Thứ Hai, 25/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 13/5/2020 9:0'(GMT+7)

Dịch COVID-19: Thế giới đã có gần 300.000 trường hợp tử vong

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở New York, Mỹ, ngày 11/5 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở New York, Mỹ, ngày 11/5 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tính đến 8 giờ sáng 13/5 (giờ Việt Nam), thống kê trên trang mạng worldometers.info thế giới ghi nhận tổng cộng 4.337.625 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19; trong đó có 292.451 ca tử vong và hơn 1,59 triệu ca đã hồi phục.

Mỹ là quốc gia chịu tác động mạnh nhất với 1.408.636 ca mắc và 83.425 ca tử vong.

Sau nhiều ngày số liệu các ca nhiễm mới và tử vong tăng chậm lại, Mỹ tiếp tục ghi nhận thêm 22.802 ca nhiễm mới và 1.630 ca tử vong.

Đặc biệt, Sở Y tế New York hiện đang điều trị và tìm kiếm nguyên nhân khiến khoảng 100 trẻ em của bang miền Đông nước Mỹ mắc một hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em (pediatric multisystem inflammatory syndrome) trong độ tuổi từ 5-14, một hội chứng hiếm gặp, nhưng khá nguy hiểm được cho là có liên quan tới virus SARS-CoV-2.

Trong khi đó, Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã đề xuất một dự luật giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 trị giá hơn 3 tỷ USD nhằm hỗ trợ các tiểu bang, doanh nghiệp, hỗ trợ thực phẩm, hộ gia đình. Tuy nhiên, dự luật có thể không được Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát thông qua.

Tại khu vực Mỹ Latinh, dịch bệnh đang diễn biến mạnh. Tổ chức Bác sỹ không biên giới (MSF) cảnh báo Mỹ Latinh có thể trở thành "điểm nóng" COVID-19 tiếp theo do sự gia tăng nhanh chóng của các ca bệnh tại nhiều quốc gia trong khu vực.

MSF nhận định diễn biến dịch đang trở nên đáng quan ngại tại các nước trong khu vực như Brazil, Peru, Ecuador, Chile và Mexico, với số ca mắc và tử vong tăng mạnh theo từng ngày.

Cùng ngày, Bộ Y tế Brazil thông báo nước này đã ghi nhận thêm 881 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 12.400 người, trong khi số trường hợp mắc mới cũng tăng thêm 9.258 người, lên 177.589 ca.

Báo cáo của Bộ Y tế Brazil cho biết đây là số ca tử vong do COVID-19 trong một ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này hồi đầu tháng Ba vừa qua.

Với số ca nhiễm COVID-19 mới, Brazil cũng vượt qua Đức trở thành nước có số người nhiễm bệnh cao thứ 7 trên thế giới.

Trong khi đó, Bộ Y tế Mexico thông báo, trong vòng 24 giờ qua, đã ghi nhận số ca bệnh và tử vong do COVID-19 tăng kỷ lục ngày, với 1.997 ca mắc mới và 353 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 38.324 người, trong đó có 3.926 ca tử vong và 22.980 người nghi ngờ nhiễm bệnh.

Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) của Liên hợp quốc đánh giá sự bất bình đẳng xã hội đối với phụ nữ, người bản địa, người gốc Phi, cũng như lao động phi chính thức và người di cư sẽ khiến họ trở thành nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi đại dịch COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh.

CEPAL dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ Latinh sẽ tăng trưởng -5,3% trong năm nay và điều này sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng xã hội tồi tệ nhất ở khu vực trong nhiều thập kỷ với hàng triệu người nghèo và thất nghiệp mới, cũng như “khoét sâu” sự bất bình đẳng xã hội, đặc biệt với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa mới thông qua hơn 3,4 tỷ USD tín dụng cho 11 quốc gia trong khu vực Mỹ Latinh nhằm giảm thiểu các tác động kinh tế-xã hội do đại dịch COVID-19 gây ra.

Tại châu Âu, Tây Ban Nha thông báo sẽ hạn chế số người đến từ các nước Schengen (Khu vực đi lại tự do trong Liên minh châu Âu), đồng thời áp đặt cách ly 14 ngày đối với tất cả những người đến nước này nhằm tránh khả năng lây nhiễm mới virus SARS-CoV-2 từ những người nhập cảnh.

Tây Ban Nha bắt đầu áp đặt tình trạng khẩn cấp quốc gia từ giữa tháng Ba vừa qua để chống dịch bệnh COVID-19. Một trong những quốc gia tâm dịch của châu Âu đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế từ ngày 11/5 vừa qua và theo kế hoạch sẽ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh phong tỏa vào cuối tháng Sáu tới.

Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 12/5 công bố nước này ghi nhận thêm 1.402 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 221.216 trường hợp.

Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 tại Italy tăng lên 30.911 trường hợp (tăng 172 ca) và số ca hồi phục là 109.039 (tăng 2.452 ca).

Cơ quan trên cũng cho biết Italy hiện có 12.865 ca nhập viện với các triệu chứng, trong đó, tổng số ca phải điều trị tích cực là 952 ca, giảm 47 trường hợp.

Trong khi đó, Nga đã trở thành quốc gia đứng thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Tây Ban Nha về số ca mắc COVID-19, với 232.243 ca. Như vậy, Nga đã vượt qua cả Anh và Italy về số ca mắc COVID-19.

Mặc dù vậy, giới chức nước này cho biết số ca nhiễm mới cao - trung bình hơn 10.000 ca/ngày, cho thấy hiệu quả của chiến dịch xét nghiệm quy mô lớn, với khoảng 5,8 triệu người được xét nghiệm tính đến nay.

Tại châu Á, Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) Trung Quốc ngày 13/5 thông báo Trung Quốc đại lục đã ghi nhận thêm 7 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong ngày 12/5, tăng 1 ca so với mức tăng một ngày trước đó.

Theo NHC, trong số các ca nhiễm mới, 6 ca ghi nhận ở tỉnh Cát Lâm, Đông Bắc Trung Quốc, trong khi 1 ca ở Thượng Hải nhập cảnh từ nước ngoài.

Ngoài ra, Trung Quốc đại lục cũng xác nhận thêm 8 ca nhiễm virus không có triệu chứng trong ngày 12/5, giảm so với mức 15 ca của một ngày trước đó. Như vậy, tính đến ngày 12/5, Trung Quốc đã ghi nhận tổng cộng 82.926 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.633 ca tử vong.

Tại Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi ngày 12/5 đã công bố gói kích thích trị giá 20 nghìn tỷ rupi (khoảng 275 tỷ USD) để hỗ trợ nền kinh tế chống chọi tác động của đại dịch COVID-19 cũng như từ biện pháp phong tỏa toàn quốc kéo dài suốt 50 ngày qua.

Thủ tướng Modi cho biết gói kinh tế tương đương 10% GDP của Ấn Độ này nhằm hướng tới phong trào tự lực của Ấn Độ thông qua việc nhấn mạnh vào đất đai, lao động và các yếu tố quan trọng khác. Gói thích thích này sẽ được dành cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ, nông dân, người lao động và tầng lớp trung lưu.

Tại Đông Nam Á, Cơ quan Quản lý Thiên tai Quốc gia Indonesia (BNPB) đang tiến hành lắp đặt các phòng xét nghiệm di động tại các sân bay, cảng biển và cửa khẩu trên toàn quốc nhằm phát hiện virus.

Mẫu phòng xét nghiệm di động nói trên do Cơ quan Đánh giá và Ứng dụng công nghệ (BPPT) phát triển đạt chuẩn an toàn sinh học cấp 2 (BSL2) và có khả năng thực hiện 262 xét nghiệm PCR mỗi ngày.

Do tác động của đại dịch COVID-19 và Lệnh Hạn chế di chuyển (MCO), tỷ lệ thất nghiệp ở Malaysia tăng lên mức cao nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính thế giới 2008-2009 và dự báo tiếp tục leo thang.

Cơ quan Thống kê Malaysia vừa thông báo số người thất nghiệp ở nước này trong tháng 3/2020 tăng 17,1%, lên 610.500 người so với mức 521.300 người cùng kỳ năm ngoái. Nếu so với tổng số lao động, tỷ lệ thất nghiệp tháng Ba vừa qua đạt 3,9%, là mức cao nhất kể từ khủng hoảng tài chính thế giới 2008-2009.

Tỷ lệ thất nghiệp tháng Tư vừa qua ở Malaysia có thể tăng thêm 0,6% lên 4,5%. Dự kiến, tỷ lệ thất nghiệp năm 2020 có thể lên tới 5-6%, cao hơn nhiều so với mức 3,3% của năm 2019./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất