Thứ Sáu, 22/11/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Tư, 9/12/2020 18:18'(GMT+7)

Đấu tranh với các phương thức, thủ đoạn hòng chuyển hóa chính trị ở Việt Nam hiện nay

 

 

 Trong nhiều thập kỷ gần đây, trước mỗi sự kiện chính trị lớn của đất nước, đặc biệt là trước các kỳ đại hội Đảng, các thế lực thù địch lại ra sức dùng mọi phương thức, thủ đoạn chống phá cách mạng nước ta trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chúng sử dụng nhiều chiêu bài khác nhau như: công kích chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hoặc thổi phồng, xuyên tạc những hạn chế, yếu kém trong quản lý kinh tế, xã hội, trong thực hiện chính sách, pháp luật; phủ nhận những thành quả cách mạng, vu cáo Việt Nam vi phạm “dân chủ”, “nhân quyền”… Tất cả điều này đều hướng đến một mục đích cuối cùng là đi đến xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và thay đổi chế độ chính trị ở nước ta.

1. NHẬN DIỆN MỘT SỐ PHƯƠNG THỨC, THỦ ĐOẠN CHỦ YẾU MÀ CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH THƯỜNG SỬ DỤNG

Trong chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch thường sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn mang tính chất hết sức tinh vi, thâm độc. Nổi bật trên một số điểm sau:

Thứ nhất, tâm điểm mà các lực lượng phản động tập trung công kích, xuyên tạc, phủ nhận là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chúng cho rằng, hiện nay chủ nghĩa Mác - Lênin hoàn toàn không còn phù hợp, đã trở thành lỗi thời, lạc hậu với thực tiễn nước ta. Chúng lập luận rằng, sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu là một minh chứng cho điều đó. Đồng thời xuyên tạc rằng chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là sản phẩm của thực tiễn Việt Nam; Hồ Chí Minh du nhập chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam là “một sai lầm của lịch sử” đã kìm hãm sự phát triển của đất nước.

Thêm nữa, chúng coi con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta lựa chọn là “mù mờ”, “không tưởng”, hoặc cho rằng “chủ nghĩa nào, chế độ nào cũng được, miễn dân giàu, nước mạnh”; đối lập độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội; xuyên tạc tư tưởng, đạo đức, tác phong, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, chúng triệt để lợi dụng Internet, mạng xã hội, youtube, twitter… để đăng tải các video clip, đưa tin, viết bài hòng bôi nhọ, công kích, xuyên tạc hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng như lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta.

Với cường độ tấn công liên tục, mạnh mẽ đã khiến cho một bộ phận nhân dân, trong đó có một số cán bộ, đảng viên dao động, giảm lòng tin đối với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và dân tộc ta đã lựa chọn.

Thứ hai, các thế lực thù địch đẩy mạnh tuyên truyền, ca ngợi chủ nghĩa tư bản, cổ súy cho chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng.

Chúng cho rằng chủ nghĩa tư bản là chế độ xã hội cuối cùng của lịch sử loài người; chủ nghĩa tư bản hiện nay đã thay đổi bản chất, không còn là một xã hội áp bức, bóc lột... Bằng phương thức này, các thế lực thù địch thực hiện âm mưu muốn truyền bá lối sống thực dụng, văn hóa phẩm đồi trụy vào nước ta. Theo đó, chúng ra sức khuyếch trương các quyền tự do, dân chủ trên lĩnh vực báo chí - xuất bản, văn hóa - văn nghệ núp dưới chiêu bài tự do ngôn luận, tự do sáng tác, quyền thông tin nhằm móc nối với những phần tử bất mãn, chống đối lợi dụng những sơ hở, yếu kém của nhà nước ta trong quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội, tung ra những bài báo, sản phẩm văn học xuyên tạc lịch sử, bóp méo sự thật, nói xấu, vu cáo chế độ ta.

Ý đồ và mục đích của chúng là: thông qua việc truyền bá những tư tưởng, quan điểm sai trái, lối sống lai căng vào xã hội, vào cán bộ, đảng viên, dần dần từng bước tạo “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta, để đi đến chuyển hóa Đảng, chuyển hóa chế độ và cuối cùng là “chiến thắng không cần chiến tranh”.

Thứ ba, các thế lực thù địch thường xuyên sử dụng chiêu bài xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền.

Hằng năm, Bộ Ngoại giao Mỹ và phương Tây có Báo cáo tình hình nhân quyền, trong đó, họ tự dành cho mình quyền phán xét tình hình nhân quyền của các nước khác, và Việt Nam không là một ngoại lệ. Một mặt, họ cố tình lờ đi tình trạng vi phạm nhân quyền của họ, mặt khác, họ tạo cớ để phán xét và can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, trong đó có Việt Nam. Họ gọi những kẻ khủng bố hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam là những “tù nhân lương tâm”, “nhà hoạt động dân chủ”… Và đòi Việt Nam phải thả tự do cho những kẻ vi phạm pháp luật bị chính quyền bắt giữ này.

Thứ tư, kích động biểu tình, gây bạo loạn, tập dượt cho “cách mạng đường phố” ở Việt Nam.

Trong nhiều thập kỷ qua, các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng tình hình nhạy cảm để kích động, lôi kéo, tập hợp người khiếu kiện, gây bạo loạn và các điểm nóng về an ninh trật tự. Chúng tăng cường thành lập các hội nhóm núp bóng “xã hội dân sự” với tên gọi “Phong trào liên đới dân oan tranh đấu Việt Nam”, “Hội dân oan Việt Nam”; “Phụ nữ nhân quyền”; “Hội dân oan nông dân ba miền”... chỉ đạo, tài trợ cho hoạt động khiếu kiện của người dân. Đặc biệt, các đối tượng này lợi dụng tình hình, các sự kiện nhạy cảm trong nước như vấn đề tranh chấp biển đảo, biên giới; các vụ việc tham nhũng; thủy điện xả lũ; chặt hạ cây xanh... để công khai và gia tăng các hoạt động chống đối chính quyền, kêu gọi, kích động tổ chức nhiều cuộc tuần hành, biểu tình gây rối về an ninh, trật tự tại những khu vực trung tâm các thành phố.

Các cuộc tuần hành, biểu tình thường được các thế lực thù địch chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản. Chúng tạo các kịch bản như: sẵn sàng khiêu khích, chống đối, xô xát với lực lượng chức năng làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự; chuẩn bị quay phim, chụp ảnh để phát tán lên mạng xã hội/Internet nhằm lu loa, phá hoại chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Nếu bị bắt giữ thì số đối tượng phản động trong và ngoài nước núp bóng “xã hội dân sự” ra sức vu cáo Việt Nam đàn áp người bất đồng chính kiến, vi phạm dân chủ, nhân quyền, tụ tập kéo đến trụ sở cơ quan Công an đòi thả người. Cùng với đó, các báo đài phản động lập tức liên hệ trực tiếp và tổ chức phỏng vấn trực tuyến từ nước ngoài để đả kích, xuyên tạc, lên án chính quyền. Những vụ việc xảy ra ở Tây Nguyên, Tây Bắc, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Đồng Tâm (Hà Nội)... là những minh chứng rõ ràng cho những chiêu bài này của các thế lực thù địch, phản động.

Thứ năm, các thế lực thù địch thường xuyên tập trung thu thập, khai thác thông tin, tình hình về mặt trái, hạn chế, tiêu cực trong xã hội, những sai phạm của cán bộ lãnh đạo, yếu kém của chính quyền trong công tác quản lý nhà nước; triệt để lợi dụng vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo; khoét sâu mâu thuẫn, gây chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân; tìm mọi cách vô hiệu hóa lực lượng vũ trang, lực lượng bảo vệ và thực thi pháp luật...

Thực hiện âm mưu đó, các thế lực thù địch “bới lông tìm vết” những yếu kém, khuyết điểm của bộ máy công quyền, nhất là những hiện tượng tham nhũng, quan liêu, hách dịch, xa dân để “đổ thêm dầu” vào bức xúc của người dân. Mặt khác, thực hiện phương pháp “nội công, ngoại kích”, các thế lực thù địch thường xuyên tìm cách tung ra những luận điệu, khẩu hiệu, truyền thông mang tính kích động hoặc khen ngợi những hành động bột phát do bức xúc, thiếu tỉnh táo của người dân trong quan hệ với chính quyền như là những hành động “dũng cảm”, “sự trưởng thành”, người dân đã chiến thắng chính quyền… Điển hình là vụ việc xảy ra ở Vũng Áng, nhiều đài báo nước ngoài như VOA, BBC, RFA cùng các trang phản động cố tình làm nóng thêm “điểm nóng” khi chính trị hóa những sự việc kinh tế, môi trường. Sau khi sự việc đã kết thúc, một số “nhà phân tích” lại đưa ra những “tổng kết” như: qua sự việc chứng tỏ giai cấp nông dân Việt Nam đã “giác ngộ”, “có thêm nhiều phương pháp đối phó với chính quyền”… Bằng phương thức này, các thế lực phản động, thù địch kích động người dân tư tưởng phản loạn, chống phá chính quyền, cho rằng đó là những “tập dượt” cho cái mà chúng gọi là “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”.

Trước những phương thức, thủ đoạn nêu trên, nếu chúng ta không tỉnh táo nhận thức và có các hành động ngăn chặn, điều chỉnh, giải quyết kịp thời thì rất có thể sẽ dẫn đến các nguy cơ xảy ra “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” nhằm lật đổ chế độ chính trị ở nước ta.

Các cuộc cách mạng màu xảy ra ở một số nước Trung Á, “Cách mạng Cam” ở Ucraina, “Mùa xuân Ả rập” ở Trung Đông… được coi là những điển hình của các cuộc lật đổ chế độ chính trị hiện thời bất bạo động do các nhóm “xã hội dân sự” tiến hành dưới bàn tay hậu thuẫn của các nước phương Tây.

2. BIỆN PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐẤU TRANH

Từ thực tiễn phân tích trên cho thấy, để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống các thế lực thù địch nhằm tác động chuyển hóa chính trị ở nước ta hiện nay, theo chúng tôi cần tập trung tổ chức thực hiện tốt một số biện pháp cụ thể sau:

Một là, xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị.

Hai là, xây dựng các thể chế, chính sách, pháp luật, gắn kết chặt chẽ công tác xây dựng, thẩm định pháp luật về an ninh, trật tự với tổng kết thực tiễn, dự báo, phân tích, đánh giá tác động xã hội với các chính sách, pháp luật mới trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Tập trung xây dựng, củng cố, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý, cơ sở vững chắc cho công tác bảo đảm an ninh, trật tự, công tác quản lý nhà nước đối với mọi hoạt động của đời sống xã hội.

Ba là, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục quốc phòng an ninh, nâng cao hiểu biết cho học sinh, sinh viên và người dân về lịch sử, truyền thống, đạo lý dân tộc, sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân; nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Xác định đây là công tác có tầm chiến lược, đặc biệt quan trọng, phải thực hiện thường xuyên, liên tục, lâu dài nhằm tạo nền tảng tư tưởng, bản lĩnh chính trị, sức đề kháng cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đối với mỗi người dân, cần tỉnh táo, tránh bị lôi kéo, kích động dẫn đến có những hành vi vi phạm pháp luật.

Bốn là, tích cực, chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trước những âm mưu, ý đồ, phương thức, thủ đoạn hoạt động tuyên truyền của các thế lực thù địch; kịp thời xử lý các tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ; giải quyết tốt những vấn đề bất cập, bức xúc xã hội, không để chúng lợi dụng kích động khiếu kiện, biểu tình gây mất ổn định chính trị.

Năm là, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, đứng đầu các cơ quan Đảng, Nhà nước thật sự trong sạch, vững mạnh, có tâm, có tầm, có trách nhiệm. Tăng cường xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, bảo đảm giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Kiên quyết đấu tranh, bài trừ tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, “lợi ích nhóm”, tiêu cực xã hội, đẩy lùi nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng.

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có quan hệ chặt chẽ với “diễn biến hòa bình”, trong đó “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là nhân tố bên trong nguy hiểm nhất.

Sáu là, làm tốt công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động của báo chí, truyền thông, hạn chế việc khai thác thông tin, mặt trái, mặt tiêu cực của xã hội nhằm định hướng dư luận xã hội theo hướng tích cực. Tăng cường các hoạt động phản biện xã hội, đẩy mạnh đấu tranh, phản bác các thông tin xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo của các thế lực thù địch, đối tượng xấu trên Internet, giành lại thế chủ động trên không gian mạng.

Bảy là, quan tâm giải quyết ổn định các vấn đề mâu thuẫn, bức xúc, tranh chấp khiếu kiện... trong nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Trong giải quyết cần cân nhắc, coi trọng vấn đề ổn định chính trị, an ninh, an toàn xã hội với lợi ích kinh tế trước mắt, nhằm xóa bỏ các điều kiện kẻ địch có thể lợi dụng để tấn công, phá hoại, gây bất ổn xã hội, chuyển hóa mâu thuẫn xã hội thành mâu thuẫn đối kháng với Đảng, Nhà nước tiến tới thực hiện “diễn biến hòa bình”, “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”, lật đổ chế độ chính trị.

Tuy nhiên, cũng không nên hữu khuynh, né tránh, dễ tạo thêm những tiền lệ xấu. Trong mỗi sự việc, nếu có thế lực phản động đứng sau giật dây, những kẻ chủ mưu, cầm đầu, kích động, vạch kịch bản cho các vụ việc này chỉ đợi khi chính quyền áp dụng biện pháp mạnh, thì chúng sẽ kích động nhân dân chống đối lại chính quyền, biến "điểm nóng" kinh tế thành điểm nóng chính trị, gây mất ổn định xã hội. Trong mọi tình huống, không đối đầu với nhân dân nhưng phải sớm tìm ra những đối tượng kích động, chủ mưu để xử lý nghiêm minh, dập tắt mọi âm mưu của chúng. Dĩ nhiên, việc xử lý phải hết sức bình tĩnh, tỉnh táo nhưng cũng phải nhanh chóng, kịp thời.

Tám là, chăm lo xây dựng lực lượng Công an nhân dân thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ sự bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.

Lực lượng Công an nhân dân cần chú trọng, tăng cường hơn nữa tính chủ động, nhanh nhạy trong phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả với âm mưu hoạt động lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước của các phần tử xấu, phản động. Quản lý chặt chẽ đối tượng, không để chúng móc nối, khiếu kiện phức tạp, kích động các hoạt động chống đối, tụ tập đông người, phá rối an ninh, biểu tình, bạo loạn./.

 

Thượng tá, TS. TRẦN VIỆT HÀ

Trung úy BÙI TRỌNG TIẾN

Học viện Cảnh sát Nhân dân

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất