Chiều 10/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Hội thảo góp ý về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại Kỳ họp thứ 5, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) với số điều sửa đổi, bổ sung lớn, phạm vi sửa đổi toàn diện các nhóm chính sách nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhà ở, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.
Việc Quốc hội xem xét, cho ý kiến đồng bộ dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) cùng với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5 và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tính khả thi của các quy định và sự vận hành thông suốt khi luật có hiệu lực thi hành.
Theo ông Hoàng Thanh Tùng, ngay sau Kỳ họp thứ 5, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan để nghiên cứu tiếp thu và chỉnh lý một bước dự thảo Luật. Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật cũng tổ chức giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, vận hành và cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, tổ chức các hội thảo góp ý về dự thảo Luật.
Tại hội thảo, các đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở; việc phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở; quy định về nhà ở xã hội... nhằm hoàn thiện dự thảo Luật.
Theo bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dự thảo Luật có nhiều quy định liên quan đến hoạt động lựa chọn chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, một số quy định chưa thực sự rõ ràng và dường như ít có sự liên kết với pháp luật về đầu tư. Dự thảo không có quy định nào phân định rõ trong quy trình đầu tư dự án xây dựng nhà ở, những quy định nào sẽ áp dụng theo Luật Đầu tư, những quy định nào sẽ áp dụng theo quy định pháp luật nhà ở. Điều này có thể khiến hệ thống pháp luật trở nên thiếu thống nhất và khiến cho nhà đầu tư gặp vướng trong quá trình áp dụng thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng cũng cho rằng, một số quy định vẫn chưa đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản có liên quan. Cụ thể, về trách nhiệm của chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại (Điều 41), dự thảo Luật quy định “Trong thời hạn tối đa 3 tháng, kể từ ngày bàn giao nhà ở cho người mua hoặc kể từ thời điểm bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền theo thỏa thuận thì phải nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho người mua, người thuê mua nhà ở, trừ trường hợp người mua, thuê mua tự nguyện làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận”. Trong khi đó, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) lại quy định thời hạn này là 50 ngày kể từ ngày bàn giao nhà ở cho người mua hoặc kể từ thời điểm bên thuê mua nhà ở đã thanh toán đủ tiền theo thỏa thuận.
Các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung khá toàn diện các quy định liên quan đến nhà ở xã hội; đảm bảo tính thống nhất giữa quy định về nhà ở xã hội với các quy định chung về nhà ở, tính thống nhất với các Luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đầu tư.
Nhằm khắc phục một số vướng mắc, bất cập trong quy định hiện hành, dự thảo Luật đã bỏ quy định về việc dành tỷ lệ 20% diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị để làm nhà ở xã hội và tỷ lệ 20% nhà ở trong dự án nhà ở xã hội để cho thuê.
Một số ý kiến cho rằng, quy định về đối tượng hưởng chính sách về nhà ở xã hội cần sửa đổi theo hướng mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội (được thuê, thuê mua, mua) với tiêu chí đơn giản, dễ nhận biết, giảm tối đa các yêu cầu về giấy tờ, thủ tục hành chính như tình trạng chỗ ở, mức thu nhập… Theo đó, cần tính toán kỹ chính sách nhà ở cho các đối tượng khác nhau như người có thu nhập thấp ở đô thị và nông thôn, người thuộc diện tái định cư, lực lượng vũ trang, người lao động, sinh viên…, xây dựng tiêu chí phù hợp, cụ thể, bình đẳng.
Về vay vốn ưu đãi, do khả năng chi trả thực của người có thu nhập thấp rất hạn chế, vì thế, các đại biểu lưu ý, cần có những chính sách hỗ trợ về tín dụng hiệu quả hơn nữa để có thể tăng khả năng thanh khoản cho phân khúc nhà ở mang tính chiến lược quốc gia này. Chính sách ưu đãi tín dụng cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội nên được duy trì ở mức vay với lãi suất thấp 4,8 - 5%/năm và được vay dài hạn tối đa 25 - 30 năm...
Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đề xuất cần xem xét mở rộng đối tượng được thụ hưởng nhà ở xã hội, đặc biệt là đối tượng thu nhập trung bình thấp. Ngoài ra, dự thảo Luật nên bỏ quy định điều kiện để được mua, thuê mua nhà ở xã hội là phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương. Cho rằng quy định này phức tạp, gây ra nhiều yêu cầu về giấy tờ, thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến người dân, Tiến sỹ Cấn Văn Lực phân tích, để mua được nhà ở xã hội, người mua phải xin xác nhận bên Tổng cục Thuế rằng mình không phải đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân, rất phức tạp. Ông Lực cho rằng, dự thảo Luật nên quy định theo hướng người được mua, thuê mua nhà ở xã hội là những người có mức thu nhập dưới mức phải nộp thuế.
Phan Phương (TTXVN)