Đầu tháng 9 tới, Bộ TT&TT sẽ chính thức công bố tiêu chí cấp phép truyền dẫn,
phát sóng phát thanh truyền hình số mặt đất. Theo nội dung dự thảo, các doanh
nghiệp viễn thông sẽ bị "loại" khỏi thị trường dịch vụ này.
Theo chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, Cục Viễn
thông phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ hoàn thiện tiêu chí cấp phép
truyền dẫn, phát sóng phát thanh truyền hình số mặt đất (PT-TH). Chậm nhất đến
đầu tháng 9/2013 sẽ chính thức công bố các tiêu chí này đến các doanh nghiệp,
đài PT-TH và các đơn vị xin phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ truyền dẫn,
phát sóng PTTH số mặt đất để đăng ký hồ sơ tham gia.
Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện đề án số hóa
truyền hình sẽ hình thành thị trường truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt
đất với quy mô tối đa có 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên phạm vi toàn quốc
và 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ theo phạm vi một vùng, theo nguyên tắc các
mạng truyền dẫn, phát sóng truyền hình vùng không phủ sóng trùng hoặc chồng lấn
nhau về địa lý.
Hiện tại có 3 đơn vị VTV, VTC và AVG đã được cấp phép sử dụng tần
số toàn quốc và được xác định là ba đơn vị chủ trì thực hiện Chương trình xây
dựng và chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất sang công
nghệ số. Như vậy Bộ TT&TT chỉ còn thực hiện cấp phép cho các doanh nghiệp
cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng vùng mà thôi.
Theo dự thảo tiêu chí, đối tượng được xem xét cấp phép là doanh
nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp nhà nước có cổ phần chi phối, đồng thời các
doanh nghiệp này cần phải có kinh nghiệm trong lĩnh cực cung cấp dịch vụ truyền
dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất. Với điều kiện này, các doanh nghiệp viễn
thông và các doanh nghiệp chưa từng tham gia hoạt động lĩnh vực PT-TH sẽ không
được tham gia thị trường dịch vụ này.
Các tiêu chí cấp phép sẽ được thực hiện theo các quy định của Luật
Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện và Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng PT-TH.
Theo dự thảo tiêu chí, các doanh nghiệp đăng ký tham gia phải đáp ứng các yêu
cầu có vốn pháp định từ 30 tỷ đồng trở lên, tổng vốn đầu tư vào mạng lưới trong
3 năm đầu tiên từ thời điểm được cấp phép tối thiểu đạt 100 tỷ đồng. Các doanh
nghiệp này cần phải cam kết đặt cọc bằng 5% tổng số vốn đầu tư vào mạng lưới
trong 3 năm đầu tiên và chịu nộp phạt nếu không thực hiện đúng cam kết khi xin
phép.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này cần phải đáp ứng các yêu cầu
khác như: Sử dụng công nghệ DVB-T2 hoặc các phiên bản cao hơn; phải đảm bảo các
quy chuẩn kỹ thuật ban hành và bắt buộc phải sử dụng mạng đơn tần; phải đảm bảo
truyền dẫn đủ các kênh truyền hình thiết yếu trong khu vực phủ sóng ít nhất là
hết năm 2020. Cùng với đó, các doanh nghiệp phải đảm bảo cung cấp dịch vụ cho
các đài PTTH địa phương với giá không cao hơn chi phí phát sóng analog hiện tại.
Đồng thời cam kết phải sử dụng lại các máy phát còn có khả năng sử dụng được của
các đài PTTH địa phương....
Hiện nay, quy hoạch về tần số đang phân chia làm 5 khu vực: Bắc Bộ
có 14 tỉnh, Tây Bắc có 11 tỉnh, Trung Bộ có 13 tỉnh, Tây Nguyên có 5 tỉnh và Nam
Bộ có 20 tỉnh. Theo dự kiến, mỗi khu vực sẽ có một doanh nghiệp truyền dẫn, phát
sóng vùng được cấp phép và doanh nghiệp đó sẽ được cấp 2 tần số để sử dụng.
Trong trường hợp mỗi khu vực có 2 doanh nghiệp đăng ký trở lên sẽ
tổ chức thi tuyển để cấp phép, còn nếu chỉ có 1 doanh nghiệp đăng ký sẽ xem xét
cấp phép nếu doanh nghiệp đó đủ điều kiện. Trong trường hợp không có doanh
nghiệp nào đủ điều kiện cấp phép, Bộ TT&TT sẽ giao cho các doanh nghiệp toàn
quốc cung cấp dịch vụ tại các khu vực này.
Trước đó, đã có 4 đơn vị đăng ký với Bộ TT&TT để làm dịch vụ
truyền dẫn, phát sóng vùng là: Công ty Hanel và Đài PT-TH Hải Phòng đăng ký làm
truyền dẫn, phát sóng khu vực Bắc Bộ; Đài PT-TH Vĩnh Long và Đài Truyền hình
TP.HCM đăng ký làm dịch vụ ở khu vực Nam Bộ./.
(Theo: ICTnews)