Chúng tôi may mắn được đến thăm quan nhà nghệ nhân Lê Văn Vòng, một nghệ nhân cao niên với cái tuổi 60 nhưng vẫn luôn say sưa với nghề và không ngừng cống hiến cho làng nghề truyền thống dát vàng quỳ Kiêu Kỵ. Ông được người ta biết đến với kỷ lục, một chỉ vàng nguyên chất được dát mỏng trên diện tích 1m2.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề quỳ vàng, ông là đời thứ 9 được kế thừa nghề truyền thống dát vàng quỳ. Theo ông, để làm ra một tấm quỳ, người nghệ nhân phải trải qua ít nhất 40 công đoạn, mỗi công đoạn lại đòi hỏi nhiều thao tác.
Cái nghề này cần “tỉ mỉ, dày công, tốn sức,” từ việc xây lò kín và thấp, dùng mùn cưa trộn với keo da trâu, viên nhỏ chúng lại, rồi đốt dưới chiếc nồi gang để tạo bồ hóng, đến làm mực “lướt” quỳ, vàng phải đập mỏng đều, không rách... mới cho ra được sản phẩm. Nhờ sự tỉ mỉ, khéo léo với kỹ năng của một nghệ nhân ông đã dùng một chỉ vàng đập mỏng thành 980 lá có diện tích lớn hơn 1m2.
Theo nghệ nhân Lê Văn Vòng, giai đoạn luyện quỳ được coi là kỳ công và nặng nhọc nhất. Dùng một loại giấy, cắt thành ô vuông rộng khoảng 5cm, để làm giấy quỳ, xếp thành bọc giấy quỳ dày khoảng 2cm.
Mỗi bọc giấy này sẽ được đánh qua một lần cho phẳng lỳ, không tì vết. Đánh xong quỳ, mỗi lá quỳ sẽ được quét lên một loại mực làm từ nhựa thông, mùn cưa, hồ và keo da trâu. Mỗi một bọc giấy quỳ được hoàn thành, người thợ phải phết mực ít nhất 3 lần rồi mới phơi khô, để đảm bảo độ bóng, mịn của lá quỳ.
Đến công đoạn tiếp theo là chế tạo vàng đánh. Từ những chỉ vàng nguyên khối sẽ được nấu chảy bằng nhiệt độ cao, đổ vàng đã tan chảy vào khuôn tráng thành phiến mỏng. Với miếng vàng mỏng, cắt thành những ô khoảng 2cm rồi kẹp vào lá quỳ. Xếp chúng thành một bọc xen kẽ giữa miếng vàng nhỏ và những mảnh giấy quỳ đã được đập.
Dùng một tấm vải để gói những miếng vàng quỳ đã được kẹp xen kẽ thành từng bọc thật chắc, tránh để chúng xô lệch, xê dịch vị trí của miếng vàng và miếng giấy quỳ. Đặt những bọc đó trên một tảng đá nhẵn và to rồi dùng búa đánh liên hồi.
Công đoạn đánh này là công đoạn cần nhiều sức nhất, mỗi lần đánh mất gần một tiếng và phải đánh liên tục để cho lá vàng mỏng đều. Nếu không đánh liên tục sẽ dễ hỏng giấy quỳ mà miếng vàng mỏng không đồng đều, rất dễ bị rách. Đánh quỳ xong, gỡ những miếng vàng thành từng miếng nhỏ, mỗi dát vàng, bạc có thể cắt thành 9-12 miếng vuông nhỏ, có cạnh chừng 1cm.
Ông Lê Văn Vòng cho biết thêm giai đoạn long quỳ cũng rất kỳ công không kém. Những lá vàng cắt nhỏ lại được xếp xen kẽ vào giữa các lá quỳ (gọi là long quỳ). Một long quỳ có từ 400-500 lá. Dùng thanh tôn để chế tạo thành những thanh bay (thanh bay có mũi nhọn như dao) để gắp lá vàng dễ dàng hơn, chuẩn xác hơn. Tiếp tục đánh cho thật mỏng, giai đoạn này sẽ quyết định vàng dát có màu sáng óng hay xỉn.
Trại quỳ là giai đoạn đòi hỏi tỉ mẫn và tinh tế nhất. Người nghệ nhân sẽ xếp từng miếng dát vàng lên giấy quỳ, phải thật cẩn thận để chúng không bị rách hay dính vào tay. Những lá vàng này mỏng đến mức chỉ cần một hơi thở cũng có thể thổi bay. Vì vậy, công đoạn này cần được thực hiện ở một nơi kín gió và tĩnh lặng. Các nghệ nhân vẫn hay đùa rằng, chỉ cần thổi một cái là nó bay lên một tiếng sau mới rơi xuống được mặt đất, chính vì độ siêu mỏng và nhẹ của lá vàng.
Sau khi thực hiện được tất cả các giai đoạn người thợ mới thu được sản phẩm cuối cùng. Mỗi quỳ vàng gồm có mười bọc giấy nếu đem tải ra sẽ có diện tích 1m2. Những miếng vàng đã được giã mỏng sẽ được dùng để dát những câu đối bằng vàng, những bức hoành phi cao sang quyền quý ở các chùa chiền, lăng tẩm, đền thờ, phủ.
Ngoài ra, các họa sỹ trang trí những công trình kiến trúc lớn đã sử dụng vàng quỳ Kiêu Kỵ cho việc trang trí nội thất như Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Lăng Chủ tịch Hồ chí Minh và nhiều khách sạn lớn trong toàn quốc. Các di sản văn hóa, kiến trúc được UNESCO công nhận như Kinh đô Huế, Di sản văn hóa phố cổ Hội An, Văn Miếu Quốc Tử Giám luôn phải dùng đến vàng quỳ, bạc quỳ để trang trí nội thất.
Nghệ nhân Lê Văn Vòng tâm sự: "Làng chúng tôi còn năm nghệ nhân và 50 hộ gia đình trong làng theo nghề dát vàng, dát bạc. Cứ mở mắt ra là nghe thấy tiếng búa đánh quỳ đã thành thói quen trong làng, nếu không còn nghe những âm thanh quen thuộc này chắc lòng tôi buồn lắm, cái nghề ngắn bó với tôi từ thủa cha sinh mẹ đẻ.”
Chúng tôi rời khỏi căn nhà của nghệ nhân Lê Văn Vòng, làng nghề Kiêu Kỵ nhưng tiếng búa đánh quỳ vẫn văng vẳng bên tai. Và những câu thơ của nghệ nhân Lê Văn Vòng đúc kết từ nghề truyền thống dát vàng khiến tôi bâng khuâng, suy tư với làng nghề truyền thống “độc nhất vô nhị” này./.
TUYẾT MAI-TRẦN THU (TTXVN/VIETNAM+)