Thứ Hai, 7/10/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 11/2/2011 20:59'(GMT+7)

Điều chỉnh tỷ giá: Hóa giải giao dịch ngoài luồng!

Sự cần thiết phải điều chỉnh

Ngày đầu tiên (11/2) Ngân hàng Nhà nước áp dụng tỷ giá liên ngân hàng từ mức 18.932 VND lên mức 20.693 VND (tăng trên 9%) và thu hẹp biên độ tỷ giá từ +/-3% xuống +/-1%. Một số ngân hàng ngay lập tức đã sử dụng hết biên độ.
 
Tại Vietcombank, USD được giao dịch ở mức 20.690 (mua vào) và 20.890 (bán ra) VND/USD; Eximbank là 20.830 và 20.900 VND; VietinBank niêm yết giữa mua vào và bán ra là 20.700 và 20.900 VND; tương tự tại ACB niêm yết ở mức 20.890 và 20.900 VND; BIDV là 20.850 và 20.890 VND.

Theo Ngân hàng Nhà nước, các biện pháp này sẽ tạo điều kiện để điều hành tỷ giá chủ động, phù hợp với tình hình cung cầu ngoại tệ, bảo đảm tăng tính thanh khoản của thị trường, góp phần kiềm chế nhập siêu và hỗ trợ cho việc thực thi chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt hơn.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, động thái tăng tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước là hoàn toàn dễ hiểu và không quá bất ngờ.

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, việc điều chỉnh tỷ giá lần này không chỉ giúp tăng sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam, mà còn hạn chế nhập siêu, nhất là những sản phẩm trong nước có thể sản xuất thay thế.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó giám đốc Ban Nguồn vốn thuộc BIDV cũng cho rằng, đây là quyết định chính xác và kịp thời. Trong vài năm trở lại đây, Việt Nam luôn thiếu nguồn ngoại tệ. Việc nâng tỷ giá lần này sẽ kích thích xuất khẩu, thu thêm ngoại tệ về để tăng nguồn cung, giúp cung-cầu ngoại tệ xích lại gần nhau hơn.

Tuy nhiên, theo ông Quỳnh, để cân bằng cung-cầu ngoại tệ không chỉ dựa vào việc nâng tỷ giá mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguồn cung ngoại tệ, nhu cầu của doanh nghiệp.

Theo một số ngân hàng khác, việc điều chỉnh tỷ giá lần nãy sẽ giúp việc huy động USD tại các ngân hàng dễ dàng hơn. Khi đầu vào tốt, ngân hàng sẽ có nguồn cung để bán ra ngoài, giải quyết các nhu cầu về ngoại tệ của cá nhân cũng như doanh nghiệp mà Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể tăng lượng ngoại tệ dự trữ của đất nước.

Bỏ được tình trạng 2 giá

Một quan chức của Vietcombank cho biết, sự điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước lần này đã thu hẹp chênh lệch tỷ giá chính thức với tỷ giá trên thị trường tự do, tức giúp cải thiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam do không phải gia tăng bán USD theo tỷ giá thấp, giảm bớt kỳ vọng đầu cơ và cả hoạt động buôn bán vốn và ngoại tệ lòng vòng kiếm lời dựa trên chênh lệch giữa 2 giá.

Trong thời gian vừa qua, mỗi khi USD căng thẳng, mức chênh lệch giữa tỷ giá niêm yết và giá USD trên thị trường "chợ đen" vênh nhau khoảng hơn 1.000 đồng/USD. Nếu ngân hàng tìm cách "lách luật" bán giá USD ngang với giá "chợ đen" thì khi cần mua khoảng 1 triệu USD, doanh nghiệp phải tốn thêm khoảng một tỷ đồng.

Tất nhiên, khoản chi phí này sẽ được doanh nghiệp tính vào giá thành và nó trở thành một trong những lý do tạo sức ép tăng giá hàng hóa. Chi phí và giá thành cao sẽ khiến cho việc sản xuất và cạnh tranh của doanh nghiệp khó khăn hơn.

Thậm chí, có doanh nghiệp còn cho biết, các khoản chênh lệch do mua USD giá cao có khi còn không được thể hiện trong hợp đồng hay bất cứ một chi phí hợp lý được thừa nhận của doanh nghiệp. Đương nhiên cơ quan thuế sẽ xem đó là lợi nhuận và đưa vào tính thuế. Và như thế, doanh nghiệp đã thiệt đơn còn thiệt kép mà không biết kêu ai. Thậm chí, để tìm cách hợp lý hóa, các doanh nghiệp buộc phải làm đủ kiểu giấy tờ để chứng minh. Điều đó đẩy doanh nghiệp vào làm dối, vi phạm pháp luật về quản lý doanh nghiệp và thuế...

Chính vì vậy, một số doanh nghiệp cho rằng, sự điều chỉnh lần này còn giúp cho các doanh nghiệp được tính đúng, tính đủ chi phí vốn ngoại tệ trong bảng hạch toán kinh doanh của mình, mà trước đó thường phải che giấu, hợp lý hóa các khoản mua USD trên thị trường tự do với giá cao hơn giá chính thức.

Ông Nguyễn Văn Tấn, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu thực phẩm Thông Tấn cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh tỷ giá vừa là thích hợp, giúp đưa tỷ giá chính thức gần hơn với tỷ giá trên thị trường tự do nhằm giảm bớt những giao dịch quanh co, ngoài luồng và giải tỏa bớt yếu tố kỳ vọng.

Ông Tấn cho biết thêm, với quyết định này những doanh nghiệp xuất khẩu như doanh nghiệp của ông sẽ phấn khởi hơn. Tỷ giá tăng đồng nghĩa với việc lợi nhuận tính ra Việt Nam đồng tăng lên. Thế nhưng, việc này cũng đồng nghĩa các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải "chịu" thêm thiệt thòi, gánh nặng chi phí vì thế cũng sẽ bị đội lên.

Đương nhiên, sự điều chỉnh tỷ giá lần này cũng không tránh khỏi những hệ lụy, nhất là có thể tạo ra cái gọi là rủi ro tỷ giá trong hoạt động kinh doanh và tín dụng của những doanh nghiệp vay VND lãi suất cao và phải nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào sản xuất./.

 Theo Vietnam+

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất