(TG) - Bộ Công an vừa công bố dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng Luật TTATGT đường bộ.
Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ mà Bộ Công an đề xuất xây dựng có một số quy định mới như cấm sử dụng điện thoại khi điều khiển ô tô, bỏ quy định đi xe máy, xe đạp không dàn hàng ngang.
Theo Bộ Công an, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã phát huy nhiều hiệu quả, tuy nhiên, từ kết quả của công tác quản lý, điều hành, kết quả rà soát các văn bản hiện hành có liên quan và thực tiễn đòi hỏi của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Công an nhận thấy rằng các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến nhiệm vụ bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ còn những vấn đề bất cập nhất định. Do đó, cần xây dựng Luật TTATGT đường bộ.
Theo đó, việc ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông sẽ thống nhất hoạt động quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; đảm bảo tính minh bạch, đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý thống nhất áp dụng các quy định về xử lý vi phạm giao thông đường bộ; đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính; góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Trong số này, khoản 4 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định biển báo hiệu đường bộ gồm năm nhóm, tuy nhiên thực tế hiện nay phát sinh thêm nhóm biển mới là "Nhóm biển sử dụng trên các tuyến đường đối ngoại". Nhóm biển này tuân thủ theo các quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Ngoài ra, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chỉ có quy định người điều khiển mô tô hai bánh, mô tô ba bánh, xe máy không được sử dụng điện thoại di động còn người điều khiển ô tô không quy định. Tuy nhiên, Công ước Vienna bắt buộc luật quốc gia phải quy định người điều khiển phương tiện không được phép sử dụng điện thoại di động khi phương tiện đang di chuyển.
Bên cạnh đó, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đang quy định ô tô phải có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong ô tô phải thắt dây an toàn (khoản 2 Điều 9). Nhưng Công ước Vienna lại quy định việc thắt dây an toàn là bắt buộc đối với người lái xe và hành khách đi trên phương tiện cơ giới ngồi tại những chỗ có trang bị dây đeo an toàn.
Chính vì vậy, Luật TTATGT đường bộ sẽ quy định cụ thể về phương tiện (khái niệm, kiểu, loại, điều kiện tham gia giao thông của phương tiện), quy định cụ thể về điều kiện của người điều khiển phương tiện để dễ vận dụng, thực hiện, đảm bảo công tác quản lý, tránh việc do luật không quy định nên nhiều phương tiện tham gia giao thông không được quản lý và sự tùy tiện trong việc chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện, gây khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông và mất an ninh, trật tự, vi phạm diễn ra thường xuyên, phổ biến.
Quy định cụ thể hệ thống báo hiệu đường bộ, tốc độ và khoảng cách giữa các xe tham gia giao thông đường bộ... một cách đơn giản, dễ hiểu nhất để người tham gia giao thông dễ nhớ, dễ hiểu và thực hiện. Đồng thời, Luật TTATGT đường bộ sẽ quy định khái niệm về xe cơ giới, xe thô sơ, xe tự chế, xe công nông, xe máy kéo, xe máy điện, xe đạp điện nên có nhiều cách hiểu khác nhau, gây khó khăn trong công tác thực thi pháp luật…
Luật TTTATGT đường bộ quy định cụ thể về phương tiện (khái niệm, kiểu, loại, điều kiện tham gia giao thông của phương tiện), quy định cụ thể về điều kiện của người điều khiển phương tiện để dễ vận dụng, thực hiện, đảm bảo công tác quản lý, tránh việc do luật không quy định nên nhiều phương tiện tham gia giao thông không được quản lý và sự tùy tiện trong việc chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện, gây khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông và mất an ninh, trật tự, vi phạm diễn ra thường xuyên, phổ biến./.
Phạm Sơn