Triển khai chậm vì loay hoay kinh phí…
Báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo Đề án 896 cho biết: Thực hiện Kế
hoạch triển khai Đề án 896 năm 2017, đến nay, Văn phòng BCĐ 896 và các
bộ, ngành, địa phương đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của Đề
án 896 theo đúng tiến độ đề ra.
Cụ thể, đã xây dựng các văn bản hướng dẫn về xây dựng, quản lý và
khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tổ chức tuyên truyền có hiệu
quả về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hoàn thành lựa chọn nhà thầu
triển khai dự án, tổ chức thí điểm thu thập thông tin dân cư và thí điểm
triển khai phần mềm đăng ký, quản lý cư trú, chuẩn bị các điều kiện về
hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực phục vụ triển khai dự án, tổ chức có
hiệu quả việc cung cấp số định danh cá nhân thông qua cấp Căn cước công
dân và đăng ký khai sinh, tham mưu và đề xuất với Chính phủ ban hành các
Nghị quyết về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các
cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư thuộc chức năng quản
lý Nhà nước của các bộ, ngành, hướng dẫn và đôn đốc các địa phương
thành lập Ban Chỉ đạo Đề án 896 để thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Báo cáo cũng chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Cụ
thể là, hiện nay Chính phủ đã ban hành 17/24 Nghị quyết về đơn giản hóa
thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và xây dựng các cơ sở dữ liệu liên
quan đến quản lý Nhà nước thuộc chức năng của các bộ, ngành. Tuy nhiên,
do những khó khăn về nguồn vốn nên tiến độ triển khai dự án Cơ sở dữ
liệu quốc gia về dân cư còn chậm so với kế hoạch đề ra. Do vậy, việc kết
nối, chia sẻ, khai thác thông tin giữa Cơ sở quốc gia về dân cư với các
cơ sở dữ liệu chuyên ngành vẫn chưa được thực hiện theo lộ trình đề
ra,...
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, qua rà soát việc ban
hành 17 nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hoá thủ tục hành chính và
giấy tờ công dân, Bộ Tư pháp nhận thấy để thực hiện được các nghị quyết
này cần sửa đổi rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật với nhiều đạo luật,
các nghị định thì mới có thể triển khai các Nghị quyết này. Nếu không
sửa đổi khối lượng lớn các văn bản pháp luật này thì nghị quyết vẫn trên
giấy, chậm đi vào cuộc sống.
"Việc kết nối, chia sẻ, liên thông các cơ sở dữ liệu của các bộ,
ngành như Tư pháp, Công an, Bảo hiểm xã hội, Thuế, Hải quan còn nhiều
khó khăn sẽ gây lãng phí nguồn lực đầu tư, không hiệu quả trong quá
trình đầu tư xây dựng", Thứ trưởng Ngọc nói.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho rằng, con số thống kê cắt
giảm các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh của các bộ, ngành số
liệu thì nhiều nhưng lại là các thủ tục, điều kiện đơn giản. Nhiều thủ
tục quan trọng vẫn chưa được cải cách, cắt giảm triệt để.
Bày tỏ lo lắng về sự chậm trễ trong quá trình triển khai Đề án này,
Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho rằng,
chúng ta vẫn cứ loay hoay vướng mắc về kinh phí thực hiện đề án. Do đó,
ông Hưng đề nghị BCĐ 896 cần có chương trình cụ thể thực hiện đề án, có
sự chỉ đạo quyết liệt thì mới có thể hoàn thành trong 2 năm tới (năm
2020 phải ứng dụng).
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, vướng mắc lớn nhất vẫn
là nguồn kinh phí thực hiện Đề án. Chúng ta loay hoay vấn đề này suốt
mấy năm qua vẫn chưa xong nên đề án bị chậm trễ vì liên quan đến Luật
Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư công.
Thứ trưởng cho biết thêm, hiện nay, Bộ Công an đã thực hiện cấp số định
danh cá nhân tại 16 tỉnh; việc cấp thẻ Căn cước công dân đang thực hiện
tốt, hướng tới dần thay thế chứng minh thư nhân dân và xây dựng Cơ sở dữ
liệu quốc gia về dân cư. Khi hoàn thành xong cái này có thể bỏ hộ khẩu,
quản lý theo "di dịch cư" đối với dân cư hiện nay.
Kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu thông tin để tránh chồng chéo, giảm chi phí
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ
nhấn mạnh: Năm 2017, BCĐ đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực
hiện Đề án 896. Mục tiêu lớn của Đề án là làm tốt hơn nữa công tác quản
lý, tổ chức về dân cư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và
doanh nghiệp, đồng thời cũng phục vụ cho nhiều mục tiêu quản lý khác như
phát triển kinh tế-xã hội, quản lý đô thị, dân số, an ninh trật tự theo
hướng hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế, không để tình trạng thủ
tục rườm rà, đi đâu cùng kè kè giấy tờ không cần thiết. Hướng tới xây
dựng Chính phủ điện tử, hiện đại, chuyên nghiệp, từ đó góp phần xây dựng
Chính phủ kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả trong năm
2018 và những năm tiếp theo.
Năm 2017, chúng ta đề ra 17 nhiệm vụ và nội dung lớn trong việc triển
khai Đề án 896 khá nghiêm túc, nhiều nhiệm vụ của Đề án 896 cơ bản hoàn
thành. Tuy nhiên, chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận, những loại giấy
tờ, thủ tục cần thiết đã được đơn giản thế nào, đã đúng chưa chứ không
chỉ nói về số lượng bao nhiêu thủ tục được đơn giản hoá.
"Xem những thủ
tục cần đơn giản đã trúng, đã đúng chưa? Đã tháo gỡ những khó khăn vướng
mắc của doanh nghiệp chưa? Do đó, phải gắn Đề án này với cải cách thủ
tục hành chính và trách nhiệm của các bộ, ngành cần rà soát lại các thủ
tục", Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.
Bộ Công an với trách nhiệm là cơ quan thường trực đã tích cực đẩy
nhanh tiến độ Đề án, chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực, rà soát
đơn vị hành chính và số lượng nhân khẩu, củng cố hồ sơ tài liệu quản lý
dân cư và các điều kiện cần thiết phục vụ cho triển khai Đề án. Việc cấp
số định danh cá nhân và thẻ Căn cước công dân triển khai một số tỉnh
thành đạt kế quả đáng khích lệ.
Phó Thủ tướng Thường trực cũng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo cần
nhìn nhận những vướng mắc, bất cập, khó khăn trong quá trình thực hiện
Đề án, để quyết tâm cao trong việc khắc phục các tồn tại này trong thời
gian tới.
Qua ý kiến các thành viên tại cuộc họp cho thấy vướng mắc nhất là
nguồn kinh phí thực hiện, Phó Thủ tướng Thường trực giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư
chủ trì phối hợp với Bộ Công an và Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện
thủ tục bổ sung dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào danh
mục đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2016-2020, báo cáo Uỷ ban Thường
vụ Quốc hội xem xét.
Các bộ ngành, địa phương đã và đang xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống
thông tin chuyên ngành cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc
rà soát lại để tránh sự chồng chéo, lãng phí, phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội, tiết kiệm ngân sách Nhà nước, đẩy nhanh tốc độ phát triển, tạo
thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, quản lý nhà nước thuận lợi,
tiết kiệm chi phí cho nhân dân. Bộ Công an khẩn trương bố trí kinh phí
và chỉ đạo công an các địa phương triển khai các hạng mục công việc của
dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Việc ban hành Nghị quyết đơn giản hoá thủ tục hành chính liên quan
đến quản lý dân cư, các bộ ngành chưa hoàn thiện dự thảo nghị quyết cần
khẩn trương hoàn thành, trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.
"Các bộ, ngành đã được Chính phủ thông qua nghị quyết đơn giản hoá
thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của mình, cần phối hợp chặt chẽ
với Bộ Công an bám sát tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân
cư để xây dựng kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả. Việc đơn
giản hoá thủ tục cũng cần đi vào thực chất, trọng tâm, không chỉ là số
lượng thủ tục đơn giản hoá mà thôi", Phó Thủ tướng Thường trực nói.
Các địa phương phối hợp với Bộ Công an thực hiện hiệu quả chỉ thị của
Thủ tướng Chính phủ về triển khai đồng bộ việc cấp việc cấp số định
danh cá nhân cho công dân theo kế hoạch đã đề ra. Việc này đã thực hiện
thí điểm ở 16 tỉnh, thành phố, Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Tư
pháp và các bộ ngành cần rút ra kinh nghiệm trong thực hiện và triển
khai công tác thu thập thông tin dân cư và tiếp tục mở rộng việc cấp số
định danh cá nhân đến các địa phương, bảo đảm đến năm 2019, 63 tỉnh
thành đều được cấp số định danh cá nhân theo quy định của Luật Căn cước
công dân, Luật Hộ tịch và chỉ đạo của Chính phủ.
Sau cuộc họp này, Văn phòng BCĐ 896 tiếp thu ý kiến các thành viên,
trình Trưởng ban ký ban hành văn bản làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa
phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Các thành viên cần chủ
động, sát sao hơn nữa trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm
vụ được giao./.
(Nguồn: chinhphu.vn)