Thứ Sáu, 27/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 3/10/2016 9:5'(GMT+7)

Để ngành đường sắt “tăng tốc”


Còn nhiều rào cản

Phương thức vận tải đường sắt có nhiều ưu việt so với các phương thức vận tải khác như: Bảo vệ môi trường, mức độ an toàn cao, diện tích đất sử dụng ít, khả năng vận chuyển lớn; ít phụ thuộc vào thời tiết. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay việc vận tải hàng hóa, di chuyển hành khách bằng tàu hỏa không phải là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều doanh nghiệp, người dân. Nguyên nhân là do vận tải đường sắt so với các loại hình vận tải hàng không và đường bộ thường có giá cước và thời gian vận chuyển cao hơn.

Mới đây, bàn về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), nhiều đại biểu Ủy ban Thường vụ Quốc hội tỏ ra lo ngại trước sự phát triển chậm chạp của ngành đường sắt. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhận xét, nhiều năm qua ngành đường sắt không huy động được vốn đầu tư từ doanh nghiệp, đầu tư của Nhà nước cũng rất hạn chế. Đường sắt thời Pháp để lại dài hơn 3.000km song chúng ta không làm thêm được ki-lô-mét nào mà còn giảm đi. Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải lo ngại khi thị phần vận tải đường sắt chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng sản lượng vận tải toàn ngành và đang có xu thế giảm dần, từ 1,3% năm 2008 xuống còn 0,7% năm 2012 và tiếp tục giảm trong những năm qua.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng khi tham gia trực tiếp vào quá trình thẩm tra dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) cũng cho rằng, vận tải đường sắt giữ vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông Việt Nam, đóng góp to lớn trong xây dựng đất nước. Tuy nhiên, đến nay giao thông đường sắt đã bộc lộ nhiều bất cập. Kết cấu hạ tầng đường sắt lạc hậu, xuống cấp; đường đơn khổ rộng 1m trên thế giới hầu như không dùng; có nhiều điểm giao cắt đồng mức với đường bộ gây mất an toàn; công nghệ thông tin trong hoạt động hầu như chưa được ứng dụng... Đặc biệt, tỷ trọng đầu tư cho hạ tầng ngành đường sắt so với các loại hình giao thông khác là rất thấp (vốn đầu tư cho đường sắt năm 2010 chỉ chiếm 2,51% so với toàn ngành giao thông vận tải).

Thừa nhận thực tế thị phần vận tải hàng hóa và hành khách của đường sắt so với các lĩnh vực khác giảm, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, một phần nguyên nhân là do mạng lưới đường sắt không tăng; mô hình cơ cấu, tổ chức giao tất cả cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý, cả hạ tầng và đơn vị vận tải nên không có cạnh tranh. Hơn nữa, kết nối giữa đường sắt với các phương thức vận tải khác rất hạn chế, điển hình trước kia có nhiều đường sắt nối vào các cảng nhưng nay chỉ còn 3 điểm kết nối.

Để khắc phục những bất cập và tạo động lực cho ngành đường sắt phát triển, theo ông Nguyễn Ngọc Đông, dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) đang được Chính phủ tiếp thu, chỉnh lý, trình Quốc hội tới đây sẽ tạo cơ sở pháp lý để phát triển giao thông vận tải đường sắt theo cơ chế thị trường, tạo cơ chế mở để thu hút các nguồn lực ngoài xã hội đầu tư kinh doanh đường sắt, chấm dứt độc quyền của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Nhà nước sẽ đầu tư hạ tầng, bảo trì đường và cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh toa xe...

Đề xuất nhiều ưu đãi

Nhiều ý kiến chỉ ra rằng, một trong những điểm mới của dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) là bổ sung nhiều chính sách, ưu đãi trong hoạt động đường sắt. Đó là chính sách, ưu đãi cho phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh vận tải đường sắt và công nghiệp đường sắt; chính sách, ưu đãi về giá thuê đất đối với đất dùng để xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt và đất dùng để xây dựng công trình phục vụ kinh doanh dịch vụ thương mại trong phạm vi đất dành cho đường sắt; chính sách, ưu đãi về tín dụng, về đầu tư; tạo cơ chế mở để thu hút các nguồn lực ngoài xã hội đầu tư kinh doanh đường sắt, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam theo hướng hiện đại, hiệu quả.

Lý do Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều ưu đãi liên quan tới việc phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông là do các quy định hiện hành chưa tạo sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư, kinh doanh đường sắt. Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) lần này nhằm xác định rõ hơn các chủ thể trong quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt, trong quản lý đất dành cho đường sắt và làm rõ hơn vai trò quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước trong đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt. Tách bạch rõ chức năng quản lý nhà nước về kết cấu hạ tầng đường sắt với chức năng kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và chức năng kinh doanh vận tải của doanh nghiệp. Từ đó, tạo lập cơ hội, môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp, thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư, khai thác, kinh doanh đường sắt, thúc đẩy lĩnh vực đường sắt Việt Nam phát triển nhanh và hội nhập quốc tế. “Việc tách bạch vai trò của các chủ thể trong lĩnh vực này sẽ là căn cứ pháp lý tạo cơ chế cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực đường sắt dưới sự giám sát của Nhà nước; tạo cơ hội thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vận tải đường sắt. Nói chung, khi ấy sẽ có nhiều hình thức để doanh nghiệp tham gia kinh doanh đường sắt”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh.

MINH ĐỨC/QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất