Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên biển đã hoàn thành bộ tài liệu điều tra cơ bản và đánh giá tài nguyên vị thế, kỳ quan sinh thái và địa chất vùng biển và các đảo Việt Nam.
Tài nguyên thiên nhiên biển, đảo, không chỉ hiểu theo tư duy truyền thống, là những dạng vật chất lấy ra được và có giá trị sử dụng cho mục tiêu kinh tế nào đó, mà đã được hiểu là tất cả các yếu tố tự nhiên có thể sử dụng ở các hình thức khác nhau, hoặc không sử dụng nhưng sự tồn tại của tự nó mang lại lợi ích cho con người.
Do đó, việc điều tra, đánh giá tài nguyên vị thế, kỳ quan sinh thái, kỳ quan địa chất vùng biển và các đảo Việt Nam là rất quan trọng, nhằm xác định rõ những “tài sản” đang có, cũng như hoạch định, đề xuất các phương án sử dụng chúng một cách hiệu quả và bền vững.
TẦM QUAN TRỌNG CHIẾN LƯỢC
GS. TS. Trần Đức Thạnh, Viện Tài nguyên và Môi trường biển thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết vị thế hoặc tài nguyên vị thế gần đây được nói đến khá nhiều và được đánh giá là rất quan trọng, nhưng cơ sở khoa học của nó vẫn là vấn đề còn mới đối với nước ta.
Đó là những tiềm năng và giá trị về vị trí địa lý và các thuộc tính không gian liên quan đến cấu trúc, hình thể sơn văn và cảnh quan sinh thái có thể sử dụng cho các mục đích phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và chủ quyền quốc gia.
Việt Nam có vị thế đặc biệt quan trọng ở Đông Nam Á nhờ có một vùng lãnh thổ trải dài trên 3.000km ở rìa Tây Biển Đông và một vùng lãnh hải rộng trên một triệu km2, gấp ba lần diện tích lãnh thổ.
Biển Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, giữ vai trò quan trọng về môi trường, sinh thái trong Biển Đông, là vùng chuyển tiếp đặc biệt giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương về mặt địa lý sinh vật và hàng hải.
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay và nhất là sự phát triển của nền kinh tế thị trường dựa trên nền tảng của lĩnh vực dịch vụ sau này đòi hỏi phải phát huy được tiềm năng to lớn của tài nguyên vị thế biển.
Tài nguyên vị thế dùng theo cách nói tiếng Việt trong nhiều văn bản quản lý hiện nay mang hàm ý rộng hơn tài nguyên không gian trong các tài liệu nước ngoài, bao hàm cả giá trị đưa lại của không gian trong mối quan hệ về vị trí địa lý của nó với các trung tâm, đầu mối kinh tế, chính trị khu vực, quan hệ với các vành đai, hành lang kinh tế trên biển, ven biển...
Tài nguyên vị thế biển có những nội hàm riêng, mang tính bản chất, là các yếu tố hình thể và vị trí trong không gian. Sử dụng hợp lý tài nguyên vị thế biển là một định hướng cơ bản cho phát triển bền vững.
Tài nguyên vị thế, trong đó có yếu tố địa chính trị có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng đối với vận mệnh của một đất nước. Sự thịnh suy của một quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào khả năng khai thác và tận dụng nguồn tài nguyên địa chính trị.
Trong bối cảnh chính trị-kinh tế quốc tế hiện nay, một trật tự thế giới mới đang hình thành, trong đó Việt Nam nằm ở một vị trí tương đối trung tâm của tranh chấp nước lớn và liên kết kinh tế của khu vực.
Điều này đang đặt ra những thách thức to lớn, nhưng cũng đem lại những vận hội không nhỏ cho Việt Nam.
Có thể xác định tài nguyên vị thế vùng biển và ven bờ Việt Nam là các hệ thống thủy hệ hoặc địa hệ với cả ba hợp phần nền đất (hoặc đáy), nước và không khí, nằm trong phạm vi chủ quyền quốc gia, bao gồm các vùng bờ, các đảo và quần đảo, các thủy vực ven bờ (vũng vịnh, cửa sông, đầm phá) và các vùng nước ngoài khơi...
Nhận thức rõ tầm quan trọng của tài nguyên vị thế, kỳ quan sinh thái và kỳ quan địa chất đối với phát triển kinh tế biển, tháng 3/2006 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể về “Điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” (Đề án 47).
Trong danh sách 20 dự án được phê duyệt kèm theo có dự án “Điều tra cơ bản và đánh giá tài nguyên vị thế, kỳ quan sinh thái và địa chất vùng biển và các đảo Việt Nam” đã được giao cho Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam mà Viện Tài nguyên và Môi trường biển là cơ quan chủ trì thực hiện dự án, giáo sư, giến sỹ Trần Đức Thạnh làm chủ nhiệm.
ĐÁNH GIÁ CHI TIẾT TÀI NGUYÊN
Tại Hội nghị Tổng kết bước đầu Đề án 47 diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua, GS. TS. Trần Đức Thạnh cho biết, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó nổi bật là đã hoàn thành Bộ tài liệu điều tra cơ bản và đánh giá tài nguyên vị thế, kỳ quan sinh thái và địa chất vùng biển và các đảo Việt Nam, bao gồm 112 báo cáo chuyên đề, 86 bộ hồ sơ cho các khu vực và 23 tờ hệ thống bản đồ chuyên đề.
Bước đầu đã xây dựng được phương pháp luận và hệ phương pháp điều tra, đánh giá tài nguyên vị thế, kỳ quan sinh thái và địa chất.
Tài nguyên vị thế đã được đánh giá tổng quan cho hệ thống vũng vịnh, cửa sông, đầm phá, đảo và đới bờ và đánh giá cho 5 vùng địa lý của biển Việt Nam là Bắc Bộ, Bắc Trung bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ và vùng quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa.
Theo PGS. TS. Trần Đình Lân, Viện Tài nguyên và Môi trường biển thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam: 12 khu vực cụ thể (Cát Bà, Bạch Long Vỹ, vùng cửa Ba Lạt, đảo Cồn Cỏ, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, khu vực Lăng Cô-Hải Vân-đảo Sơn Chà, Cù Lao Chàm, Phú Quý, Hòn Mun, Nam Yết, Côn Đảo và Phú Quốc) đã được đánh giá giá trị tài nguyên vị thế theo các tiêu chí vị thế địa tự nhiên; địa kinh tế; địa chính trị và các giá trị đi kèm cũng như được đánh giá giá trị kỳ quan sinh thái, địa chất theo các tiêu chí đa dạng; mỹ học; độc đáo-đặc sắc-kỳ vĩ và các giá trị đi kèm.
Trong đó, hai khu vực Cát Bà và Phú Quốc được đánh giá ở mức chi tiết.
Ngoài ra, dự án cũng đã lập được bộ cơ sở dữ liệu điện tử về các sản phẩm của dự án và trang web về tài nguyên vị thế, kỳ quan sinh thái và kỳ quan địa chất vùng biển, ven bờ và các đảo Việt Nam; danh mục công viên sinh thái và công viên địa chất; danh mục các khu vực có vị thế đặc biệt và giá trị di sản thiên nhiên tiêu biểu cho các vùng biển và mô hình định hướng bảo tồn, sử dụng hợp lý tài nguyên vị thế, kỳ quan sinh thái và kỳ quan địa chất.
Dự án đã hệ thống 36 khu vực có giá trị kỳ quan sinh thái và kỳ quan địa chất tầm quốc tế, quốc gia và địa phương được đề xuất theo các hình thức khác nhau theo hệ thông bảo tồn, bảo vệ của thế giới và của Việt Nam.
Đặc biệt, dự án đã đề xuất xây dựng hệ thống 3 công viên địa chất quốc tế là: Cát Bà-Long Châu; Lăng Cô-Hải Vân-đảo Sơn Chà và vùng cát đỏ Phan Thiết; đề xuất xây dựng hệ thống 6 công viên sinh thái biển gồm đảo Cô Tô, đảo Cồn Cỏ, vịnh Nha Trang, Vườn Quốc gia Núi Chúa và đảo Nam Yết.
Dự án đã khảo sát, đánh giá cho ra kết quả và đề nghị tôn vinh 10 kỳ quan sinh thái nổi bật nhất của nước ta là: Rạn san hô vòng Bãi Cỏ Rong (Trường Sa); rừng ngập mặn Cần Giờ; đảo Phú Quốc; đảo Cát Bà; vùng triều-cửa sông Ba Lạt; Cù Lao Chàm; đầm phá Tam Giang-Cầu Hai; mũi Cà Mau; Côn Đảo và Vườn Quốc gia Núi Chúa.
10 kỳ quan địa chất nổi bật nhất của Việt Nam cũng được xác định là: Vịnh Hạ Long; đảo Cát Bà; quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; vùng cửa sông Mê Koong; hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai; bán đảo Hải Vân; quần đảo Bái Tử Long; vùng cát đỏ Phan Thiết; bãi biển Lăng Cô và cuối cùng là Gềnh Đá Đĩa Tuy An.
Ngoài ra, hai “đảo ngọc” của Việt Nam là Cát Bà (nổi trội về giá trị kỳ quan địa chất) và Phú Quốc (nổi trội về giá trị kỳ quan sinh thái và tài nguyên vị thế) cũng được các chuyên gia của Dự án đề xuất định hướng và các phương án kết hợp du lịch sinh thái, du lịch địa chất.
Kết quả điều tra và đánh giá của Dự án góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Hiện tài nguyên thiên nhiên biển truyền thống của Việt Nam được đánh giá khách quan là đa dạng, nhưng đang có nguy cơ cạn kiệt, điển hình là thủy sản và dầu khí mà sản lượng khai thác dự kiến trong những năm tới sẽ giảm.
Do đó, việc điều tra, đánh giá và khai thác các dạng tài nguyên biển mới hoặc còn ít được biết đến như băng cháy, các hợp chất trong sinh vật biển, tài nguyên vị thế, kỳ quan thiên nhiên.... là cần thiết.
Trong đó, tài nguyên vị thế, kỳ quan sinh thái và kỳ quan địa chất là các dạng tài nguyên đặc biệt và có tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế dịch vụ ở vùng biển, ven bờ và các đảo Việt Nam.
Về khoa học, đây là vấn đề rất mới không chỉ đối với Việt Nam, mà còn đối với nhiều nước trên thế giới. Trong tương lai gần, việc khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên này theo kết quả điều tra và đánh giá của dự án sẽ đem lại lợi ích to lớn hơn nhiều so với tài nguyên truyền thống./.
(TTXVN)