Thứ Bảy, 21/9/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 8/3/2009 11:37'(GMT+7)

Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản được khống chế

Hiện nay, cả nước có bảy tỉnh: Khánh Hòa (16 ngày), Hậu Giang (11 ngày), Quảng Ninh (9 ngày), Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Ðiện Biên có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày. Về dịch lở mồm long móng (LMLM), cả nước còn  chín tỉnh: Hòa Bình (18 ngày), Phú Thọ (18 ngày), Nghệ An, Quảng Ninh (16 ngày), Quảng Nam (15 ngày), Quảng Ngãi (12 ngày), Cần Thơ (11 ngày), Bắc Cạn và Kon Tum có dịch chưa qua 21 ngày. Về dịch tai xanh trên lợn, cả nước còn ba tỉnh: Bạc Liêu (9 ngày), Quảng Ninh và Quảng Nam có dịch chưa qua 21 ngày.

Tỉnh Thanh Hóa đầu tư hai tỷ đồng hỗ trợ kinh phí lưu giữ đàn giống lợn và gia cầm cho các đơn vị, trang trại chăn nuôi.  Theo đó, tổng kinh phí lưu giữ đàn lợn giống ông bà gồm 1,762 tỷ đồng được hỗ trợ cho tám đơn vị là các công ty sản xuất lợn giống, hợp tác xã chăn nuôi và trang trại của cá nhân với số lượng 1.400 con lợn giống. Từ nguồn hỗ trợ này các đơn vị chăn nuôi sẽ có điều kiện bảo vệ, lưu giữ đàn giống gốc, nhân nhanh tổng đàn lợn và gia cầm trên địa bàn.

Ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum đã bước đầu khống chế  được  dịch  LMLM. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh công bố hết dịch ở hai huyện Ðác Tô và Ngọc Hồi. Ngành thú y vận động người dân mang gia súc giấu ở nương, rẫy  về, để có phương pháp khoanh vùng, đồng thời thực hiện các phương pháp chữa trị lâu dài. Những gia súc này sẽ được đóng dấu, tiêm vắc-xin liên tục trong hai năm, không cho phép mua bán, di chuyển ra khỏi địa bàn.

Mặc dù, UBND tỉnh Quảng Nam đã nghiêm cấm việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn và các sản phẩm từ lợn trong vùng dịch, nhưng hiện nay tại rất nhiều nơi  thịt lợn vẫn được bày bán tràn lan... Hiện trên địa bàn tỉnh dịch bệnh tai xanh đã xảy ra tại 20 xã của các huyện Ðiện Bàn, Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên, với 1.287 con lợn mắc bệnh, 1.185 con đã tiêu hủy. Tỉnh đang khẩn trương triển khai các biện pháp ngăn chặn, phòng, chống. Tại các vùng có dịch lực lượng thú y đã lập các chốt kiểm dịch tạm thời, trực 24/24 giờ, xây dựng các biển báo, hố khử trùng, hướng dẫn đi lại tránh vùng dịch...

UBND tỉnh Khánh Hòa  thành lập các trạm kiểm dịch động vật tạm thời, nhằm tăng cường việc phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản đang diễn biến phức tạp trên địa bàn. Các lực lượng chức năng thành lập hai trạm kiểm dịch động vật tạm thời trên quốc lộ 1A xã Vạn Thọ (Vạn Ninh) và xã Cam Thịnh Ðông (thị xã Cam Ranh), hoạt động 24/24 giờ hằng ngày, nhằm kiểm soát chặt chẽ tình trạng mua bán, vận chuyển và xử lý kỹ thuật đối với gia súc, gia cầm cùng các loại thủy sản, lưu thông trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Bạc Liêu đã có 9 ấp, 4 xã của hai huyện Giá Rai và Phước Long có dịch cúm gia cầm, nhưng tỉnh chỉ mới công bố dịch cúm gia cầm tại xã Vinh Phú Ðông, huyện Phước Long. Tại địa phương có dịch, người nuôi giấu vịt  ngoài đồng, không đưa đi tiêm  vắc-xin phòng bệnh, khi thấy vịt  chết hàng loạt mới báo cáo với chính quyền. Ðể phòng ngừa dịch bệnh lây lan, các địa phương từng có ổ dịch cũ và dịch mới phát sinh trong tỉnh đã được cấp đủ lượng thuốc cần thiết để tổ chức tiêm phòng và làm vệ sinh tiêu độc, khử trùng, đồng thời lập chốt kiểm soát ngăn chặn việc vận chuyển, mua bán gia cầm trên địa bàn.

Theo ND
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất