Thứ Sáu, 22/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 8/2/2019 8:21'(GMT+7)

“Đối ngoại nhân dân đưa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè năm châu“

Bà Nguyễn Phương Nga, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (giữa) chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ Đài Tiếng nói Việt Nam.

Bà Nguyễn Phương Nga, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (giữa) chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ Đài Tiếng nói Việt Nam.

Cùng với đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân đã trải qua một chặng đường lịch sử với những bước chuyển mình mạnh mẽ, toàn diện, tích cực đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè năm châu.

Nhân dịp đầu Xuân Kỷ Hợi 2019, phóng viên Đài TNVN có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Phương Nga, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam về những đóng góp của hoạt động đối ngoại nhân dân thời gian qua cũng như hướng phát triển của hoạt động đối ngoại nhân dân trong thời gian tới.

Phóng viên: Xin chào bà Nguyễn Phương Nga, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam! Thưa bà Nguyễn Phương Nga, bà có thể chia sẻ những thành tựu nổi bật của công tác đối ngoại nhân dân trong năm 2018 vừa qua?

Bà Nguyễn Phương Nga:
Năm 2018, hoạt động đối ngoại nhân dân của Liên hiệp Hữu nghị và các tổ chức thành viên tiếp tục được triển khai tích cực, có nhiều đổi mới, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Bên cạnh việc mở rộng và tăng cường các hoạt động hoà bình, đoàn kết, hữu nghị và viện trợ phi chính phủ nước ngoài Liên hiệp đã chú trọng kết hợp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục, du lịch và một số lĩnh vực khác,

Liên hiệp Hữu nghị cử trên 60 đoàn công tác nước ngoài, đón gần 1.400 đoàn (bao gồm các đoàn công tác của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài) với trên 3000 lượt người đến từ nhiều quốc gia trên thế giới vào thăm, làm việc, triển khai các dự án nhân đạo và phát triển. Cùng với những hoạt động thường xuyên, Liên hiệp Hữu nghị đã tổ chức nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng cả song phương và đa phương như: “Gặp mặt hữu nghị mừng Xuân Mậu Tuất 2018”; Phối hợp với Uỷ ban nhân dân và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Thái Nguyên tổ chức Chương trình “Du xuân hữu nghị 2018” tại tỉnh Thái Nguyên; tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng, các nước lớn, kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam với các nước: Nhật Bản, Canada, Australia, Italia, Hà Lan, Bỉ, Malaixia; tổ chức thành công triển lãm ảnh “Thành tựu công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế của Việt Nam và cải cách mở cửa của Trung Quốc”; Tham dự Diễn đàn Nhân dân ASEAN, Diễn đàn nhân dân Á – Âu.

Với vai trò là đầu mối quan hệ và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN), Liên hiệp Hữu nghị đã tích cực tuyên truyền, quảng bá về thành tựu đổi mới, chính sách đối ngoại, thu hút viện trợ của Việt Nam và việc sử dụng có hiệu quả nguồn viện trợ, góp phần giải quyết những khó khăn, thách thức Việt Nam đang gặp phải. Giá trị viện trợ từ các tổ chức PCPNN được duy trì, năm 2018 ước đạt khoảng 280 triệu USD với hàng nghìn dự án giúp Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đóng góp tích cực vào công tác phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Liên hiệp Hữu nghị đã tiến hành tổng kết chương trình Quốc gia xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ giai đoạn 2013-2017, hoàn thành dự thảo Chương trình Quốc gia xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn mới (2018 – 2025).

Về công tác thông tin đối ngoại, cùng với việc hợp tác chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam, các phương tiện thông tin của Liên hiệp Hữu nghị và các tổ chức thành viên như Báo Thời đại, Tạp chí Hữu nghị, Trang thông tin điện tử vufo.org.vn, Bản tin và Trang thông tin điện tử vpdf.org.vn của Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, các tạp chí, bản tin, đặc san của các tổ chức thành viên như Tạp chí Việt - Mỹ, Tạp chí Bạch Dương, Bản tin Việt - Pháp… và bản tin, trang thông tin điện tử của các Liên hiệp địa phương đã góp phần tích cực vào việc cung cấp thông tin cập nhật về các vấn đề trong nước, quốc tế, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước cũng như quan hệ hòa bình, đoàn kết, hữu nghị của nhân dân ta với nhân dân thế giới. Hiện tại, chuyên trang Thời Đại online của Liên hiệp Hữu nghị bằng tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Lào và tiếng Khmer đã có lượng bạn đọc ổn định, số lượng bài và lượng truy cập lớn.

Liên hiệp cũng đã làm tốt việc củng cố và phát triển mạng lưới các tổ chức thành viên với 116 tổ chức, gồm 64 tổ chức hữu nghị song phương và đa phương với các nước, 52 tổ chức thành viên ở địa phương. Hoạt động các tổ chức Liên hiệp hữu nghị ở địa phương đã và đang góp phần có ý nghĩa cho việc củng cố quan hệ đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế ở các tỉnh, thành.

Phóng viên: Thời gian qua, các hoạt động ngoại nhân dân đã góp phần tích cực trong công cuộc phát triển kinh tế đất nước. Vậy thưa bà Nguyễn Phương Nga, bà đánh giá thế nào về vai trò của đối ngoại nhân dân đối với sự phát triển kinh tế của đất nước?

Bà Nguyễn Phương Nga: Thực tế hoạt động của Liên hiệp Hữu nghị và những kết quả đạt được là minh chứng sinh động cho đóng góp của công tác đối ngoại nhân dân vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Trước hết là cùng với Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân đã góp phần xây dựng, củng cố các mối quan hệ quốc tế ổn định, đi vào chiều sâu, góp phần tạo dựng môi trường quốc tế hoà bình, ổn định thuận lợi cho việc phát triển toàn diện của đất nước.

Thứ hai là Liên hiệp Hữu nghị, một lực lượng nòng cốt của đối ngoại nhân dân, đang thực hiện rất có hiệu quả nhiệm vụ là đầu mối quan hệ và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN).

Như các bạn đã biết, các tổ chức PCPNN đã hoạt động tại Việt Nam từ lâu song thực sự phát triển về quy mô và tổ chức khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa. Hiện tại Việt Nam có quan hệ với trên 1000 tổ chức PCPNN, đã vận động được trên 4 tỷ USD, với hàng nghìn dự án lớn nhỏ, trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, song chủ yếu là trong các lĩnh vực nhà nước đã quan tâm đầu tư nhưng chưa đủ nguồn lực như y tế, giáo dục, phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng năng lực cho các đối tác Việt Nam. Chỉ tính riêng khía cạnh tài chính, giá trị viện trợ khoảng 300 triệu đô la Mỹ hàng năm, tương đương với ODA không hoàn lại mà Việt Nam nhận được, là một nguồn lực không nhỏ đối với một đất nước còn nhiều khó khăn như chúng ta.

Một khía cạnh nữa mà các tổ chức PCPNN đem đến cho Việt Nam là xây dựng năng lực. Các đối tượng hưởng lợi bao gồm đa dạng các tầng lớp, từ những người dân được đào tạo về kỹ thuật, kiến thức làm kinh tế, cán bộ địa phương, cán bộ dự án được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ ...

Các mô hình mới như phát triển nông thôn tổng hợp, phát triển cộng đồng cũng đóng góp không nhỏ trong hiện đại hóa nông thôn, nâng cao sinh kế người dân.

Bên cạnh đó, đây là một kênh quan trọng để Liên hiệp Hữu nghị truyền tải thông tin về về các thành tựu của Việt Nam trong thực hiện quyền con người, công bằng xã hội, phát triển kinh tế xã hội thông qua hoạt động hỗ trợ nhân đạo và phát triển tại Việt Nam, giúp các chuyên gia, nhà tài trợ nước ngoài có cái nhìn khách quan hơn về tình hình Việt Nam, ghi nhận những thành tựu đã đạt được của Việt Nam trong quá trình đổi mới, về chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đồng thời những khó khăn, thách thức Việt Nam đang gặp phải từ đó có định hướng hợp tác hiệu quả hơn. Nhiều tổ chức PCPNN tiếp tục là kênh chính trị đối ngoại quan trọng, trực tiếp góp phần hoặc hỗ trợ Việt Nam chuyển tải các thông điệp hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác tới thế giới.

Phóng viên: Các hoạt động đối ngoại nhân dân, đặc biệt là hoạt động đối ngoại đa phương không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra bên ngoài, mà còn đóng góp nhất định cho phong trào nhân dân khu vực và thế giới. Bà nghĩ sao về điều này?

Bà Nguyễn Phương Nga:
Điều này hoàn toàn đúng. Là một lực lượng nòng cốt của đối ngoại nhân dân, với phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả” Liên hiệp Hữu nghị và các tổ chức thành viên đã chủ động, tích cực tham gia các diễn đàn nhân dân đa phương, đặc biệt là Diễn đàn Nhân dân ASEAN (APF) và Diễn đàn Nhân dân Á- Âu (AEPF), thông tin giới thiệu về đất nước, con người, thành tựu và chính sách của Việt Nam, đấu tranh có hiệu quả với các lập luận xuyên tạc, bôi nhọ Việt Nam trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, thúc đẩy các vấn đề thuộc lợi ích quốc gia của ta như hoà bình, ổn định ở Biển Đông, nguồn nước sông Mekong, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam …).

Tại các cơ chế truyền thống như Hội đồng Hòa bình Thế giới, Hội nghị thế giới chống bom A&H, Tổ chức Đoàn kết Nhân dân Á- Phi (AAPSO), qua các hoạt động kỷ niệm “Ngày quốc tế vì hoà bình”, ta đã thể hiện rõ vai trò tích cực của Việt Nam, đóng góp nhiều sáng kiến thúc đẩy hoà bình, đoàn kết hữu nghị ở khu vực và trên thế giới. Bạn bè quốc tế đồng tình ủng hộ lập trường nhất quán của ta đoàn kết với các lực lượng hòa bình thế giới bảo vệ hoà bình, luật pháp quốc tế, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chống chiến tranh, vũ khí hạt nhân, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa khủng bố và hỗ trợ nạn nhân chiến tranh. Đặc biệt, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam trong năm 2018 đã chủ động tổ chức hội thảo về “tăng cường đoàn kết nhân dân quốc tế vì hòa bình – an ninh và phát triển bền vững”, được bạn bè hoan nghênh.      

Phóng viên:
Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều biến động, tác động lớn đến hoạt động đối ngoại nhân dân, bà có thể cho biết, trong năm 2019, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng nào để tiếp tục có những đóng góp tích cực và hiệu quả vào các hoạt động đối ngoại chung trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập của đất nước?

Bà Nguyễn Phương Nga: Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, tác động lớn đến hoạt động đối ngoại nhân dân, Liên hiệp Hữu nghị sẽ tập trung vào những nhiệm vụ sau trong năm 2019 và những năm tới:

Thứ nhất, Tiếp tục củng cố, mở rộng, phát triển theo chiều sâu mạng lưới bạn bè và đối tác quốc tế; tích cực tham gia các thiết chế đa phương quan trọng.

Liên hiệp Hữu nghị tiếp tục nâng cao hiệu quả của các cơ chế phối hợp nhằm đẩy mạnh quan hệ nhân dân với các nước láng giềng, ASEAN; các nước các nước đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống theo hướng hình thành các khuôn khổ hợp tác ổn định, thiết thực. Tăng cường các hoạt động thông tin, giao lưu, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa các địa phương của Việt Nam với các nước, tổ chức các diễn đàn, gặp gỡ, liên hoan nhân dân cả ở cấp trung ương và địa phương với nội dung thực chất hơn nữa nhằm làm sâu sắc hơn các mối quan hệ, củng cố tình hữu nghị, sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau giưa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước ; đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam sẽ là Chủ tịch ASEAN năm 2020, sẽ tập trung thúc đẩy các hoạt động đối ngoại nhân dân trong khuôn khổ ASEAN, thiết thực góp phần xây dựng cộng đồng ASEAN; Đồng thời Liên hiệp cũng phối hợp tổ chức tốt các hoạt động trong khuôn khổ kỷ niệm năm chẵn thiết lập quan hệ ngoại giao giữa nước ta với một số nước đối tác.

Thứ hai, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác PCPNN: Thực hiện tốt chức năng là Cơ quan thường trực của Ủy ban, Liên hiệp Hữu nghị sẽ tiếp tục tập trung quán triệt, hướng dẫn và triển khai thực hiện các văn bản pháp quy và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ủy ban công tác về các tổ chức PCPNN liên quan đến hoạt động của các tổ chức PCPNN, đề xuất các biện pháp để hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban.

Đặc biệt, Liên hiệp Hữu nghị sẽ tích cực triển khai Chương trình quốc gia về tăng cường hợp tác với các tổ chức PCPNN đến năm 2025 sau khi được ban hành.

Bên cạnh đó, Liên hiệp sẽ chủ động thông tin, trao đổi với các nhà tài trợ và tổ chức PCPNN về nhu cầu và ưu tiên trong hợp tác PCPNN, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu để đổi mới công tác quan hệ và vận động PCPNN theo hướng đa dạng hóa các đối tác, phương thức vận động. Duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các tổ chức, cá nhân PCPNN đang thực hiện chương trình, dự án tại Việt Nam; đồng thời mở rộng quan hệ với các cá nhân, tổ chức PCPNN có uy tín và tiềm năng để tăng cường hợp tác.

Thứ ba, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu, thông tin đối ngoại: Cùng với nỗ lực vận động bạn bè quốc tế góp phần tuyên truyền về Việt Nam, Liên hiệp sẽ chú  cải tiến hình thức, nâng cao chất lượng, tăng số lượng các sản phẩm tuyên truyền đối ngoại; hiện đại hóa, đa dạng hóa phương thức chuyển tải thông tin; đầu tư xây dựng các sản phẩm thông tin phù hợp với từng nhóm đối tượng. Tăng cường thông tin về tình hình phát triển của Việt Nam trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là về quyền con người, tự do tín ngưỡng và tôn giáo, chính sách đối ngoại và chủ quyền biển đảo

Tăng cường công tác nghiên cứu, tham mưu về các phong trào nhân dân thế giới và tác động của tình hình thế giới hiện nay đến phong trào nhân dân thế giới và đối ngoại nhân dân, đề xuất kiến nghị tham mưu với Đảng, Nhà nước về chủ trương, chính sách, chiến lược triển khai đối ngoại nhân dân trong bối cảnh mới.

Thứ tư, Củng cố và phát triển tổ chức Liên hiệp Hữu nghị vững mạnh: Chúng tôi sẽ nỗ lực đổi mới phương thức quản lý, phong cách, quy trình làm việc để xây dựng Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, hạt nhân của hệ thống Liên hiệp hữu nghị, thực sự hiệu quả, chuyên nghiệp, đáp ứng đúng yêu cầu đối với một cơ quan thường trực, hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động của các hội thành viên.

Đồng thời chúng tôi cũng sẽ tập trung bồi dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thông qua nâng cao chất lượng công tác tập huấn, đào tạo cán bộ cho VUFO và cán bộ của các hội thành viên cả về kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và các kỹ năng cần thiết cho công tác ĐNND, đáp ứng yêu cầu của công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.

Các khán giả của Đài Tiếng nói Việt Nam (Đài TNVN) thực sự là những người Đại sứ của Việt Nam trên thế giới và cũng là người bạn đồng hành là những cộng tác viên rất gần gũi, thân thiết và quan trọng đối với mọi hoạt động đối ngoại nhân dân nên thông qua Đài TNVN, chúng tôi cũng xin gửi lời cảm ơn tới tất cả khán giả của Đài TNVN và tới nhân dân cả nước về sự ủng hộ đối với các hoạt động đối ngoại nhân dân. Chúng tôi mong rằng sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ của khán giả Đài TNVN trong các chương trình và hoạt động của Liên hiệp hữu nghị trong thời gian tới. Và nhân dịp Năm Mới, chúng tôi cũng xin kính chúc khán giả của Đài TNVN mạnh khỏe, hạnh phúc và nhiều thành công trong công việc.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà Nguyễn Phương Nga, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam về cuộc trao đổi này!./.

Theo vov.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất