Trong số đó có Borobudur – thánh tích Phật giáo lớn nhất thế giới ở Indonesia và là một trong số ít những kỳ quan cổ xưa còn tồn tại đến ngày nay.
Trong tâm thức người hành hương, ngoài ước nguyện muốn giũ bỏ những lầm lỗi trần tục cũ, điều quan trọng nhất của việc du hành và hiện diện ở khu di tích lịch sử là thể hiện lòng thành tâm hướng về cội nguồn với bao hy vọng vào tương lai khi Năm mới đến.
Về địa danh được công nhận là Di sản văn hóa thế giới nêu trên, chắc hẳn sẽ có không ít người ái mộ muốn đánh đổi mọi thứ để có mặt tại kỳ tích Phật giáo vui xuân. Tính chất đặc biệt của sự kiện làm cho chuyến hành hương tới Borobudur danh tiếng có ý nghĩa khác hẳn với các chuyến thăm của du khách tới đảo Marshall hoặc miền đất có vinh dự sẽ được đón bình minh 2016 sớm nhất trên Trái Đất.
Bảo tàng điêu khắc kỳ vĩ
Borobudur, được xây dựng cách đây khoảng 12 thế kỷ, nằm cách thủ đô Jakarta của Indonesia khoảng 1 giờ bay (hay 7-8 giờ nếu đi tàu tốc hành) và ở phía Tây bắc cố đô Yogyakarta – trung tâm văn hóa hấp dẫn của “xứ sở vạn đảo.”
Borobudur là niềm tự hào của Indonesia và luôn được du khách Phật giáo ngưỡng mộ nhiều nhất mỗi khi đến thăm, bởi sự hoành tráng nhưng và độc đáo về mặt kiến trúc với lịch sử tồn tại khá lý thú.
Xây dựng trước đền Angkor Wat ở Campuchia đến 2-3 thế kỷ, nhưng mãi đến đầu thế kỷ XIX, danh tiếng của quần thể Borobudur mới được biết đến nhiều do bị vùi lấp khoảng 1.000 năm dưới lớp tro bụi-dung nham núi lửa và rêu phong của thời gian.
Thông tin về việc công trình tái hiện, sau một giấc ngủ dài trước khi được phát hiện vào năm 1814, đã làm các học giả phương Tây và khu vực sửng sốt. Và Borobudur được nhìn nhận như là một minh chứng của một nền văn cổ xưa đã tồn tại ở Java, mà mức độ tinh xảo của di tích có thể sánh ngang với một số công trình nhân tạo ở Ấn Độ - nổi tiếng lâu nay với văn minh sông Hằng - và Trung Quốc.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử và khảo cổ, Borobudur được xây dựng ở miền Trung đảo Java dưới triểu đại Sailendra khi Phật giáo đang còn là quốc đạo và hưng thịnh. Cần tới 70 năm mới hoàn thành việc xây dựng sau khi nỗ lực vận chuyển, công phu tạc đẽo, chạm trổ và lắp đặt vô vàn phiến đá nặng hàng tạ đến hàng tấn/phiến. Tổng khối lượng công việc phải thực hiện để xây dựng tòa tháp đồ sộ này chẳng thua kém việc tạo dựng Kim tự tháp hoặc đền Mayan cổ kính. Toàn bộ khu di tích được ví như một “bảo tàng ngoài trời” tụ hội nhiều pho tượng Phật nhiều nhất trên thế giới, với tổng cộng trên 500 tượng đá lớn nhỏ.
Đáng chú ý có bức tượng tại đền Mendut kề cận được coi là lớn hơn cả tượng Phật tổ cổ ở Ấn Độ và Nepal . Ngoài ra còn có gần 1.500 đài tháp (stupa) hình chuông lớp lớp nhấp nhô ngự khắp các tầng đài rộng lớn.
Hòa cùng dòng du khách thập phương trong chuyến trẩy hội kết hợp với khám phá tìm hiểu về ý tưởng mà người xưa muốn gửi gắn hậu thế, đoàn thăm quan từ Hà Nội hầu hết đều bày tỏ sự mến mộ khi chậm bước vòng quanh tất cả chín tầng kiến trúc bề thế và đặc sắc, thán phục ngắm nhìn các bức phù điêu bằng đá được chạm khắc tạc ghép tinh tế trên các thành tường lớn.
Từ chân núi qua một trong số bốn cửa chính dõi bước lên khu di tích, khách thăm quan như lạc vào trong một thế giới Phật giáo uy linh được thể hiện sống động qua hàng ngàn bức điêu khắc tinh tế, trước khi bước lên lầu thượng có tháp trung tâm - nơi người ta cho rằng trong lòng tháp có thể chứa đựng hài cốt của một quốc vương theo đạo Phật hoặc một thánh nhân hay vị chân tu thời xưa.
Ước tính có tới trên dưới 1.400 bức họa nổi, mô tả khái quát (theo chiều kim đồng hồ từ phải qua trái, từ tầng thấp đến tầng cao) cuộc đời đức Phật tổ Buddha: kể từ lúc sinh thời khi Ngài còn là hoàng tử Siddharta khước từ vinh hoa phú quý quyết đi tìm kiếm sự thông tuệ hoàn hảo nhất, đến những năm tháng tu thiền, đắc đạo và thuyết giáo, và kiếp hoàn luân-đầu thai-tái sinh.
Thế thái xưa và nay
Thuyết nhân quả (Law of Karma) được thể hiện một cách khá sinh động qua các cảnh của 160 bức khắc đá nổi ở bệ chân quần thể di tích. Càng lên cao, các bức họa càng mang đậm dấu ấn trìu tượng cùng lối tư duy cao hơn, phản ánh nhận thức và quan niệm của đạo Phật về vũ trụ. Nhìn tổng thể từ góc độ khoa học lịch sử, Borobudur không những là biểu tượng của Phật giáo mà còn được đánh giá là hình ảnh kết tinh đặc sắc, một phiên bản thu nhỏ rất đáng trân trọng về thế giới vũ trụ.
Dưới góc nhìn của thế hệ Phật giáo thời xưa, vũ trụ được phân chia làm ba thang bậc với Kamadhatu là cuộc sống trần thế hữu hình của con người (chính là phần bệ đáy cao rộng của thánh tích với 160 bức phù điêu đặc tả); Rupadhatu: Thế giới chuyển tiếp khi con người thoát tục (thể hiện qua đại lầu “tứ cấp” kế tiếp – nơi có 432 am thờ Phật tổng cộng chìm ẩn trong thân và thành tường lớn) và Arupadhatu:
Cõi cao nhất của cuộc sống thiên thần, tinh khiết và vĩnh hằng – hiển hiện qua ba tầng hình tròn đồng tâm ở trên cùng với 72 stupa có tượng Phật ẩn ngự bên trong và tháp lớn trung tâm có đường kính đáy 16m. Hình tròn biểu đạt trạng thái không có điểm bắt đầu và điểm kết thúc, trong khi stupa trung tâm cao 36 mét so với nền của kỳ quan chính là biểu tượng của kỷ nguyên ánh sáng, cõi niết bàn và thiên đường.
Tin tức cho hay đón đầu cơ hội khi Cộng đồng ASEAN hình thành từ cuối năm 2015, Bộ Du lịch Indonesia tổ chức chương trình lưu động nhằm giới thiệu về chiến lược phát triển du lịch mới để góp phần vực dậy nền kinh tế đang có vẻ chững lại.
Cố vấn cấp cao của Bộ trưởng Du lịch Indonesia, ông Indroyono Soessilo cho hay với chương trình quảng bá du lịch có tên gọi "Tuyệt vời Indonesia," ngành du lịch dự kiến sẽ dành một khoản ngân sách tương đương 95 triệu USD (gấp 3 lần ngân sách của năm 2014) nhằm thu hút khách du lịch quốc tế đến với "quốc gia vạn đảo."
Mục tiêu Indonesia là thu hút được 20 triệu khách du lịch quốc tế vào năm 2019, tức tăng gần gấp đôi với mục tiêu đặt ra của năm 2015.
Theo ông Soessilo, với những chính sách về du lịch mới ban hành, trong đó có việc quyết định miễn thị thực cho khách du lịch từ 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, Indonesia hy vọng đây sẽ là động lực mạnh để thu hút khách quốc tế.
Sự kiện Cộng đồng ASEAN hình thành cũng được cho là sẽ mở ra nhiều cơ hội để ngành du lịch tăng tốc trong bối cảnh "ngành công nghiệp không khói" đang trở thành một mũi nhọn phát triển kinh tế của nhiều nước ASEAN do có nhiều thắng cảnh, lịch sử và văn hóa đa dạng, con người thân thiện.
Bộ Du lịch Indonesia đã quyết định dành một nửa ngân sách quảng bá du lịch tại thị trường ASEAN và dự kiến liên kết hợp tác xây dựng chương trình du lịch chung của khu vực, trong đó có Việt Nam.
Một trong những chương trình du lịch kết hợp với hành hương đang được Indonesia khẩn trương xúc tiến dành cho các Phật tử, bởi quốc gia này có Borobudur là khu di tích Phật giáo lớn nhất thế giới và liên kết với các nước khác trong khu vực như Campuchia hay Việt Nam, tạo thành tour du lịch hành hương ở khu vực ASEAN./.
Theo TTXVN