Diễn tập quốc tế về ứng cứu sự cố an ninh mạng là một hoạt động kỹ thuật nghiệp vụ chuyên sâu nhưng cũng để tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho cơ quan, tổ chức và cộng đồng một cách hiệu quả.
Ngày 11/9, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) đã điều phối chương trình diễn tập quốc tế về ứng cứu sự cố an ninh mạng trên quy mô toàn khu vực Đông Nam Á (ACID 2017) tại Việt Nam.
Chương trình có sự tham gia của 15 đội ứng cứu khẩn cấp đến từ các quốc gia thuộc Đông Nam Á và các quốc gia Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ba đầu mối tham gia diễn tập của Việt Nam được đặt tại 3 khu vực miền Bắc (Hà Nội), miền Trung (Đà Nẵng) và miền Nam (Thành phố Hồ Chí Minh) dưới sự điều phối chung của VNCERT.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng, việc tham gia các hoạt động diễn tập quốc tế nói chung và việc tổ chức diễn tập mở rộng tại Việt Nam nói riêng vừa là một hoạt động kỹ thuật nghiệp vụ chuyên sâu nhưng cũng là một nhiệm vụ tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho cơ quan, tổ chức và cộng đồng một cách hiệu quả.
Theo ghi nhận của VNCERT, tình hình sự cố trên không gian mạng Việt Nam vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp trong năm 2017. Theo đó, có 9 lỗ hổng hệ điều hành Windows đã được phát hiện, VNCERT cảnh báo sớm trước 3 tuần và mã độc WannaCry bùng phát mạnh mẽ trên toàn thế giới. Tính đến ngày 8/9/2017, Trung tâm VNCERT đã điều phối xử lý được 1.762 sự cố Website lừa đảo (Phishing); 4.595 sự cố về phát tán mã độc (Malware); 3.607 sự cố tấn công thay đổi giao diện (Deface).
Mới đây, 71 tên miền và 17 địa chỉ IP máy chủ điều khiển mã độc (C&C server) cũng đã được phát hiện ra. Rất nhiều dấu hiệu cho thấy, đây là một chiến dịch tấn công có chủ đích (APT) nhằm vào các hệ thống thông tin quan trọng tại Việt Nam. Trung tâm VNCERT đã phát lệnh điều phối, xử lý sự cố trên toàn quốc để các cơ quan, đơn vị kịp thời ngăn ngừa sự cố.
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Giám đốc VNCERT chia sẻ: “Trên thực tế đã có những sự cố tấn công mạng mà bản thân một tổ chức, thậm chí một quốc gia không thể tự giải quyết. Đơn cử như các tấn công từ chối dịch vụ phân tán (DDOS), tin tặc có thể huy động hàng trăm nghìn máy tính cùng tham gia tấn công. Khi đó, rất cần đến vai trò của một đơn vị điều phối có khả năng huy động nguồn lực từ nhiều tổ chức, nhiều quốc gia để chống lại các cuộc tấn công. Trong công tác điều phối ứng cứu, một vai trò nữa cùng hết sức quan trọng, đó là cảnh báo sớm. Đơn cử như vụ tấn công của mã độc Wanna Cry xảy ra hồi đầu năm 2017, nhờ sự liên kết trong mạng lưới ứng cứu của các quốc gia, Việt Nam đã biết trước và cảnh báo sớm cho các đơn vị thực hiện thống nhất, giảm thiệt hại ở mức tối đa”.
Chủ đề của cuộc diễn tập lần này là “Phòng chống hiểm họa của việc thiếu xác thực và kiểm soát truy cập kém”, phù hợp với tình hình thực tế khi mà việc xác thực và kiểm soát truy cập đang là các nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến các cuộc tấn công mạng. Thông qua việc diễn tập, các đội tham gia đã được trau dồi thêm các kỹ năng thu thập, xác minh, phân tích hành vi mã độc; xác định nguồn gốc, kẻ tấn công; xây dựng biện pháp xử lý, khôi phục hệ thống và cảnh báo các đơn vị liên quan.
Xuân Cường (Báo Tin Tức)