảnh: TA)

Quang cảnh lễ kỷ niệm. (Ảnh: TA)

15 năm qua, dấu ấn 2/10 ngày càng được tô đậm theo thời gian với những kết quả nổi bật, ghi dấu ấn đậm nét trong phong trào xây dựng xã hội học tập.

Tổ chức Hội đã phủ kín các xã, phường, thị trấn và tổ dân phố, thôn, ấp với hơn 26 triệu hội viên. Hội Khuyến học các cấp đã phối hợp với ngành giáo dục triển khai thành công các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng các mô hình học tập, từ đó thúc đẩy việc hoàn thiện mô hình xã hội học tập ở nước ta.

Quỹ khuyến học từ trung ương đến địa phương phát triển mạnh, hàng triệu suất học bổng đã trao cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó và người lớn ở các lĩnh vực có thành tích xuất sắc trong học tập, thực hiện chức năng hỗ trợ dạy và học trong nhà trường chính quy thuộc hệ giáo dục ban đầu.

Hội đã tập trung cho học tập người lớn thông qua việc cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo phát triển các trung tâm học tập cộng đồng, các trường đại học, thúc đẩy việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở, đổi mới phương pháp dạy và học, tạo điều kiện học tập thường xuyên ở đối tượng này.

Hội đã có nhiều đổi mới trong tư duy, nội dung và phương pháp làm khuyến học: Khuyến học là một chủ trương lớn của Đảng; đưa chủ trương vào cuộc sống đòi hỏi phải có nghiên cứu kỹ lưỡng cả lý luận và thực tế.

Hội đã có nhiều khởi sắc trong công tác tuyên truyền, lan tỏa tinh thần học tập, học tập suốt đời trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức Đảng và đảng viên thông qua các kênh báo chí chính thống. 

Chương trình "Khuyến học - Hành trình tri thức" ra đời, được phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam sẽ lan tỏa hơn nữa tinh thần học tập, học tập thường xuyên, học tập suốt đời, động viên nhân dân ta và các cấp Hội thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

PHÁT ĐỘNG THI ĐUA "MỖI NGƯỜI DÂN TỰ HỌC, HỌC TẬP SUỐT ĐỜI ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TRONG THỜI KỲ CHUYỂN ĐỔI SỐ"

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng phát biểu phát động phong trào thi đua

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng phát biểu phát động phong trào thi đua "Mỗi người dân tự học, học tập suốt đời đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời kỳ chuyển đổi số".

Ảnh: TA

Tại buổi gặp mặt, Hội Khuyến học Việt Nam phát động phong trào thi đua "Mỗi người dân tự học, học tập suốt đời đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời kỳ chuyển đổi số". 

Hoạt động nhằm hưởng ứng phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động và hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời với chủ đề: "Xây dựng năng lực tự học trong kỷ nguyên số" của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phát biểu phát động thi đua, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng cho biết, phong trào hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò, tầm quan trọng của việc tự học, học tập suốt đời, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ chuyển đổi số với mỗi cá nhân, từng gia đình.

Tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình học tập, lấy người dân là trung tâm, đảm bảo mỗi người thực hiện tốt mô hình Công dân học tập. Trong đó chú trọng việc tự học sử dụng, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tạo chuyển biến thực sự, đạt kết quả thực chất, bền vững phù hợp với chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ, góp phần xây dựng xã hội số ở Việt Nam.

Để thực hiện phong trào này, hội khuyến học các cấp cần tích cực chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có chủ trương, nghị quyết, kế hoạch, chương trình cụ thể trong chỉ đạo, lãnh đạo; phối hợp với các cấp, các ngành trong công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền; nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức hội các cấp. Trong đó, tập trung củng cố và phát triển tổ chức hội các cấp ở cộng đồng dân cư, thôn, ấp, bản, khu phố; phát triển hội viên, tổ chức hội trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, các trường đại học, cao đẳng.

Bên cạnh đó, tập trung triển khai hoạt động chuyển đổi số trong công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; phát triển đa dạng các loại hình quỹ khuyến học - khuyến tài; duy trì và nâng cao chất lượng Giải thưởng "Nhân tài Đất Việt", Tự học thành tài.

ĐẢNG, NHÀ NƯỚC SẼ TIẾP TỤC ĐỒNG HÀNH VỚI HỘI KHUYẾN HỌC VIỆT NAM

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tặng quà lưu niệm Hội Khuyến học Việt Nam. (Ảnh: TA)

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tặng quà lưu niệm Hội Khuyến học Việt Nam. (Ảnh: TA)

Phát biểu chỉ đạo, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà biểu dương và trân trọng những đóng góp của các cán bộ hội viên Hội Khuyến học Việt Nam trong 27 năm qua. Phó Thủ tướng khẳng định vai trò rõ nét của Hội Khuyến học Việt Nam trong phong trào xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời hiện nay. 

Bày tỏ sự đồng tình với diễn văn kỷ niệm 15 năm Ngày Khuyến học Việt Nam của GS. TS Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, thế giới đang gặp phải nhiều thách thức lớn về tài nguyên cạn kiệt, biến đổi khí hậu nặng nề, dịch bệnh… Đất nước ta muốn thực hiện mục tiêu phát triển, đi sau nhưng đón đầu thì phải có có nguồn nhân lực, kinh tế tri thức, kinh tế xanh và chuyển đổi số.

Sức mạnh nội sinh và sức mạnh giáo dục là lớn nhất. Khi nào trong một quốc gia mà mỗi người, mỗi gia đình, dòng họ, mỗi thôn bản đều tự học, xây dựng thành các hạt nhân học tập, Việt Nam là một quốc gia học tập thì chúng ta sẽ có được một nền kinh tế tri thức và bắt kịp được 2 trào lưu lớn là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Phó Thủ tướng khẳng định trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục đồng hành với Hội Khuyến học Việt Nam.

Phó Thủ tướng cũng tán thành cao với phong trào thi đua của Hội Khuyến học Việt Nam. Phong trào vừa thể hiện sự toàn diện nhưng cũng rất chi tiết trong triển khai, đã đặt ra mục tiêu, kế hoạch thực hiện cụ thể. 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các ngành, cơ quan của Đảng, tổ chức, đoàn thể sẽ quan tâm, hưởng ứng phát động bằng hành động cụ thể, làm sao để phong trào diễn ra sôi nổi trong cả nước. Đồng thời mong các Bộ, ban, ngành, các cơ quan của Đảng, tổ chức, đoàn thể sẽ cam kết đồng hành, giúp Hội Khuyến học Việt Nam có điều kiện, nguồn lực tốt hơn để hoạt động.

Tin, ảnh: Nhật Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất