(TG) - Người bán hàng chia hàng theo gói và bọc sẵn, khách hàng chỉ cần ra dấu số lượng, người bán báo giá và hai bên trao đổi, mua bán nhanh gọn và hạn chế tiếp xúc, hạn chế được nguy cơ dịch bệnh.
Mô hình bán hàng theo combo (bán hàng theo gói) được triển khai mạnh ở Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương đang giãn cách xã hội, giúp cung ứng hàng hóa thiết yếu đến với người tiêu dùng nhưng vẫn đảm bảo giãn cách, hạn chế tiếp xúc và nguy cơ dịch bệnh.
Đây cũng là mô hình Bộ Công Thương đề xuất đẩy mạnh triển khai thời gian tới để giữ an toàn cho kênh phân phối.
Thời gian qua, loạt chợ truyền thống, siêu thị ở Thành phố Hồ Chí Minh đã hoạt động trở lại giúp người dân thoải mái hơn khi mua sắm lương thực, thực phẩm thiết yếu. Thế nhưng, nhiều đơn vị đã thay đổi cách thức bán hàng, tăng cường biện pháp phòng dịch.
Sau nhiều lần mở rồi lại đóng, chợ Bình Quới đã thay đổi theo hướng chỉ mở ngoài trời và cho 15 tiểu thương kinh doanh thực phẩm thiết yếu như cá thịt, rau củ, trái cây bán theo combo; mỗi tuần đều xét nghiệm COVID-19 cho tiểu thương.
Tại các gian hàng, tiểu thương sẽ phân hàng theo gói và đóng bọc sẵn. Khách mua chỉ cần ra dấu số lượng, tiểu thương báo giá rồi đưa hàng. Cách này vừa mua bán nhanh gọn, vừa hạn chế tiếp xúc, hạn chế được nguy cơ dịch bệnh.
Cùng với chợ truyền thống, các siêu thị, kênh phân phối hiện đại cũng gia tăng nhiều hình thức bán hàng mới. Chẳng hạn như tại hệ thống cửa hàng GS 25 đã bổ sung nhóm thực phẩm tươi sống vào danh mục kinh doanh và đã giới thiệu 5 combo mức giá từ 100.000-400.000 đồng.
Hay tại Công ty VinCommerce (chủ hệ thống Vinmart, Vinmart+) đề xuất giải pháp cung cấp hàng thiết yếu theo hình thức combo mua chung.
Ngoài ra, hệ thống siêu thị MM Mega Market đã đưa vào kinh doanh 8 mẫu combo trên website của 3 siêu thị ở Thành phố Hồ Chí Minh. Sau một thời gian triển khai, mỗi ngày hệ thống này nhận hơn 200 đơn đặt hàng.
Đặc biệt tại Đà Nẵng, địa phương mới bắt đầu thực hiện giãn cách, để đẩy nhanh tốc độ giao hàng, các siêu thị như Coopmart Đà Nẵng, Big C Đà Nẵng cũng thực hiện bán hàng theo combo.
Theo đó, Coopmart Đà Nẵng chuẩn bị sẵn 4 gói combo gồm thịt và rau củ quả theo các mức giá từ rẻ tới giá trung bình, giá cao, dao động từ 100.000-130.000-150.000-200.000-250.000 đồng/combo.
Đây là cách làm mới, rút kinh nghiệm từ đợt phong tỏa trước đây khi mỗi người dân đặt một đơn hàng khác nhau gây chậm trễ việc giao hàng; đồng thời, để đáp ứng nhu cầu gia tăng, siêu thị cũng tăng tối đa nguồn cung hàng hóa, đặc biệt là hàng tươi sống.
Về việc tổ chức mua bán, các tổ dân phố sẽ tổng hợp danh sách hộ cần mua theo loại combo lên phường và quận để gửi về siêu thị.
Sau đó, các quận sẽ tổ chức lực lượng nhận hàng chuyển cho các phường để đưa xuống phân phối cho người dân, mỗi hộ sẽ được đặt mua 2 lần trong 1 tuần. Với cách làm này siêu thị có thể chuẩn bị được 1.000-1.500 đơn hàng mỗi ngày.
Đợt này, siêu thị sẽ chỉ ưu tiên cung ứng hàng tươi sống và rau củ, không bao gồm các loại đồ hộp, đồ khô.
Theo Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương, sau quá trình khảo sát thực tế một số doanh nghiệp phân phối như Saigon Co.op đang gặp khó khăn do chi phí tăng do chi phí lao động, xét nghiệm, giao hàng.
Hơn nữa, trong khi kinh tế khó khăn làm người dân thắt chặt chi tiêu, hầu hết chỉ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, nhất là nhóm hàng thực phẩm tươi sống có tỷ lệ lãi gộp thấp nhất trong các ngành hàng đang có mặt tại Saigon Co.op khiến tổng doanh thu và lãi gộp bán hàng giảm mạnh.
Không những thế, doanh thu còn bị gián đoạn do hàng loạt siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh phải đóng cửa liên tục khi xuất hiện ca nhiễm COVID-19.
Bên cạnh các hình thức cung ứng hàng hóa đang thực hiện, Saigon Co.op đang triển khai thêm phương án phối hợp thực hiện đặt mua theo combo, mua chung và cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các khu vực dân cư phong tỏa, cách ly y tế.
Thời điểm đặt hàng có thể chia thành nhiều ngày trong tuần, ưu tiên nhận hàng tập trung tại các điểm bán hàng của Saigon Co.op hoặc giao trực tiếp tại một điểm tập kết hàng hóa theo hướng dẫn của cơ quan chính quyền địa phương.
Trước những hiệu quả từ mô hình này cùng với những kiến nghị của các kênh phân phối, Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các Sở Công Thương tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố đề nghị chính quyền quận, huyện, đơn vị chức năng phối hợp với các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn, nhân rộng hình thức bán hàng theo “combo,” đặt mua hàng chung cho các khu vực dân cư nhằm hạn chế tiếp xúc trực tiếp, giải quyết vấn đề thiếu shipper giao hàng, chủ động nguồn cung trong tình hình hiện nay./.
Uyên Hương