Thứ Sáu, 1/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 31/10/2024 14:57'(GMT+7)

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở Việt Nam hiện nay

Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận hội thảo.

Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận hội thảo.

Dự và chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Võ Văn Bé, Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; Thiếu tướng Chử Văn Dũng, Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân.

 

 

Toàn cảnh hội thảo khoa học quốc gia.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh và bền vững

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Đây là Hội thảo có ý nghĩa rất thiết thực, diễn ra trong tháng 10 - tháng chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, và trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang nỗ lực thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, đã được Đảng, Nhà nước xác định là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh và bền vững; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc, không có ai bị bỏ lại phía sau; để Việt Nam bắt kịp, tiến cùng và vượt lên, trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước.

Đồng chí Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được ban hành ngày 03/6/2020 đã xác định tầm nhìn, mục tiêu và những giải pháp quan trọng cũng như kiến tạo động lực, nguồn lực mạnh mẽ cho chuyển đổi số. Có thể thấy, thời gian qua, việc xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng số được đầu tư phát triển mạnh mẽ, mạng lưới viễn thông và Internet băng thông rộng phủ sóng khắp cả nước, các công nghệ như Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn và điện toán đám mây đang dần trở thành những công cụ quan trọng trong nhiều ngành, lĩnh vực, làm thay đổi căn bản, toàn diện phương thức lao động - sản xuất theo hướng hiện đại.

 

 

Đồng chí Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn hội thảo.

Thời gian qua, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của Chính phủ về chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận nói riêng, cấp ủy, tổ chức Đảng từ Trung ương đến địa phương, trực tiếp là các cơ quan tuyên giáo, cơ quan nghiên cứu lý luận, đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm từng bước số hóa công tác tư tưởng, lý luận, bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức, tư duy, phương thức làm việc của cấp ủy, của đội ngũ cán bộ tuyên giáo, lý luận phù hợp với xu hướng chuyển đổi số. Các dấu ấn chuyển đổi số hiện diện rõ nét và đem đến những thay đổi rất tích cực trên cả 5 mặt công tác quan trọng của công tác tư tưởng, lý luận, gồm Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, Công tác giáo dục lý luận chính trị, Công tác tuyên truyền, cổ động, Công tác nghiên cứu, định hướng dư luận xã hội, Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Tại Hội thảo, các ý kiến, tham luận trình bày, với các chủ đề và góc nhìn phong phú, đa dạng, đều thống nhất khẳng định, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận là yêu cầu cấp thiết, phù hợp mục tiêu xây dựng xã hội số hiện nay ở Việt Nam.

Hội thảo đã tập trung trao đổi, thảo luận, phân tích, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về chuyển đổi số, thực trạng chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở Việt Nam hiện nay, đánh giá các ưu điểm, hạn chế và phân tích nguyên nhân, từ đó làm rõ thêm những vấn đề đặt ra, đề xuất các định hướng, giải pháp, khuyến nghị nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở Việt Nam trong thời gian tới. Cần cụ thể, sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, chiến lược chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận; nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về sự cần thiết phải chuyển đổi số trong công tác tư tưởng lý luận. Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng số phục vụ công tác tư tưởng, lý luận; đào tạo nguồn nhân lực số, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong chuyển đổi số công tác tư tưởng, lý luận.

Theo đồng chí Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước nhằm đưa Việt Nam bắt kịp cuộc cách mạng chuyển đổi số, công tác tư tưởng, lý luận cũng đã có những bước chuyển biến mới theo hướng hiện đại, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới phương thức làm việc của đội ngũ cán bộ phù hợp với xu thế quản trị số và lao động trong môi trường số. Cùng với đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, các cơ quan chuyên môn cũng đã xây dựng kế hoạch, lộ trình và bước đầu triển khai trong thực tiễn việc chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận, đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận trên toàn quốc còn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trên cả ba trụ cột quan trọng là tài chính, công nghệ và con người, cùng với đó sự thiếu đồng bộ về tư duy, nhận thức, năng lực triển khai, quy trình, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số giữa các cơ quan, đơn vị, các vùng, miền, địa phương.

 

 

Đồng chí Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu chào mừng hội thảo.

Trong khi đó, chuyển đổi số cũng vô tình tạo ra những “mảnh đất” mới, công nghệ mới để các thế lực thù địch, phản động hoạt động, đặc biệt chúng lợi dụng sự phức tạp của không gian mạng để tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng , đặt ra nhiều thách thức to lớn đối với công tác tư tưởng, lý luận. Từ đó, đặt ra yêu cầu phải có những giải pháp nhanh chóng, kịp thời, đồng bộ nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận để củng cố, giữ vững và đạt được nhiều thắng lợi hơn nữa mặt trận tư tưởng tối quan trọng của Đảng.

Phát biểu tại Hội thao, đồng chí Chử Văn Dũngg, Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, chia sẻ, Học viện Cảnh sát nhân dân đã và đang xây dựng, hoàn chỉnh về mục tiêu, chiến lược đào tạo, hình thức và phương pháp đào tạo, nhất là đối với các môn lý luận chính trị với ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Học viện đã triển khai hệ thống quản lý, điều hành giáo dục, đào tạo qua mạng nội bộ, xây dựng bài giảng điện tử, thực hiện chuyển đổi số ở các khâu tổ chức đào tạo trong bối cảnh chuyển đổi số. Hệ thống phòng máy tính, phòng học chuyên dùng cho các môn lý luận chính trị, thư viện phục vụ nghiên cứu giáo trình, tài liệu, hệ thống phòng đọc các môn lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Trong thời gian tới, Học viện tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong số hóa tài liệu học tập lý luận chính trị, trang bị các loại tài liệu tham khảo phục vụ cho công tác giảng dạy nhằm số hóa và kết nối, khai thác nguồn tin điện tử trong khuôn khổ bảo đảm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy các môn lý luận chính trị là một việc làm hết sức cần thiết trong quá trình hội nhập và phát triển hiện nay. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học lý luận chính trị là một xu hướng hiện đại hóa quá trình dạy và học, làm thay đổi cách dạy và cách học, giúp người học tham gia học tập một cách chủ động, tích cực và sáng tạo, tăng cường tính trực quan, góp phần nâng cao chất lượng lĩnh hội và nắm vững kiến thức, phát triển năng lực tư duy độc lập, sáng tạo của người học.

Sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ đã tạo ra một môi trường thông tin đa dạng, đa chiều trên internet, mạng xã hội, hỗ trợ đắc lực cho việc học tập của học viên và hoạt động chuyên môn của giảng viên, từ đó việc tìm kiếm, thu thập, xử lý thông tin phục vụ giảng dạy, nghiên cứu của giảng viên lý luận chính trị có thể thực hiện một cách dễ dàng, thuận lợi, nhanh chóng, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị tại Học viện Cảnh sát nhân dân trong kỷ nguyên số.

 

 

Đồng chí Chử Văn Dũngg, Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân phát biểu tại hội thảo.

Tham luận của đồng chí Đoàn Thị Thanh Tâm, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái, từ thực tiễn tại tỉnh Yên Bái, đã phân tích, đánh giá toàn diện những thành công và kinh nghiệm của tỉnh trong việc tận dụng những cơ hội từ chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn, thách thức hiện nay. Từ đó, đề xuất những giải pháp có giá trị tham khảo nhằm nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong công tác giáo dục lý luận chính trị, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên ở Yên Bái trong thời gian tới.

 

 

Đồng chí Đoàn Thị Thanh Tâm, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái phát biểu tham luận.

Với nội dung “Một số điểm nhấn về chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở tỉnh Lào Cai hiện nay”, đồng chí Phùng Nam Trung, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai, tham luận đã nêu ra những minh chứng sinh động cho những lợi ích của chuyển đổi số trên các mặt của công tác tư tưởng, lý luận từ thực tiễn của tỉnh Lào Cao thời gian qua. Đồng thời, tham luận cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, thách thức trong chuyển đổi số của tỉnh và từ đó đề xuất những giải pháp thiết thực nhăm nâng cao chất lượng, hiệu quả chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận chính trị trên địa bàn tỉnh Lào Cai thời gian tới, có giá trị tham khảo nhất là đói với các tỉnh miền núi phía Bắc.

 

 

Đồng chí Phùng Nam Trung, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai phát biểu.

 

Cần triển khai thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia thời gian tới


Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao 87 bài tham luận của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, các chuyên gia, của các cơ quan, đơn vị trong cả nước gửi đến hội thảo cũng như các tham luận trực tiếp tại hội thảo. Đặc biệt là những ý kiến đóng góp, kiến nghị tại hội thảo nhằm cung cấp những luận cứ khoa học quan trọng cả về lý luận lẫn thực tiễn về chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở Việt Nam hiện nay. Qua đó, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia thời gian tới.

Các tham luận và ý kiến tại hội thảo đã phân tích toàn diện bối cảnh, tình hình thế giới và trong nước, các yêu cầu mới và vấn đề đặt ra đối với công tác tư tưởng, lý luận, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận thời gian tới, cụ thể như sau:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ về sự cần thiết và cấp bách phải chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận.Từ đó, đề ra các chủ trương, kế hoạch, lộ trình cụ thể nhằm từng bước triển khai thực chất và có hiệu quả chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận nói riêng.

Hai là, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, quy định có liên quan về xây dựng, quản lý, ứng dụng chuyển đổi số trong các cơ quan, đơn vị, nhất là những bộ phận trực tiếp triển khai công tác tư tưởng, lý luận ở Trung ương và địa phương.

Ba là, đổi mới nội dung và hình thức trên các mặt của công tác tư tưởng, lý luận theo hướng tận dụng tối đa những lợi thế mà chuyển đổi số đem lại hiện nay. Cụ thể:

Trong nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào việc đánh giá, khảo sát, tổng kết thực tiễn một cách khách quan, chân thực, đầy đủ, kịp thời, phục vụ đắc lực cho công tác nghiên cứu lý luận, để làm sao lý luận luôn theo kịp những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn.

Trong giáo dục lý luận chính trị cần đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp với xu thế chuyển đổi số, tích cực ứng dụng công nghệ số trong quản lý hoạt động dạy và học, theo dõi, đánh giá tình hình học tập lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên, hoàn thiện hệ thống giáo án, bài giảng điện tử đảm bảo tính khoa học, tính thẩm mĩ, phù hợp với tâm lý người học.

Trong tuyên truyền, cổ động: Chú trọng tạo ra các nội dung truyền thông số chất lượng, sản phẩm thông tin - tuyên truyền mới mẻ, sáng tạo, đa dạng hóa hình thức biểu đạt mới phù hợp với nhiều đối tượng công chúng hiện đại như video, podcast, infographics…, qua đó làm cho đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống một cách tự nhiên, trực quan, sinh động, dễ hiểu, dễ áp dụng, thiết thực với người dân, doanh nghiệp, qua đó tăng hiệu quả thuyết phục và sự tự giác chấp hành của quần chúng.

Trong nắm bắt và định hướng dư luận xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cần đẩy mạnh các hình thức kết nối và xử lý thông tin giữa cấp ủy, chính quyền và người dân thông qua các ứng dụng công nghệ. Phát huy tối đa lợi thế công nghệ thông tin và mạng lưới báo chí chính thống, chủ động đưa tin, phản ánh nhanh chóng, kịp thời, trung thực và sinh động những vấn đề người dân quan tâm; kiên quyết phản bác thông tin sai lệch, xấu, độc, góp phần định hướng dư luận xã hội.

Bốn là, ưu tiên bố trí nguồn lực phục vụ xây dựng, hoàn thiện hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin làm nền tảng cho chuyển đổi số nói chung và trong công tác tư tưởng, lý luận nói riêng, bảo đảm đồng bộ, thông suốt, hiệu quả, ổn định, đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin.

Năm là, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp, thường xuyên làm công tác tư tưởng, lý luận có bản lĩnh chính trị, có trình độ chuyên môn vững vàng, có tinh thần đổi mới, kiến thức và tư duy trong thời đại số, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác. Đồng thời cần tính toán đến những ảnh hưởng của chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin để sắp xếp, quy hoạch lại đội ngũ cán bộ tư tưởng, lý luận từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, không để lãng phí nguồn lực con người./.

DUY PHONG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất