Thứ Ba, 8/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Bảy, 22/7/2017 10:23'(GMT+7)

Ðể văn học phụng sự nhân dân, đất nước

Ngày 10-10-1966, tại câu lạc bộ Ðoàn Kết, 200 văn nghệ sĩ Thủ đô đã nhóm họp thành lập “Chi hội Văn nghệ Hà Nội”. Năm 1968, Chi hội đổi tên là Hội Văn nghệ Hà Nội, ngày ấy đã tập hợp những nhà văn, nghệ sĩ lớn mà tên tuổi, tác phẩm của họ được cả nước và bạn bè quốc tế biết đến như Tô Hoài, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Tuân, Anh Thơ, Trần Huyền Trân, Võ An Ninh, Kim Lân, Hồ Bắc, Bằng Việt,…

Tại Ðại hội 7 tổ chức vào tháng 12-1990, Hội Văn nghệ Hà Nội nâng lên thành Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật (VHNT) Hà Nội, các phân hội đổi tên thành các Hội chuyên ngành như hiện nay. Từ 200 hội viên sáng lập, đến nay Hội Liên hiệp VHNT đã có hơn 3.200 hội viên. Riêng Hội Nhà văn Hà Nội có 644 hội viên; trong đó có đến một nửa là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức Ðại hội 11 nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, thời kỳ cả nước tiến bước trên con đường hội nhập đã tiếp thêm cho các nhà văn lòng tự hào về Thủ đô nghìn năm văn hiến. Ðến nay Hội Nhà văn Hà Nội đã trải qua một chặng đường hoạt động sôi nổi, ấn tượng, sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị. Ðội ngũ nhà văn Hà Nội đủ mọi lứa tuổi, từ các bậc cao niên đến thế hệ chủ lực vắt từ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sang thời kỳ Ðổi mới, cùng một thế hệ trẻ sung sức ra đời và trưởng thành trong Ðổi mới. Các nhà văn đã bám sát hiện thực, phản ánh một cách sâu sắc, chân thực hơn con người và cuộc sống. Chất liệu văn học, cách thức biểu hiện phong phú đa dạng, có sự kế thừa, tiếp thu, đổi mới.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, lần đầu tiên, Hội đã tổ chức sinh hoạt nghiệp vụ đều kỳ vào các ngày mùng 10 hằng tháng; tổ chức thành công nhiều trại viết, nhiều chuyến đi thực tế và tham quan du lịch bổ ích; duy trì chất lượng cao của Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội. Ðặc biệt, Hội đã tổ chức thành công Hội nghị những người viết văn trẻ Hà Nội lần thứ hai vào năm 2015. Nhiều hội viên Hội Nhà văn Hà Nội đã giành được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT và các giải thưởng cao quý khác trong nước và nước ngoài. Các thế hệ những người viết văn Hà Nội đã có nhiều đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô, góp phần quan trọng làm nên thành tựu chung của nền văn học cả nước.

Thực tế, xã hội hiện nay đang đặt ra trước các nhà văn Hà Nội nhiều thuận lợi và thách thức. Chương trình 04-Ctr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020" không chỉ là định hướng mà còn là việc bố trí nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ “Chú trọng phát triển văn học, nghệ thuật trên nền tảng kế thừa, phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng của Thủ đô”. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin cho phép nhà văn nhanh chóng tiếp thu được những tinh hoa lý luận văn nghệ và thông tin trên toàn thế giới mà các nhà văn trước đây không có được.

Một trong những thách thức lớn hiện nay là cách đánh giá và thưởng thức VHNT, buộc phải cạnh tranh và thay đổi để phù hợp với thị hiếu đa dạng, phong phú của các tầng lớp người đọc, vừa phải thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ người cầm bút. Chưa kể, công chúng bị chia sẻ và không còn thuần nhất, tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường khiến cho người cầm bút không dễ hoạt động văn học như một hoạt động vô tư, mang tính cống hiến cao cả. Văn chương nước ta dù đạt nhiều thành tựu trong chiến tranh cũng như trong suốt mấy chục năm từ sau ngày thống nhất đất nước, nhưng trên nhiều mặt, còn cách biệt với khu vực và thế giới. Nhiều năm nay, Hội Nhà văn Hà Nội gặp không ít khó khăn, thậm chí có phần rơi vào tình trạng nghiệp dư hóa, đông mà không mạnh, chưa đủ độ tinh và sâu.

Làm thế nào để văn học có giá trị thúc đẩy, kích thích các phong trào cách mạng, đổi mới và hội nhập, để đạt được các chỉ tiêu kinh tế xã hội đã đặt ra cho mỗi thời kỳ? Làm thế nào để văn học là liều thuốc bổ làm sức khỏe tinh thần dân tộc ngày một cường tráng? Làm thế nào để văn học góp phần căn bản hình thành con người tốt, quan hệ xã hội tốt, bảo đảm được sự phát triển bền vững của đất nước?... Ðó là những câu hỏi lớn cho các nhà văn nói chung, cho các nhà văn Hà Nội nói riêng mà Ðại hội 12 sắp tới phải nỗ lực tìm cách trả lời, từng bước tìm ra cách đáp ứng hữu hiệu.

Thuận lợi và khó khăn ấy cũng đồng thời là thử thách với các nhà văn Hà Nội. Họ cần biết đốt cháy mình trong tình yêu Tổ quốc. Là nhà văn tức là phải lao động bền bỉ, hết mình, lao động vận dụng chất xám và cảm xúc từng phút sống, nuôi dưỡng niềm tin vững chắc vào cái đẹp, không mơ hồ, lung lạc, chứ không phải cứ cầm thẻ nhà văn là nghiễm nhiên thành nhà văn.

Nguyễn Sỹ Đại/Nhân dân

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất