Thứ Sáu, 22/11/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 27/7/2018 16:2'(GMT+7)

Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Doanh nghiệp nhỏ vẫn khát vốn

Theo các chuyên gia, dù có nhiều chính sách hỗ trợ thời gian qua nhưng thực tế, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ vẫn chưa tiếp cận được vốn ngân hàng.

Cụ thể, tại Thành phố Hồ Chí Minh, có nhiều chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp; chương trình hỗ trợ ưu đãi kích cầu (Quyết định số 50/2015/QĐ-UBND ngày 30/10/2015); Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp phụ trợ (Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND ngày 16/3/2017)nhưng hiện tại nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khá chật vật khi tiếp cận với những nguồn vốn này.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, chủ một doanh nghiệp thủy sản tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng lãi suất vay luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa có nguồn vốn hạn hẹp.

Mặc dù đã có rất nhiều chính sách và định hướng hỗ trợ, nhưng thực tế khi đi vay thì doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về mặt thủ tục vay vốn. Doanh nghiệp nào cũng muốn đổi mới sáng tạo, tiếp cận công nghệ mới chứ không muốn “giậm chân tại chỗ,” nhưng tiếp cận vốn để đầu tư công nghệ hiện nay quá khó khăn.

Còn với doanh nghiệp Lập Thành Đạt, một doanh nghiệp cơ khí đi lên từ mô hình kinh doanh hộ gia đình ở Thành phố Hồ Chí Minh thì khó khăn lớn nhất khi vay vốn tại ngân hàng là không có tài sản đảm bảo do công ty mới thành lập, quy mô còn nhỏ.

Doanh nghiệp có mong muốn mở rộng sản xuất và tăng trưởng để có cơ hội tiếp cận những đơn hàng lớn. Nhưng nguồn vốn bị hạn chế, hầu như huy động vốn từ gia đình và các nguồn khác bên ngoài để duy trì hoạt động.

Các chính sách từ nhà nước giúp khơi thông nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng cũng như các quỹ đầu tư dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chính là “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp trong lúc này.

Trước khó khăn trên, các chuyên gia cho rằng, một phần do các doanh nghiệp chưa chủ động, ngại thủ tục. Đồng thời, các ngân hàng cũng cần hiểu rõ thực trạng hoạt động của doanh nghiệp qua hồ sơ kê khai thuế minh bạch để có thể ra quyết định.

Theo ông Đặng Đức Huy, Giám đốc Khối ngân hàng bán lẻ, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn thường thấy là không có tài sản đảm bảo; thời gian thành lập ngắn, ngại thủ tục phức tạp và không có báo cáo tài chính đáp ứng yêu cầu của ngân hàng.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh thừa nhận một vấn đề khác khiến các ngân hàng hiện nay “ngại” cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn, đó là ở các doanh nghiệp này hiện vẫn giữ hình thức hai sổ sách kế toán nhằm giảm mức thuế phải đóng. Thực tế, việc minh bạch một sổ sách kế toán để các ngân hàng có thể hiểu rõ thực trạng hoạt động của doanh nghiệp qua hồ sơ kê khai thuế là rất cần thiết.

Tháo gỡ khó khăn

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, ba yếu tố tác động đến nguồn vốn vay của các doanh nghiệp nhỏ và vừa là tín dụng, lãi suất và tỷ giá; Trong đó, hai cơ chế lãi suất và tỷ giá không ảnh hưởng nhiều đến tình hình cho vay hiện tại.

Về cơ chế lãi suất, từ cuối 2016 đến nay, ngành ngân hàng thực hiện cơ chế cho vay theo lãi suất thỏa thuận. Cơ chế này đã và đang tạo điều kiện cho doanh nghiệp cải thiện tình hình kinh doanh.

Về tỷ giá, từ cuối tháng 6/2018, thị trường ngoại hối chịu sức ép rất lớn từ thị trường quốc tế và buộc phải nâng tỷ giá USD/VND lên. Tuy nhiên, vẫn không ảnh hưởng đến nhu cầu ngoại tệ của người dân và doanh nghiệp bởi Ngân hàng Nhà nước có công cụ để can thiệp.

Riêng đối với cơ chế tín dụng, ông Minh cho rằng, giai đoạn 2011-2012, tăng trưởng tín dụng được thắt chặt với mục tiêu khoảng 8-10%. Nhưng giai đoạn từ 2016-2018, mục tiêu tăng trưởng tín dụng được đề ra khoảng 18-20%; trong đó, năm 2018 này là 17%. Đây là mục tiêu khá cao, ngành ngân hàng phải cố gắng nhiều mới đạt được bởi đến cuối tháng 6/2018, tăng trưởng tín dụng của Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 7,5% với dư nợ tín dụng khoảng 1,9 triệu tỷ đồng, chiếm 1/3 tổng dư nợ của cả nước.

Với dư địa này, ngành ngân hàng không thiếu vốn cho tất cả các doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến cuối năm. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đang tích cực xử lý nợ xấu, tạo thêm nguồn vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp từ nay đến cuối năm.

Theo chuyên gia tài chính Vũ Thị Mỹ Linh, Giám đốc Báo cáo Tài chính, thuế, logistics, Ho Tram Project Company, The Grand Ho Tram Strip, để tiếp cận được vốn ngân hàng, các doanh nghiệp nhỏ cần kiểm soát được dòng tiền. Đó là tiêu chí để các ngân hàng tin tưởng và có các chính sách ưu tiên vay. Do đó, bên cạnh việc phát triển doanh nghiệp, tiếp thị, bán hàng..., vấn đề các doanh nghiệp không thể lơ là chính là quản lý dòng tiền, xem xét kỹ vấn đề tài chính trước khi thực hiện một phương án kinh doanh.

Về phía các ngân hàng, ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng cần tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới mô hình giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi, tiện ích nhất cho doanh nghiệp trong giao dịch với ngân hàng. Ngân hàng cần tôn trọng điều kiện, nguyên tắc tín dụng. Đồng thời, đổi mới và chuẩn hóa thủ tục vay vốn để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo bà Nguyễn Thị Vân, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Bến Nghé, bên cạnh nguồn vốn ngân hàng, các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam không thiếu, nhưng thời gian qua hoạt động không hiệu quả. Để quỹ này phát huy tác dụng, cơ chế chính sách phải rõ ràng, chi tiết và đảm bảo an toàn cho cả người được bảo lãnh và người ký bảo lãnh.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp mới có ý tưởng công nghệ mới rất hay nhưng chưa có sản phẩm thực tế nên không có tài sản đảm bảo vay vốn theo đúng quy định được. Do đó, nhà nước cần có chính sách cụ thể về vấn đề công nghệ mới giống như các quỹ đầu tư mạo hiểm chấp nhận rủi ro trong lĩnh vực công nghệ mới, từ đó tạo điều kiện cho cả ngân hàng và doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận vốn./.

Việt Âu (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất