Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 17/11/2022 13:45'(GMT+7)

Đẩy mạnh liên kết phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ

Bến cá Xuân Hải (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên). (Ảnh minh họa: TTXVN)

Bến cá Xuân Hải (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên). (Ảnh minh họa: TTXVN)

Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc hơn nữa vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của vùng, cũng như mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển vùng, nắm thật vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm. Trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí và hành động, quyết tâm của toàn vùng, từng địa phương trong vùng, cũng như của cả nước, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.

NHIỀU THAY ĐỔI TÍCH CỰC

Là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ bao gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Trong đó có ba tiểu vùng là: Bắc Trung Bộ (gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị); vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định); vùng Nam Trung Bộ (gồm: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận). Diện tích tự nhiên toàn vùng chiếm 28,9% diện tích của cả nước, với bờ biển dài gần 1.800 km, chiếm hơn 55% bờ biển cả nước và nhiều cảng nước sâu, các đảo, cụm đảo và quần đảo quan trọng như Hoàng Sa, Trường Sa, Lý Sơn, Cù Lao Chàm...

Vùng có nhiều tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, được phân bố khá tập trung tại một số địa phương, tạo thuận lợi cho việc khai thác, chế biến. Vùng hiện có 9 sân bay, trong đó có 3 sân bay quốc tế; nhiều cảng biển lớn.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, sau gần 18 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX; Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI, toàn vùng đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, cả về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cũng như bảo đảm quốc phòng, an ninh. Kinh tế vùng tăng trưởng đạt 7,3%/năm trong giai đoạn 2005 - 2020, cao hơn trung bình cả nước; quy mô kinh tế vùng được mở rộng, đạt 1.157 nghìn tỷ đồng vào năm 2020, chiếm 14,53% GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 56,91 triệu đồng/người/năm.

Tỉnh Thanh Hóa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, kết nối vùng với vùng Đồng bằng Sông Hồng và các tỉnh vùng Tây Bắc. Là một trong những tỉnh nghèo, với điểm xuất phát thấp, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, Thanh Hóa đã vươn lên trở thành tỉnh có quy mô kinh tế lớn nhất vùng và nằm trong nhóm 10 tỉnh có quy mô GRDP lớn nhất cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2004-2021 đạt gần 10%/năm; tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 9% lên 36%; tốc độ giảm nghèo nhanh, từ 11,7% năm 2004 xuống còn 1,51% năm 2021.

Sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW và 10 năm thực hiện Kết luận số 25-KL/TW, tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2005 - 2021 đạt 10,92%/năm. Cùng với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, các dự án kinh tế lớn trên địa bàn Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu Công nghiệp Quảng Ngãi đã làm tăng đáng kể giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Khu Kinh tế Dung Quất trở thành một trong những Khu kinh tế thành công nhất trong cả nước, giữ vai trò là hạt nhân tăng trưởng và động lực phát triển của tỉnh...

Quảng Nam là một trong những địa phương nghèo nhất cả nước trong thời điểm vừa chia tách, nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, bão lũ nên khó khăn chồng khó khăn. Thời gian qua, tỉnh đã từng bước liên kết, hợp tác phát triển kinh tế, xã hội với các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên đưa Quảng Nam từ một tỉnh thuần nông, chậm phát triển vươn lên thành một tỉnh khá trong khu vực, có quy mô nền kinh tế đạt gần 103 nghìn tỷ đồng (năm 2021), tăng gấp 14,5 lần so với năm 2004.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường cho biết, sở hữu nhiều tài nguyên có giá trị rất cao, độc đáo, tạo nên lợi thế vượt trội của Quảng Nam so với các địa phương khác, giữ vai trò là nhân tố quan trọng trong Chiến lược phát triển du lịch Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ. Kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhiều hạ tầng chiến lược như: Sân bay, cảng biển tại Khu Kinh tế mở Chu Lai là điều kiện thuận lợi để kết nối Quảng Nam với các tỉnh, thành phố trong cả nước và trở thành đầu mối, “trạm trung chuyển quốc tế” đi các nước trên thế giới. Quy mô và cơ cấu kinh tế Quảng Nam đã có sự phát triển vượt bậc, trở thành tỉnh có tiềm lực kinh tế, thị trường thu hút các dự án đầu tư và đóng góp cho ngân sách Trung ương.

Khánh Hòa là tỉnh ven biển Nam Trung bộ, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của cả nước. Là địa phương có mạng lưới giao thông khá thuận lợi, trên các trục giao thông đường bộ quan trọng của cả nước; có các cảng biển lớn; nhất là sân bay quốc tế Cam Ranh với lưu lượng khách quốc tế đứng thứ 3 cả nước, là cửa ngõ giao thương quốc tế cho cả khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Biển và tiềm năng kinh tế biển là những nét nổi bật của Khánh Hòa.

Tuy nhiên, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ hiện vẫn là vùng có nhiều chỉ số phát triển thấp hơn mức trung bình của cả nước. Tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là lợi thế về kinh tế biển, chưa được khai thác hợp lý, phát huy có hiệu quả để trở thành nguồn nội lực quan trọng cho phát triển. Kinh tế - xã hội vùng mới chỉ là phép cộng cơ học của các địa phương, chưa mang tính tổng thể dấu ấn của toàn vùng. Các cực tăng trưởng, trung tâm phát triển và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện rõ vai trò là động lực tăng trưởng, đầu tàu dẫn dắt kinh tế vùng. Vùng miền núi phía Tây vẫn là khu vực khó khăn. Phát triển văn hóa, xã hội chưa đáp ứng kịp yêu cầu trong tình hình mới...

Chính vì vậy, lần này, Bộ Chính trị đã thống nhất cao, cho rằng cần phải ban hành Nghị quyết mới tiếp tục phát huy những kết quả, thành tựu to lớn đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, vượt qua những khó khăn, thách thức mới đang đặt ra trong phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

THỐNG NHẤT CAO VỀ NHẬN THỨC, HÀNH ĐỘNG

Đây là hội nghị thứ 5 về phát triển vùng. Trước đó, Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 24-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các hội nghị tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhằm sớm đưa Nghị quyết quan trọng vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển vùng.

Nghị quyết 26-NQ/TW xác định, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, nhất là về kinh tế biển, quốc phòng, an ninh biển, đảo của Tổ quốc, là "mặt tiền" của quốc gia, "khúc ruột" của Tổ quốc là "cửa ngõ" ra biển cả, bệ đỡ cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây.

Đổi mới tư duy phát triển, tạo đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động; phát triển nhanh, bền vững tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng và các địa phương trong vùng; nâng cao trình độ và thu nhập của người dân trong vùng là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược của các địa phương trong vùng và cả nước.

Về mục tiêu đến năm 2030, Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu...

Về một số chỉ tiêu cụ thể, Nghị quyết số 26-NQ/TW nêu rõ, giai đoạn 2021 - 2030 tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 7 - 7,5%. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 156 triệu đồng/người/năm, kinh tế số trong GRDP vùng đạt khoảng 30%. Phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 47 - 48%. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 90%. Thu ngân sách nhà nước chiếm khoảng 20 - 25% cả nước.

Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Theo đó, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, đẩy mạnh liên kết vùng; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển; tập trung phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển...

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng chia sẻ, nhận thức sâu sắc rằng, việc ban hành và triển khai, quán triệt kịp thời, đồng bộ Nghị quyết số 26 thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với “khúc ruột miền Trung” thân thương, đầy nắng và gió, nơi có diện tích rộng lớn, trải dài với biển bạc, rừng vàng, có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh biển, đảo của Tổ quốc.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng, Nghị quyết số 26 sẽ nhanh chóng được triển khai và đi vào cuộc sống; tạo động lực mới để các tỉnh, thành phố trong vùng chia sẻ cơ hội, đẩy mạnh hợp tác, liên kết, cùng nhau tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững quốc phòng, an ninh; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết ngày càng vững mạnh, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng, Nghị quyết số 26-NQ/TW là một văn kiện có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện tư duy và tầm nhìn, định hướng chiến lược của Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhằm tạo sự chuyển biến có tính đột phá trong chiến lược phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, cũng như các địa phương trong vùng.

Để sớm hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết số 26-NQ/TW, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng mong muốn Bộ Chính trị, Ban Bí thư quan tâm, ủng hộ chủ trương, chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét các kiến nghị của thành phố về các cơ chế, chính sách đặc thù để tạo cơ sở chính trị, pháp luật cho việc xây dựng, sớm hình thành các dịch vụ tài chính chất lượng cao tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.

Cùng với đó, các ban, bộ, ngành Trung ương tích cực hướng dẫn các địa phương trong việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW; trong đó, quan tâm, xem xét, ủng hộ những đề xuất về cơ chế, chính sách đặc thù tạo nguồn lực đột phá cho các địa phương trong vùng nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng.

Để thực hiện bằng được và có kết quả cụ thể, rõ rệt Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này về vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, cấp ủy, chính quyền, nhân dân các tỉnh trong vùng tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, cùng với các ban, bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền các cấp trong cả nước đổi mới, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo ra bước chuyển biến mới có tính đột phá trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh theo tinh thần: cả nước vì Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ; Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ vươn lên cùng cả nước và vì cả nước./.

NGUYỄN HỒNG ĐIỆP (TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất