Thứ Ba, 3/12/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 30/7/2016 14:46'(GMT+7)

Đề xuất quy định về xóa nợ thuế tháo gỡ khó khăn của DN

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bộ Tài chính cho biết, Theo Bộ luật Dân sự, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép; trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền hoặc nghĩa vụ dân sự của mình.

Theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, từ ngày 1/1/2011 nếu người nộp thuế chưa được thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản sẽ được gia hạn thời hạn nộp thuế tối đa 1 năm và trong thời gian này không phải tính tiền chậm nộp. Do đó, đối với những trường hợp chưa được Nhà nước thanh toán khác (phát sinh trước ngày 1/1/2011; công trình kéo dài trên 1 năm đến nay chưa được Nhà nước thanh toán hoặc thanh toán muộn hơn thời gian gia hạn; công trình sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước;...) tiếp tục gặp khó khăn vì vẫn phải tính chậm nộp thuế do Nhà nước chưa thanh toán.

Căn cứ các quy định trên, để phù hợp với thực tế, tại dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất xóa nợ tiền chậm nộp thuế đối với doanh nghiệp cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn chi từ ngân sách nhà nước nhưng chưa được Nhà nước thanh toán.

Theo Bộ Tài chính, số tiền chậm nộp đề nghị xóa tính đến 31/12/2015 là 542,525 tỷ đồng.

Xóa nợ, khoanh nợ thuế với người nộp thuế đã giải thể, phá sản

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất quy định xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với người nộp thuế đã giải thể, phá sản hoặc bỏ kinh doanh.

Cụ thể, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định xóa nợ, khoanh nợ những trường hợp này trên cơ sở đề nghị của cơ quan thuế sau khi phối hợp với cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh và UBND cấp xã, phường nơi có địa chỉ đăng ký kinh doanh xác minh doanh nghiệp, tổ chức không còn hoạt động, hoặc không còn ở địa chỉ kinh doanh và đã thực hiện cưỡng chế nợ thuế theo quy trình quản lý nghiệp vụ thuế.

Trường hợp người sáng lập doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của tổ chức được xóa nợ, khoanh nợ tiếp tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh khác thì cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh cấp mã số kinh doanh sau 2 năm kể từ thời điểm giải thể, phá sản (theo xác minh của các cơ quan liên ngành nêu trên).

Xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của hộ, cá nhân kinh doanh đã bỏ kinh doanh trước ngày 1/1/2014 và khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của hộ, cá nhân kinh doanh đã bỏ kinh doanh trong giai đoạn từ ngày 1/1/2014 đến ngày 31/12/2015.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định xóa nợ, khoanh nợ trên cơ sở đề nghị của cơ quan thuế sau khi phối hợp với cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh, UBND cấp xã, phường nơi có địa chỉ đăng ký kinh doanh và Hội đồng tư vấn thuế xã, phường xác minh hộ, cá nhân kinh doanh đã bỏ kinh doanh và đã thực hiện cưỡng chế nợ thuế theo quy trình quản lý nghiệp vụ thuế.

Thẩm quyền xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thực hiện theo quy định tại khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế số 21/2012/QH13./.

Theo Chinhphu.vn


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất