Thứ Bảy, 7/12/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 26/12/2023 14:24'(GMT+7)

Để nhân dân tiếp cận tốt nhất với mạng lưới dịch vụ chăm sóc xã hội

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định, trên thế giới, 2023 là năm đầy sóng gió, thách thức vượt cả dự báo. Sự đứt gãy chuỗi sản xuất, suy giảm đơn hàng, xung đột và những bất ổn về an ninh lương thực, an ninh năng lượng đang gây những tác động kép tới nền kinh tế toàn cầu, khiến những bước phục hồi sau đại dịch COVID-19 rất chậm chạp. Tại Việt Nam, tình trạng phải nghỉ giãn việc, giảm việc của người lao động đã xuất hiện từ quý IV/2022 và kéo dài suốt năm nay. Trong bối cảnh đó, từ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ ngành, và toàn dân, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Theo lãnh đạo Chính phủ, đối với lĩnh vực xã hội, Việt Nam là điểm sáng được quốc tế ghi nhận trong cuộc chiến chống đói nghèo. Việt Nam tăng nhiều bậc trong bảng xếp hạng những quốc gia tham gia các chỉ số đánh giá về phát triển xã hội.

Phó Thủ tướng nhắc lại việc tổng kết Nghị quyết số 15-NQ/TW về chính sách xã hội của Ban Chấp hành Trung ương về chính sách an sinh xã hội, từ đó Trung ương tiếp tục ban hành Nghị quyết 42-NQ/TW về vấn đề chính sách xã hội trong tình hình mới, chuyển đổi từ việc thực hiện chính sách xã hội đảm bảo và ổn định sang ổn định và phát triển.

Năm nay, Việt Nam đưa được 150.000 lao động đi nước ngoài, bằng rất nhiều biện pháp, giải pháp. Việc này góp phần quan trọng với nhiệm vụ đảm bảo công ăn việc làm cho người dân. Tỷ lệ lao động qua đào tạo được nâng lên 68% cũng là một con số ấn tượng.

Về nhiệm vụ năm 2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gợi ý Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tham mưu Chính phủ chương trình hành động triển khai Nghị quyết 42-NQ/TW của Trung ương. Đặc biệt là quan tâm đến những vấn đề, thách thức, khó khăn đặt ra và có phân công và lộ trình để sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống, đồng thời thể chế hoá các quan điểm, chủ trương, nghị quyết trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) thông qua vào Kỳ họp thứ 7 và Luật Việc làm (sửa đổi) lấy ý kiến vào Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.

Chú thích ảnh
Đoàn Chủ tịch điều hành hội nghị. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần sớm tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật về tiêu chuẩn lao động, quan hệ lao động, việc làm, an sinh xã hội hợp với tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và các cam kết trong FTA thế hệ mới; giải quyết các vấn đề trong quan hệ với người sử dụng lao động và người lao động, đối thoại, thương lượng tập thể…

Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chú trọng bám sát nhu cầu thị trường lao động, trong đó có sàn giao dịch việc làm quốc gia để bộ theo dõi, đánh giá, cập nhật, nắm được cung và cầu.

Thời điểm quý I/2024, dự kiến Thủ tướng sẽ dự khởi công khai trương sàn giao dịch việc làm quốc gia. Qua đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ chuyển đổi số toàn diện nhất trong số các bộ ngành khi có sàn giao dịch điện tử này. Đây là sàn giao dịch lao động - việc làm quốc gia, phục vụ yêu cầu phát triển đất nước. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng được giao chủ trì hoàn thành khung chính sách quốc gia và chiến lược thích ứng quá trình già hóa và mất cân bằng giới trong dân số, Phó Thủ tướng đề cập.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đóng vai trò hạt nhân trong chỉ đạo, tổ chức, thực hiện chính sách ưu đãi về người có công với cách mạng. Thời gian tới cần nghiên cứu, tham mưu, hoàn thiện mức chuẩn trợ cấp, cung cấp ưu đãi, hướng tới mức ưu đãi cao nhất trong các chính sách xã hội. Ngành chức năng đang gấp rút bổ sung hồ sơ và hoàn thiện tiêu chuẩn cho người có công.

Ngành cũng cần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mở rộng, khuyến khích người lao động, người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội; hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân, khắc phục tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, cần có chế tài tốt hơn đặc biệt trong việc thanh tra, kiểm tra với việc trốn, chậm đóng bảo hiểm xã hội…

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, năm 2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục triển khai hệ thống dịch vụ xã hội, đa dạng, đa tầng, liên thông, chuyên nghiệp đáp ứng cơ bản, tăng khả năng tiếp cận với các nhóm đối tượng nhất là công nhân, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào di cư tự do, đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng động ngũ nhân viên làm công tác xã hội có hiểu biết pháp luật, có phẩm chất đạo đức, tận tâm, chuyên nghiệp, thúc đẩy xã hội hoá phát triển mạng lưới dịch vụ chăm sóc xã hội.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao Huân chương Lao động cho các tập thể, cá nhân xuất sắc. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

"Hiện nay chúng ta làm rất tốt việc hỗ trợ những người có hoàn cảnh không may mắn. Nhưng trên thực tế, công việc vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Phải làm sao để các đối tượng tiếp cận được với mạng lưới dịch vụ chăm sóc xã hội một cách tốt nhất", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, với phương châm đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển, toàn ngành phấn đấu hoàn thành năm 2024 với kết quả cao hơn năm 2023, đặc biệt phấn đấu hoàn thành 3 chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Đó là, tỷ lệ thất nghiệp dưới 4%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt gần 69%, trong đó lao động được cấp chứng chỉ, bằng cấp đạt 28%; giảm nghèo đạt chuẩn đa chiều trên 1%. Đồng thời hoàn thành 16 chỉ tiêu ngành đạt ra, tinh thần không có chỉ tiêu nào không làm.

Để làm được việc này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, trước hết sẽ tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42-NQ/TW của Trung ương, toàn ngành sẽ tổ chức học tập chuyên đề, đặc biệt 5 quan điểm mới, 6 nội dung, 11 nhiệm vụ, 3 đột phá. Ngành cũng sẽ tham mưu cho Chính phủ ban hành chương trình hành đồng phát triển của cơ quan điều hành đất nước. Đồng thời hoàn thành các chỉ tiêu về xây dựng thể chế, trọng tâm là trình Quốc hội thông qua Luật bảo hiểm xã hội, Luật việc làm sửa đổi.

Năm 2024, toàn ngành cũng tập trung xây dựng thị trường lao động ổn định, linh hoạt, đa chiều, phát triển bền vững. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng thị trường lao động đặc biệt những vấn đề mới như chip, bán dẫn, thị trường tín chỉ carbon…

Phát triển hệ thống an sinh xã hội bao trùm, đa dạng, nâng cao khả năng tiếp cận của các nhóm đối tượng, nhất là người yếu thế, dân tộc thiểu số. Trong đó, chú trọng 3 vấn đề, vừa phòng ngừa, khắc phục vừa thích ứng rủi do hướng tới xây dựng lưới an sinh bao trùm, bền vững, mọi người đều được tham gia và thụ hưởng thành quả xã hội. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên lĩnh vực người có công và xã hội để hoàn thiện hệ thống cơ sở an sinh xã hội trên tất cả lĩnh vực. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật về lao động, người có công với xã hội, siết chặt kỉ cương hành chính, đẩy mạnh phân cấp phân quyền đi đôi với cá thể hóa trách nhiệm cá nhân và tập thể.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

"Toàn ngành khắc phục hiệu quả tình trạng né tránh, đùn đẩy, thấy khó thì né, phức tạp thì đùn đẩy để làm sao thực thi hiệu quả chính sách, người dân được thụ hưởng", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất