Thứ Tư, 2/10/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 17/12/2011 16:3'(GMT+7)

Đẩy nhanh sự phát triển của thương mại điện tử ở Việt Nam

 

Tới dự Hội thảo có các đồng chí:  Bùi Thế Đức - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; Huỳnh Minh Hoàng - Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ Quốc hội; GS-TS, Nhà giáo nhân dân Đỗ Thế Tùng; đại diện gần 100 doanh nghiệp kinh doanh, dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) của hơn 30 tỉnh, thành trong cả nước.

Tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế đã tập trung thảo luận về vào các vấn đề chính như: Thương mại điện tử trên thế giới; Phổ biến kiến thức về thương mại điện tử, lợi ích, hiệu quả và kỹ năng mua bán trực tuyến; Thực trạng thương mại điện tử ở Việt Nam; Các giải pháp đẩy nhanh sự phát triển của thương mại điện tử ở Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình hội nhập; Phương hướng phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam trong thời gian tới...

Theo PGS.TS. Lê Danh Vĩnh - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, lợi ích lớn nhất mà TMĐT đem lại chính là sự tiết kiệm chi phí và tạo thuận lợi cho các bên giao dịch. Giao dịch bằng phương tiện điện tử nhanh hơn so với giao dịch truyền thống.... Trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay, nhu cầu giới thiệu, quảng bá về sản phẩm, hình ảnh doanh nghiệp một ngày càng gia tăng và trở nên cấp thiết, trong đó, chi phí và hiệu quả là vấn đề thường được đặt ra. Thực tế cho thấy, thương mại điện tử có thể đáp ứng tất cả các nhu cầu đó với chi phí thấp nhất và hiệu quả cao nhất.

"Giao dịch thương mại qua Internet chỉ bằng 7% thời gian giao dịch qua Fax". Ảnh: Quý Trọng


PGS.TS. Lê Danh Vĩnh cũng cho rằng, thương mại điện tử giúp người tiêu dùng và các doanh nghiệp giảm đáng kể thời gian và chi phí giao dịch (giao dịch được hiểu là quá trình từ quảng cáo, tiếp xúc ban đầu, giao dịch đặt hàng, giao hàng, thanh toán). Cụ thể, thời gian giao dịch qua Internet chỉ bằng 7% thời gian giao dịch qua fax, bằng khoảng 0,5% thời gian giao dịch qua bưu điện; chi phí giao dịch qua Internet chỉ bằng 5% chi phí giao dịch qua fax hay qua bưu điện chuyển phát nhanh; chi phí thanh toán điện tử qua Internet chỉ bằng 10-20% chi phí thanh toán theo lối thông thường. Trong hai yếu tố cắt giảm này, yếu tố thời gian đáng kể hơn, vì việc nhanh chóng thông tin hàng hóa đến người tiêu dùng mà không phải qua trung gian có ý nghĩa sống còn trong cạnh tranh kinh doanh.

Đồng quan điểm trên, GS.TS. Đỗ Thế Tùng cũng nhấn mạnh, TMĐT ngày càng tỏ rõ tính ưu việt của nó, ngày càng chiếm thị phần lớn trên thị trường của mỗi quốc gia và trên thị trường thế giới. Nó đem lại lợi ích cho cả người sản xuất, doanh nghiệp TMĐT và người tiêu dùng, vì nó tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thời gian, rút ngắn khoảng cách giữa các doanh nghiệp và giữa các nước.

Theo GS.TS. Đỗ Thế Tùng, giải pháp để thúc đẩy TMĐT tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa tại Việt Nam, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho TMĐT; xây dựng kết cấu hạ tầng cho TMĐT; hoàn thiện môi trường pháp lý và phát triển các dịch vụ công phục vụ cho TMĐT...

Đề cập đến các giải pháp để phát triển TMĐT, Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế Trịnh Minh Anh cho rằng, trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung vào hai giải pháp cơ bản, đó là: Đẩy mạnh việc tham gia các cam kết hội nhập quốc tế về thương mại điện tử và xây dựng, củng cố phát triển thị trường thương mại điện tử trong nước. Để làm được điều này, đòi hỏi phải không ngừng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thương mại điện tử; phát triển nguồn nhân lực về thương mại điện tử; cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh; phát triển và ứng dụng công nghệ, dịch vụ thương mại điện tử; nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý nhà nước về thương mại điện tử...

Kết luận Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Viết Thảo, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: TMĐT đang dần trở thành một công cụ, một giải pháp giúp các doanh nghiệp vượt qua các đối thủ cạnh tranh, vươn lên khẳng định uy tín của mình.

Đồng chí khẳng định, Hội thảo này đã góp phần phác họa cơ bản về thực trạng TMĐT ở Việt Nam hiện nay, đó là: Hạ tầng công nghệ thông tin mặc dù có tốc độ phát triển nhanh, nhưng yếu tố nhân lực vẫn chưa phát triển tương xứng. Số lượng người dân sử dụng internet tăng rất nhanh nhưng vẫn chưa quen thuộc với dịch vụ thanh toán hiện đại, bởi tâm lý người mua phải "xem tận mắt, sờ tận tay" vẫn còn tồn tại khá phổ biến.
Hội thảo đã đề ra các giải pháp đẩy nhanh sự phát triển của TMĐT ở Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình hội nhập. Theo đó, trong thời gian tới, cần từng bước xã hội hóa hoạt động đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông; khuyến khích công chúng tiêu dùng thực hiện giao dịch điện tử. Ngoài ra, cần có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp xây dựng website có chức năng giao dịch trực tuyến và thanh toán trực tuyến (có thể hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ). Các ngân hàng thương mại và công ty cung cấp dịch vụ thanh toán phải đẩy mạnh đầu tư phát triển các hoạt động thanh toán trực tuyến, hỗ trợ các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội nâng cao tỷ lệ nhận biết và niềm tin của người tiêu dùng vào hình thức thanh toán trực tuyến./.

Tuấn Đạt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất