(TG) - Đó là chủ đề của Hội thảo khoa học do UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sáng nay 5/5/2021.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan chủ trì hội thảo. Cùng tham dự còn có lãnh đạo các Bộ ngành, các nhà khoa học.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh đây là hội thảo quan trọng nhằm lắng nghe ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan Trung ương và địa phương về những giải pháp lớn phát triển TPHCM, là cơ sở để đặt ra những yêu cầu đối với đơn vị tư vấn lập quy hoạch phát triển TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong hơn 45 năm qua, TPHCM là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế. Tỷ trọng các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại; ngày càng tăng cơ cấu ngành dịch vụ, giảm dần ngành công nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao; chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được nâng lên, giai đoạn 2016 - 2019, GRDP của TP tăng bình quân 7,72%, duy trì vai trò đầu tàu kinh tế của đất nước, đóng góp hơn 22% GDP và hơn 26% thu ngân sách cả nước. Riêng năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, TP vẫn cơ bản hoàn thành nhiệm vụ kép, kinh tế tăng trưởng 1,39%, thu ngân sách đạt hơn 371.000 tỷ đồng và vẫn đóng góp hơn 25% thu ngân sách quốc gia. Đặc biệt, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách trên địa bàn TP đã tăng từ mức 61,1% năm 2016 lên 71,4% năm 2020, điều này cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn có hiệu quả và khẳng định một lần nữa sức mạnh nội tại của nền kinh tế TPHCM.
Với những điểm sáng nêu trên, đồng thời quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết: TP đã chủ động triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI và đề ra mục tiêu trung và dài hạn như: đến năm 2025 là đô thị thông minh, TP dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. GRDP bình quân đầu người đạt 8.500 USD. Đến năm 2030 sẽ là TP dịch vụ, công nghiệp hiện đại, TP văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Về tầm nhìn đến năm 2045, TP sẽ trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của Châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.
Để triển khai hiệu quả những định hướng đó, TP nhận thức cần phải phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù, nhất là khơi dậy các tiềm năng, thế mạnh của TP. Tìm kiếm các mô hình, giải pháp đột phá để phát triển TP trong bối cảnh mới và cụ thể các mô hình, giải pháp này như là một đầu bài trong nhiệm vụ quy hoạch thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, việc tổ chức Hội thảo hôm nay là một trong số nhiều giải pháp để TP lắng nghe các ý kiến, hiến kế của các chuyên gia, nhà khoa học,… nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển, vươn lên mạnh mẽ của TPHCM, đưa TP hướng tới là một đại đô thị thông minh, năng động, sáng tạo, đẳng cấp khu vực và quốc tế.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định: TP trân trọng mọi ý kiến và xem những ý kiến góp ý, hiến kế của các chuyên gia, nhà khoa học,… là động lực quan trọng để TP tiếp tục hoàn thiện mình hơn, sớm trở thành đô thị thông minh, TP sáng tạo, TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện Trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM cho biết: Hội thảo đã nhận được gần 90 bài tham luận từ các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các trường Đại học, các sở ngành, quận huyện, Bộ Tư lệnh Quân Khu 7, các doanh nghiệp gửi về. Đây là nguồn tài liệu quý giá bước đầu để TP làm dữ liệu đầu vào, phục vụ cho nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nội dung các bài tham luận được phân chia thành 10 lĩnh vực chính, trong đó có một số nội dung chính là: Đề cập đến khát vọng, triển vọng phát triển kinh tế TP giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, nội dung các bài viết thể hiện sự phát triển của TP cần theo hướng đô thị bền vững, đô thị thông minh, trong đó cần tập trung đẩy nhanh chính quyền số, xã hội số, nâng cao chất lượng dịch vụ công; Định hướng cơ cấu kinh tế TP trên quan điểm kinh tế vùng, thể hiện vai trò hạt nhân trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đông Nam Bộ. Bên cạnh đó, các nhà khoa học đưa ra triển vọng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong dự báo và mô phỏng kinh tế - tài chính bằng việc phát triển điện toán lượng tử hay ứng dụng AI vào triển khai đô thị thông minh, xã hội số.
Ngoài ra, Hội thảo cũng ghi nhận một số định hướng chiến lược về phát triển TP Thủ Đức, xứng tầm là cực tăng trưởng mới của một TP trong lòng TP và trong mới liên kết các đô thị Vùng Đông Nam Bộ. Đồng thời cũng ghi nhận một số bài tham luận đề cập đến kinh tế tuần hoàn, trong đó gợi ý một số chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn tại TP hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Hội thảo cũng ghi nhận ý kiến chuyên gia về phát triển nguồn nhân lực TPHCM, đặc biệt nhân lực chất lượng cao, một số giải pháp để thu hút các nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển của TP trong thời gian tới trên cơ sở kiến tạo cơ chế huy động những nguồn lực quan trọng như thu hút vốn FDI bền vững, thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách, nguồn lực xã hội. Ngoài ra, hội thảo ghi nhận các nội dung liên quan đến phát triển du lịch bền vững, an ninh quốc phòng trong phát triển kinh tế - xã hội TP, mô hình bệnh viện thông minh, vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp, định hướng phát triển ngành cấp nước TP…
Tuấn Đạt (tổng hợp)