Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, tháng 9-12 hàng năm là những tháng cao điểm của mùa mưa bão. Từ nay đến tháng 2/2023, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 8-10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có từ 3-5 cơn khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Do vậy, công tác chủ động ứng phó với thiên tai, đặc biệt trong mùa cao điểm mưa bão là vấn đề quan trọng.
TUÂN THỦ NGHIÊM HIỆU LỆNH CỦA CHÍNH QUYỀN, THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH, ỨNG PHÓ GIẢM THIỂU THIỆT HẠI
Để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản trong mùa cao điểm mưa bão năm 2022, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến cho rằng, người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin, cập nhật tình hình thời tiết, cảnh báo thiên tai của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, nhất là khi khu vực miền Trung, nơi được dự báo là sẽ xảy ra mưa lũ dồn dập các tháng cuối năm. Người dân cần tuân thủ nghiêm hiệu lệnh của chính quyền, thực hiện các biện pháp phòng tránh, ứng phó giảm thiểu thiệt hại thông tin kịp thời chính xác tình trạng nguy hiểm khi cần cứu hộ cứu nạn.
Người dân chủ động quan sát những thay đổi xảy ra xung quanh khu vực sinh sống ví dụ như khi có dấu hiệu nước sông suối chuyển màu đục, cây cối nghiêng ngả, vết nứt trên tường nhà,… nhanh chóng di dời khỏi khu vực nguy hiểm, tìm nơi tránh trú an toàn và thông báo cho chính quyền địa phương và hàng xóm để có thể được hỗ trợ kịp thời… Đồng thời, người dân các địa phương cần tự chủ động trang bị các kiến thức, kỹ năng, tham gia tích cực vào các hoạt động tập huấn, diễn tập về phòng, chống thiên tai.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tiếp tục duy trì nghiêm chế độ ứng trực 24/24, thông tin tuyên truyền thông phạm vi toàn quốc, sẵn sàng điều động lực lượng, phương tiện của các bộ, ngành và địa phương ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Cùng với đó, Văn phòng thường trực chỉ đạo các địa phương rà soát kỹ phương án ứng phó thiên tai trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ) phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể, tổ chức diễn tập theo phương án, kịch bản được phê duyệt; chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị chuyên dùng phục vụ ứng phó thiên tai, tổ chức thông tin truyền thông, nâng cao năng lực cho cán bộ theo hướng chuyên trách, học tập kinh nghiệm quốc tế trong các hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai...
CÁC ĐỊA PHƯƠNG LÊN KỊCH BẢN PHƯƠNG ÁN PHÒNG, TRÁNH, ỨNG PHÓ VỚI MƯA LŨ
Mùa mưa bão năm nay đang cận kề, thực hiện phương châm "Chủ động phòng, tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, có hiệu quả", Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên- Huế đã chủ động triển khai các phương án "đón đầu" lụt, bão, sẵn sàng xử trí tình huống, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Thừa Thiên- Huế là tỉnh có địa hình dài và hẹp, được hình thành bởi vùng núi cao, vùng trung du và vùng đồng bằng, ven biển; địa hình bị chia cắt bởi nhiều con sông, suối. Trên địa bàn tỉnh có hàng chục hồ, đập có dung tích từ 500.000m3 trở lên và các hồ thủy điện lớn như Bình Điền, A Lưới, Hương Điền, Tả Trạch; vùng đầm phá ven biển có diện tích 22.000 ha... Do vậy, về mùa mưa bão thường xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, ngập úng, lốc xoáy, xâm thực bờ biển... gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân....
|
Thượng tá Phan Thắng - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: " Để đối phó với những diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết, trước mùa mưa bão năm nay, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, chuẩn bị lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Tổ chức hiệp đồng với các Sở, Ban, ngành chức năng, và các đơn vị đóng quân trên địa bàn nhằm thống nhất phương án, sẵn sàng xử lý các tình huống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra".
Cũng theo Thượng tá Phan Thắng, trên cơ sở kế hoạch, phương án đã được xây dựng từ trước, Bộ CHQS tỉnh, Ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc đã tiến hành khảo sát thực tế địa bàn, trong đó tập trung các vùng trọng điểm thường xảy ra ngập lụt, lũ quét, lũ ống, các hồ đập, đầm phá để kịp thời điều chỉnh kế hoạch, phương án sát với thực tế nhằm chủ động phòng, tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả khi xảy ra lụt, bão. Bộ CHQS tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương lập phương án chi tiết sẵn sàng sơ tán nhân dân, bảo đảm an toàn về người và tài sản.
Ngoài ra, với vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của địa phương, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác giáo dục, quán triệt đến 100% CBCS trong toàn lực lượng vũ trang tỉnh nhận thức rõ trách nhiệm của mình và coi đây là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình. Từ cơ quan Bộ chỉ huy đến các đơn vị cơ sở luôn duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; theo dõi sát diễn biến của tình hình mưa lũ.
Khi có bão, lụt, Ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp cử cán bộ xuống từng địa phương, cùng với Ban CHQS xã, phường, thị trấn bám sát phương châm "4 tại chỗ" triển khai phương án phòng, chống lụt bão, không để bị động, bất ngờ. Đồng thời chỉ đạo Ban chỉ huy quân sự 9 huyện, thị, thành và các đơn vị trực thuộc tổ chức luyện tập các phương án phòng chống bão lụt, phân công, phân nhiệm lực lượng về các địa bàn trọng điểm, tổ chức lực lượng canh trực 24/24 giờ, kiểm tra, đăng ký các phương tiện xe máy, tàu, thuyền trên địa bàn. CBCS BCH Quân sự tỉnh trực 100% quân số sẵn sàng cơ động phòng chống bão lụt.
Thượng tá Nguyễn Văn Chương - Chỉ huy trưởng Ban CHQS H.Phú Vang chia sẻ: "Thực hiện chỉ đạo của Bộ CHQS tỉnh, Ban CHQS huyện đã tham mưu, chỉ đạo các cơ sở lựa chọn các trường học, công sở và nhà dân từ 2 tầng trở lên được xây dựng chắc chắn, ở nơi cao ráo để hiệp đồng với các cơ quan, đơn vị, động viên các gia đình tạo điều kiện để người dân trú ẩn khi lũ lụt, bão lớn. Đồng thời tổ chức rà soát, quản lý chặt các đối tượng làm ăn trên sông, biển; người già yếu, bệnh tật, già đình neo đơn, trẻ em dưới 6 tuổi, phụ nữ mang thai để khi xảy ra bão, lụt ưu tiên di chuyển trước nhằm bảo đảm an toàn".
Xác định công tác tập huấn, huấn luyện là khâu then chốt quyết định chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Hàng năm, Bộ CHQS tỉnh đã cử cán bộ tham gia tập huấn công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng lái tàu, xuồng cao tốc, lực lượng kiêm nhiệm phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn do Bộ và Quân khu tổ chức. Cùng đó, Bộ CHQS tỉnh mở các lớp tập huấn về nghiệp vụ cứu hộ, cứu nạn cho cán bộ và chỉ huy trong toàn LLVT tỉnh...
Phó Chánh Văn phòng chuyên trách, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai Quảng Văn Việt cho biết, để chủ động ứng phó trong mùa cao điểm mưa bão (từ tháng 9-12), tỉnh rà soát, điều chỉnh kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2022 phù hợp với diễn biến thời tiết và khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng; nắm chắc số lượng các hộ nằm trong vùng nguy hiểm, chủ động hướng dẫn di dời; sẵn sàng lực lượng, phương tiện... chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra. Tỉnh đã chỉ đạo cắm gần 300 biển cảnh báo tại các vị trí có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét và trên các ngầm tràn…, hạn chế rủi ro thiệt hại về người, tài sản cho người dân, đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng vận hành các hồ chứa đúng quy trình, nạo vét dòng chảy để thoát lũ...
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ đây đến cuối năm 2022, lượng mưa tại khu vực miền Trung cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 20-35%. Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, để chủ động với tình hình trên cũng như mùa mưa bão cao điểm, tỉnh chú trọng tăng cường diễn tập công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống thiên tai, phát huy vai trò của lực lượng xung kích tại cơ sở, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống thiên tai qua loa truyền thanh, mạng xã hội...
Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau Nguyễn Long Hoai nêu rõ, để ứng phó chủ động, giảm thiểu thiệt hại đối với mùa cao điểm mưa bão, tỉnh sẽ tập trung vào những vấn đề cụ thể như: kế hoạch ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới, mưa dông trên biển, mưa lớn, triều cường, sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn hán, xâm nhập mặn...
Mùa mưa bão 2022 đã cận kề. Với tinh thần tích cực, chủ động, linh hoạt trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, xem nhiệm vụ "Phòng, chống thiên tai cũng như đánh giặc" cùng với sự chuẩn bị tốt về phương tiện và lực lượng, CBCS trong toàn Lực lượng vũ trang tỉnh đã sẵn sàng ứng phó hiệu quả với mọi diễn biến bất thường của thời tiết, cố gắng nỗ lực để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân khi có mưa bão xảy ra trên địa bàn.
Duy Phong