Sáng 6/5, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội bắt đầu Phiên họp toàn thể lần thứ 14, tiến hành thẩm tra dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam với sự điều hành của Chủ nhiệm Võ Trọng Việt. Tham dự phiên họp có Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, cùng các ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đại diện các bộ, ban, ngành.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Theo tờ trình của Chính phủ, xuất phát từ yêu cầu cải cách thủ tục hành
chính, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý
xuất-nhập cảnh và triển khai Đề án Sản xuất, phát hành hộ chiếu có gắn
chíp điện tử đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc xây dựng dự
luật là cần thiết để tạo cơ sở pháp lý trong việc thu thập thông tin, dữ
liệu, cấp, quản lý và sử dụng giấy tờ xuất-nhập cảnh; tạo điều kiện
thuận lợi cho công dân trong việc xuất cảnh, nhập cảnh, đặc biệt là qua
hệ thống kiểm soát xuất-nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, dự luật không đặt vấn đề “nộp
hồ sơ” khi đề nghị cấp hộ chiếu, mà chỉ quy định điền vào tờ khai theo
mẫu hoặc khai qua mạng internet. Người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông
lần đầu trong nước nếu có căn cước công dân có quyền lựa chọn tiếp nhận
tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu tại công an địa phương nơi thuận tiện nhất.
Đối với hộ chiếu phổ thông, dự luật không đặt vấn đề hộ chiếu còn hạn
hay hết hạn, mà quy định người đề nghị cấp hộ chiếu từ lần thứ hai trở
đi được lựa chọn nơi tiếp nhận tờ khai. Người dân cũng được quyền lựa
chọn nơi nhận hộ chiếu. Dự luật quy định việc khôi phục giá trị hộ chiếu
bị mất được tìm thấy, nếu người dân có yêu cầu.
Cơ quan quản lý nhà nước sẽ áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong
việc kiểm soát nhập cảnh bằng hệ thống cổng kiểm soát tự động, tạo điều
kiện thuận lợi cho người dân khi xuất-nhập cảnh.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Trần Ngọc Khánh
trình bày dự thảo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về
dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu về cơ bản nhất trí với sự cần
thiết ban hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Đồng
thời, các đại biểu cũng góp ý vào nhiều vấn đề cụ thể, như: Trình tự,
thủ tục cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông;
xây dựng và chia sẻ cơ sở dữ liệu xuất-nhập cảnh của công dân Việt Nam;
hộ chiếu có gắn chíp điện tử; quyền và nghĩa vụ của công dân; cấp hộ
chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ…
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị
các cơ quan hữu quan nghiên cứu, bổ sung quy định mới nhằm ứng dụng khoa
học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong quản lý để nâng cao chất lượng
quản lý hoạt động xuất-nhập cảnh.
“Tôi đề nghị cần đặc biệt quan tâm đến các quy định về quy trình, thủ
tục gắn với cải cách hành chính, minh bạch và đơn giản các khâu đoạn. Về
nguyên tắc cấp hộ chiếu, quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân phải
chặt chẽ, không để xảy ra thiếu sót nhưng thủ tục phải đơn giản, không
gây phiền hà, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu đi lại của nhân dân”, Phó chủ
tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nói./.
Chiến Thắng (qdnd.vn)