Thời gian qua, tại các đơn vị người lao động thường sử dụng xe mô tô cá nhân để thực hiện các công tác trong sửa chữa điện, lắp đặt công tơ... chi phí nhiên liệu do đơn vị chi trả thông qua hình thức khoán công tác phí. Đối với lực lượng công nhân sửa chữa điện, 02 người đi cùng 01 xe, người ngồi sau xe cầm sào thao tác và thang rút, hoặc thang rút được gắn phía sau xe máy bằng giá đỡ tự gia công. Đối với lực lượng công nhân treo tháo điện kế, 2 người đi 2 xe riêng, mỗi xe có gắn túi đựng để vận chuyển điện kế, hoặc các công việc khác như sửa chữa điện, mắc dây đặt điện, thay công tơ định kỳ…
Với tình trạng sử dụng phương tiện như trên, có ưu điểm là thuận tiện, linh động do sử dụng xe máy cá nhân. Tuy nhiên, cũng tồn tại một số hạn chế như: chưa thể hiện được tính chuyên nghiệp, không đồng bộ, việc bảo quản dụng cụ đồ nghề chưa đảm bảo như: thang, sào, điện kế, máy đo, dụng cụ thi công…do không có hộp đựng chuyên dụng.
Để đảm bảo an toàn, nâng cao tính chuyên nghiệp của động ngũ công nhân kỹ thuật điện về phương tiện, dụng cụ đồ nghề, đồng phục; kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, tác phong làm việc, văn hóa doanh nghiệp, tăng cường nhận diện thương hiệu…. Công ty Điện lực Tây Ninh đề xuất trang bị phương tiện nói trên, ngoài ưu điểm như đã nói còn có kích cỡ phù hợp với nhiều địa hình như: thành thị, nông thôn và vùng núi, cự ly di chuyển xa tại các tỉnh lẻ.
Về kết cấu của hai loại phương tiện như sau:
- Đối với xe mô tô dành cho nhóm công nhân vận hành (sửa chữa điện): Xe được thiết kế cơ cấu cố định để có thể gắn 01 sào thao tác dạng rút, chiều dài rút gọn chưa gắn đầu thử điện là 1,6 m, 01 thang rút chiều cao lớn nhất sau khi rút gọn là 0,9 m. Ngoài ra, hai bên hông xe được thiết kế bổ sung 2 thùng chuyên dụng nhỏ bằng vật liệu composite; các dụng cụ, đồ nghề như VOM đa năng, máy đo điện trở một chiều,… có thể để trong 02 thùng chuyên dụng này.
- Đối với xe mô tô dành cho nhóm công nhân điện kế: Cơ bản thiết kế giống như xe máy cho công nhân vận hành. Tuy nhiên, mỗi xe được bổ sung thêm 01 thùng lớn bằng composite ngay phía sau yên xe để có thể vận chuyển khoảng 20 điện kế điện tử 1 pha và 8 đến 10 điện kế điện tử 3 pha. Số lượng điện kế của 02 xe sẽ đủ cho cặp công nhân thay bảo trì, gắn mới trong 01 ngày mà không cần về kho lấy bổ sung.
- Các chức năng khác như theo dõi, định vị, ghi nhận quãng đường di chuyển, có thể giám sát thông qua ứng dụng di động trên smartphone hoặc trên máy tính để linh hoạt trong điều hành xử lý sự cố lưới điện đều thực hiện được trong khâu bảo quản phương tiện.
Trao đổi, phân tích hiệu quả,, lãnh đạo EVNSPC nhận định sự cần thiết của việc trang bị phương tiện trong hoạt động sản xuất – kinh doanh tại các Điện lực nêu trên, đề xuất của Công ty Điện lực Tây Ninh là phù hợp với mục đích “Cải thiện môi trường làm việc, giảm nhẹ sức lao động, hạn chế rủi ro cho Người lao động, nâng cao hiệu quả tuyên truyền về tính chuyên nghiệp” trong hoạt động sản xuất – kinh doanh của Tổng công ty, Tổng công ty đã chấp thuận để CTĐL Tây Ninh mua sắm trang bị 54 phương tiện cho 09 Điện lực trực thuộc, mỗi Điện lực được trang cấp 06 xe (trong đó 02 xe phục vụ sửa chữa điện, 04 xe phục vụ công tác điện kế) để sử dụng thí điểm tại đơn vị, sau thời gian sử dụng thử nghiệm 06 tháng, CTĐL Tây Ninh báo cáo hiệu quả của mô hình thí điểm đến EVNSPC vào tháng 11/2021./.
BẢO TRUNG