An Giang là tỉnh biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc. Là tỉnh có dân số đông nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 8 cả nước, với gần 2 triệu người. An Giang cũng là địa phương có đời sống văn hóa tinh thần đặc sắc, phong phú, mang đậm bản sắc của các dân tộc Kinh, Khmer, Chăm, Hoa… nơi khởi nguồn nhiều tôn giáo bản địa. Những đặc điểm đó, vừa là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu văn hóa; nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhạy cảm.
Những năm gần đây, sự phát triển hết sức nhanh chóng, mạnh mẽ của Internet, mạng xã hội đem lại nhiều tiện ích to lớn. Chỉ với một thiết bị nghe nhìn có kết nối Internet, người dân dễ dàng, nhanh chóng tiếp cận các nguồn thông tin khổng lồ, đa dạng và vô cùng phong phú. Tuy nhiên sự bùng nổ thông tin cũng dẫn tới nhu cầu được định hướng, cung cấp thông tin chính thống, nhất là ở cơ sở ngày càng trở nên cấp thiết, bởi thông tin giả, thông tin xấu độc, thông tin chưa được kiểm chứng đã, đang và sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trên các nền tảng số; tác động đến nhận thức, tâm tư, tình cảm của cộng đồng xã hội…tạo nên thách thức không nhỏ cho công tác tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.
Trước những thách thức và yêu cầu từ thực tiễn đặt ra, nhằm tăng cường tính chủ động trong công tác tham mưu cấp ủy trên lĩnh vực tư tưởng. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang đã tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin tuyên truyền trên địa bàn tỉnh, đạt được một số kết quả cụ thể.
CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐỊNH HƯỚNG TUYÊN TRUYỀN: BÁM SÁT THỰC TIỄN, NHU CẦU TỪ CƠ SỞ
Bên cạnh việc tập trung chuyển tải đầy đủ nội dung, tinh thần các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang xác định, công tác chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền phải bám sát thực tiễn, nhu cầu từ cơ sở. Việc nắm bắt tình hình thực tiễn và nhu cầu thông tin từ cơ sở được thực hiện dựa trên một số kênh chủ yếu sau:
Chỉ đạo, định hướng tuyên truyền dựa trên kết quả nắm bắt, điều tra dư luận xã hội
Thực hiện Đề án 07-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, nắm bắt dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2020 - 2025”. Việc nắm bắt các luồng ý kiến dư luận xã hội được triển khai thực hiện thông qua nhiều kênh (cộng tác viên DLXH; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, đoàn viên, thanh niên… với hàng ngàn thành viên từ các chi bộ, khóm, ấp; nắm dư luận qua kênh mạng xã hội; qua nội dung cung cấp thông tin từ các địa phương, cơ quan, đơn vị theo Quy chế phối hợp 238…). Ngoài ra hằng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thực hiện từ 6-8 cuộc điều tra xã hội học (1). Thông qua kết quả điều tra, khảo sát, kịp thời tham mưu cấp ủy chỉ đạo, định hướng những vấn đề người dân quan tâm.
Từ kết quả nắm bắt dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp xử lý, định hướng ngay các vấn đề dư luận đang quan tâm; kịp thời chấn chỉnh, phối hợp gỡ bỏ nội dung nhạy cảm, phức tạp, không để các đối tượng xấu lợi dụng, xuyên tạc. Bên cạnh việc tăng cường định hướng tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương vào cuộc, giải quyết những vấn đề nổi cộm dư luận quan tâm, kịp thời phản hồi, định hướng và góp phần ổn định tình hình tư tưởng trong nội bộ và các tầng lớp nhân dân.
6 tháng đầu năm 2022, đã tổng hợp, gửi hơn 170 nội dung phản ánh, kiến nghị đến các địa phương, đơn vị trong tỉnh để giải quyết và phản hồi các vấn đề dư luận đặt ra. Kết quả giải quyết được phản hồi đến địa phương, đơn vị, đồng thời thông tin công khai trên Cổng thông tin Đảng bộ tỉnh để người dân nắm rõ và giám sát; từ đó tạo được sự đồng tình, tin tưởng, đánh giá rất cao trong nội bộ và các tầng lớp nhân dân.
Gắn kết chặt chẽ trong công tác phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực
Việc triển khai thực hiện “Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, nhân dân quan tâm” (Quy chế 238) được Tỉnh triển khai khá bài bản, thực chất và mang lại nhiều kết quả tích cực. Công tác điều tra, xét xử các vụ án lớn, phức tạp; việc triển khai các công trình, dự án trọng điểm; giải quyết các vấn đề khiếu kiện, đền bù, giải toả.. trên địa bàn, được các đơn vị liên quan chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo cung cấp thông tin với tần suất, mức độ và liều lượng phù hợp, đúng quy định.
Không chỉ phối hợp với cơ quan nhà nước cùng cấp; Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ An Giang còn ký kết Chương trình phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp tỉnh, nhằm gắn kết chặt chẽ giữa tuyên truyền với vận động (2); qua đó nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của các giai tầng xã hội trước những vấn đề nóng, được dư luận quan tâm, phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo, định hướng tuyên truyền.
Tăng cường rà soát, nắm bắt thông tin từ báo chí, mạng xã hội để kịp thời định hướng tuyên truyền
Bên cạnh việc quan tâm nâng chất hội nghị định hướng tuyên truyền báo chí theo định kỳ, hàng ngày Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có bộ phận theo dõi, tổng hợp tin tức phản ánh liên quan đến Tỉnh trên báo chí và mạng xã hội. Báo cáo nhanh, đột xuất khi có vấn đề phát sinh cần xử lý. Định kỳ hằng tuần, kịp thời gửi đến các đồng chí lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, lãnh đạo các địa phương, đơn vị (gần 300 địa chỉ). Trên cơ sở đó, các địa phương, đơn vị chủ động rà soát, phối hợp xử lý và thông tin, tuyên truyền để định hướng dư luận, báo chí.
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt trên địa bàn
Với phương châm “Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, bên cạnh định hướng tuyên truyền các nội dung mang tính chính trị, thời sự, Tỉnh cũng chú trọng tuyên truyền, giới thiệu những gương người tốt, việc tốt, mô hình hay, cách làm hiệu quả từ các địa phương, đơn vị trong tỉnh cho các cơ quan báo chí của Trung ương và của tỉnh (mỗi năm gần 150 điển hình)…góp phần lan tỏa sâu, rộng hình ảnh quê hương, con người An Giang. Tỉnh ủy tổ chức Giao lưu các gương điển hình trong học tập và làm theo Bác năm 2022 (dịp 19/5/2022), in và phát hành Kỷ yếu các gương điển hình, tổ chức trực tiếp trên sóng PT-TH chương trình giao lưu với 39 gương điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực, tạo được sức lan tỏa và hiệu ứng tích cực trong xã hội.
ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP, CÁCH THỨC CUNG CẤP THÔNG TIN
Trong những năm qua, việc cung cấp thông tin đã được các cấp, các ngành quan tâm và cơ bản đáp ứng được yêu cầu của công tác tuyên truyền. Tuy nhiên thực tiễn những năm vừa qua trên địa bàn tỉnh, việc cung cấp thông tin, từng lúc, từng nơi cũng còn một số hạn chế, nhất là trong hoạt động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí cũng như việc cung cấp nguồn thông tin chính thống, thông tin liên quan đến những vấn đề nóng đang diễn ra, thu hút sự quan tâm, theo dõi của cộng đồng, xã hội.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ chỉ đạo, thực hiện đa dạng hình thức cung cấp thông tin giúp các địa phương, đơn vị trong tỉnh chủ động nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền.
Quy định cụ thể quy trình ứng xử với báo chí, truyền thông trên địa bàn
Nhận thấy hoạt động phát ngôn, phối hợp cung cấp thông tin cho báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh, mặc dù đã có Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước, và được quan tâm thường xuyên, tuy nhiên việc ứng xử với báo chí, truyền thông của một số địa phương, đơn vị, nhất là các tổ chức đảng vẫn thể hiện sự lúng túng, công tác phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh liên quan báo chí, truyền thông đặt ra còn chưa chặt chẽ, thông suốt.
Trước thực trạng đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ động tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định quy trình ứng xử với truyền thông trên địa bàn tỉnh (với 5 điều quy định, 4 bước thực hiện hết sức cụ thể, rõ ràng). Đồng thời hướng dẫn các địa phương, đơn vị tổ chức triển khai, thực hiện, qua đó từng bước khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong việc ứng xử với báo chí, truyền thông của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở (3).
Đổi mới hoạt động cung cấp thông tin cho cơ sở
Bên cạnh việc thường xuyên nâng cao chất lượng thông tin của các kỳ hội nghị báo cáo viên, tuyên truyền viên; hội nghị định hướng tuyên truyền (hằng tháng, đột xuất), cùng các cuộc họp báo trước các vấn đề, sự kiện quan trọng. Tỉnh cũng quan tâm nâng cao chất lượng của Bản tin Thông tin công tác Tư tưởng; nâng cao chất lượng tin, bài trên Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh; in ấn phát hành các loại sổ tay tuyên truyền: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”; “Tuyên truyền kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh”; “Xây dựng nông thôn mới”… và các loại tài liệu khác (4), nhằm cung cấp kịp thời giúp cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở trong công tác tuyên truyền miệng.
Nhận thấy nhu cầu thông tin chính thống phục vụ công tác tuyên truyền tại cơ sở là rất lớn, đặc biệt là các thông tin liên quan đến các vấn đề thời sự, thời cuộc, các vấn đề nóng đang được dư luận quan tâm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ động tổng hợp, biên soạn nội dung, cung cấp Thông tin tuần. Thông tin tuần được tổng hợp, biên soạn bám sát tình hình thời sự, cập nhật kịp thời các chỉ đạo mới của Trung ương, của Tỉnh; những thông tin liên quan thiết thực đến đời sống Nhân dân… hình thức biên soạn ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể; phát hành đến đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên, đài truyền thanh cấp huyện và cơ sở… thông qua các nhóm facebook, Zalo; ngoài ra còn phát hành trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở (theo chương trình phối hợp) để phục vụ công tác tuyên truyền trong nội bộ và các tầng lớp nhân dân.
Thực hiện Quy chế 238, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ phối hợp các ngành trong khối khoa giáo (Y tế, Giáo dục-Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường, Văn hoá, Thể thao và Du lịch…) đổi mới hoạt động cung cấp thông tin cho cơ sở, thông qua hình thức tổ chức các hội nghị chuyên đề. Các hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến tận cơ sở. Mời các báo cáo viên là những chuyên gia đầu ngành trên từng lĩnh vực. Nội dung cung cấp là những thông tin chuyên sâu, liên quan đến những vấn đề thiết thực của đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu của đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn (5).
Có thể thấy, việc quan tâm đổi mới công tác chỉ đạo, định hướng và cung cấp thông tin tuyên truyền trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm 2022 đã từng bước mang lại hiệu quả thiết thực. Công tác chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin xuất phát từ thực tiễn đời sống, bám sát nhu cầu thông tin cơ sở, từ đó đảm bảo tính thuyết phục, đáp ứng bước đầu nhu cầu thông tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
Thời gian tới tình hình thế giới, khu vực, trong nước, trong tỉnh… sẽ tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo. Những ảnh hưởng, tác động từ đại dịch COVID-19, xung đột Nga-Ukraine, khủng hoảng năng lượng kéo theo những hệ luỵ, tác động xấu đến nền kinh tế; các thế lực xấu tiếp tục tăng cường xuyên tạc, chống phá… là những thách thức lớn đòi hỏi công tác tư tưởng phải được đổi mới, thích ứng và theo kịp diễn biến tình hình, đặc biệt là trong công tác chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin.
Phát huy một số kết quả bước đầu, trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ An Giang xác định một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Một là, tiếp tục chú trọng triển khai thực hiện tốt các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh, nhất là trong công tác chỉ đạo, định hướng tuyên truyền, cung cấp thông tin cho cơ sở.
Hai là, bên cạnh việc tăng cường công tác phối hợp giữa Ban Tuyên giáo với cơ quan nhà nước cùng cấp theo Quy chế 238, triển khai tốt chương trình phối hợp trong tuyên truyền, vận động giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ với UBMTTQVN và các tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh nhằm phát huy vai trò của các ngành các cấp trong việc triển khai, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn, cũng như tham gia giám sát và phản biện xã hội.
Ba là, tiếp tục quan tâm đổi mới công tác chỉ đạo, định hướng và cung cấp thông tin trên địa bàn theo hướng bám sát thực tiễn, nhu cầu thông tin từ cơ sở; chủ động phối hợp với các ngành, các cấp trong hoạt động cung cấp thông tin, phục vụ chỉ đạo, định hướng tuyên truyền đáp ứng yêu cầu công tác Tuyên giáo trong tình hình mới./.
Trần Thị Thanh Hương
Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ An Giang
--------------------
(1) Gồm 4 cuộc định kỳ hằng quý, 2-4 cuộc phối hợp với các địa phương, đơn vị, khảo sát các nội dung liên quan đến các chủ đề nóng, thời sự, thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận.
(2) Thực hiện Chương trình ký kết phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với UBMTTQVN và các tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh, giai đoạn 2019-2024.
(3) Nhiều vụ việc phát sinh trên địa bàn đã được các cấp các ngành vào cuộc, ứng xử kịp thời, không để phát sinh thành điểm nóng, tạo khủng hoảng truyền thông như: Vấn đề người Khmer gốc Việt sinh sống trên các nhà bè bị đẩy, đuổi trôi dạt về khu vực biên giới; vấn đề hỗ trợ người Chăm đi làm ăn xa, bị ảnh hưởng dịch COVID-19; vấn đề ô nhiễm môi trường Chợ đầu mối Long Xuyên…
(4) Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng chủ động biên soạn, tổng hợp thông tin chính thống cung cấp kịp thời cho sơ sở, phục vụ công tác tuyên truyền trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, vấn đề nóng thu hút quan tâm của dư luận: Điển hình như biên soạn nội dung Tình hình xung đột Nga-Ukraine và những quan điểm của Việt Nam cung cấp kịp thời để sinh hoạt tư tưởng trong các chi bộ, trong lúc chờ tài liệu chính thức từ Trung ương.
(5) Điển hình, năm 2019 là hội nghị về “Công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”; 2020, 2021 là hội nghị về Y tế: “Tầm soát và phát hiện sớm Ung thư”, về Giáo dục: “Dạy và học trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19”. 6 tháng đầu năm 2022, Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ An Giang phối hợp Sở Y tế tổ chức Hội nghị “Chuyên đề về Đột quỵ” do TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, Chủ tịch Liên Chi hội can thiệp thần kinh TP. Hồ Chí Minh và PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội đột quỵ TP. Hồ Chí Minh, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, báo cáo cho 3372 đại biểu tại 147 điểm cầu trong toàn tỉnh.