Chủ Nhật, 29/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 8/6/2012 14:16'(GMT+7)

Đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất trên biển

Một đội tàu đánh bắt xa bờ của huyện Ba Tri, Bến Tre, ra khơi. (Ảnh: Đức Hải)

Một đội tàu đánh bắt xa bờ của huyện Ba Tri, Bến Tre, ra khơi. (Ảnh: Đức Hải)

Bên cạnh việc tổ chức lại sản xuất trên biển, Theo TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng đẩy mạnh đánh bắt xa bờ, phát triển đào tạo nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng dịch vụ nghề cá cũng là những giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản.

Tổ chức lại sản xuất trên biển từng bước đạt hiệu quả tốt

Để nâng cao chất lượng sản phẩm thì tổ chức lại sản xuất trên biển được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giảm tổn thất sau khai thác hải sản trên các tàu cá. 

Thời gian qua, Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm tổ chức sản xuất hiệu quả trên các vùng biển, như tăng cường chất lượng dự báo ngư trường, chỉ đạo khai thác hải sản theo mùa vụ, xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác trên biển…

Đặc biệt trong việc tổ chức sản xuất trên biển theo tổ đội, kết hợp tàu khai thác với tàu thu gom, vận chuyển; kết hợp giữa chủ tàu khai thác với các tổ chức, cá nhân thu mua, tiêu thụ sản phẩm. Việc thực hiện các giải pháp này bước đầu đã mang lại những hiệu quả tích cực tại một số địa phương, tổ chức.

Tại TP. Đà Nẵng, tính đến đầu năm 2012, đã có 97 mô hình tổ, đội, khai thác hải sản, trong đó có 45 tổ khai thác xa bờ. Hình thức hợp tác của các tàu trong tổ đội là hỗ trợ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm lưới bị đứt, trôi, giúp đỡ về thiết bị vật tư, nhân lực sữa chữa máy móc khi bị hỏng trên biển, thông tin về ngư trường, hỗ trợ vay vốn để mua ngư cụ, trang thiết bị phục vụ khai thác, hỗ trợ thông tin từ tàu về đất liền và đất liền với tàu.

Tại tỉnh Bến Tre, huyện Ba Tri đã triển khai thành lập tổ đội các thuyền đánh cá với sự tham gia của trên 100 tàu cá với nhiều tàu có mã lực lớn từ 300-450CV, mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng cho bà con ngư dân đi biển sau mỗi vụ.

Công ty TNHH một thành viên 128, thuộc Bộ tư lệnh Hải Quân – Bộ Quốc phòng, đã tổ chức mô hình dịch vụ công ích theo mô hình tàu mẹ tàu con. Tàu của công ty vừa làm nhiệm vụ khai thác (câu cá ngừ đại dương), vừa thực hiện nhiệm vụ dịch vụ công ích cho các tàu ngư dân khai thác cá ngừ đại dương trên biển. Mô hình này được hình thành theo mối liên kết giữa tàu của công ty, tàu của ngư dân khai thác cá ngừ và tàu của công ty TNHH Hải Vương, một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản.

Đội tàu dịch vụ nghề cá trên biển tại đảo Phú Quý với 112 tàu dịch vụ tư nhân hoạt động thu mua, cung ứng nhiên liệu trên biển, trong đó có 106 tàu được trang bị hiện đại với hầm cấp đông, có thể đông sâu đến -400C, nhờ đó mà hải sản khai thác luôn được đảm bảo ở chất lượng tốt nhất có thể...

Đẩy mạnh đánh bắt xa bờ

Bên cạnh việc tổ chức lại sản xuất trên biển, Theo TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng đẩy mạnh đánh bắt xa bờ, phát triển đào tạo nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng dịch vụ nghề cá cũng là giải pháp tối ưu cho việc nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản.

Trên thế giới hiện nay, một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển thì quốc gia đó không chỉ khai thác hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia đó còn phải vươn ra hợp tác khai thác ở vùng biển của các nước khác. Chính vì vậy, đẩy mạnh đánh bắt xa bờ của nước ta trong những năm tiếp theo phải là một trong những hướng đi chính trong phát triển kinh tế biển và ven biển nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của ngư dân, từ đó thay đổi bộ mặt của nông thôn ven biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng cường tiềm lực an ninh quốc phòng, khẳng định chủ quyền thật sự tại biển trên đặc quyền kinh tế.

Trong chiến lược Thủy sản Việt Nam đến năm 2020, Tổng cục Thủy sản cho biết, đang đang xây dựng 2 đề án: Hiện đại hóa tàu cá và Phát triển ngành công nghiệp cơ khí đóng sửa tàu cá. Các đề án này cũng đề cập tới các cơ chế chính sách khuyến khích ngư dân đầu tư sử dụng các vỏ tàu bằng vật liệu mới, bằng kim loại nặng để tăng độ bền cho tàu.

Cùng với đó theo PGS.TS Bùi Tất Thắng, quyền Viện trưởng Viện chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chúng ta cần xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng (điện, nước, giao thông) trên các đảo, xem đây là khâu đột phá chính để thu hút đầu tư và khuyến khích người dân ra định cư, bám biển dài ngày. Xây dựng một số trung tâm dịch vụ nghề cá trên các đảo để đảm nhiệm chức năng hậu cần cho tàu thuyền; mở rộng các cảng biển, xây dựng trung tâm tìm kiếm cứu nạn./.

(Theo: Đức Hải/Cổng TTĐTCP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất