Tuổi trẻ và những trải nghiệm
Dẫu sông Chảy bắt nguồn là huyện Xín Mần (Hà Giang), nhưng đoạn đẹp nhất chảy qua địa phận tỉnh Lào Cai. Với lợi thế này, tỉnh Lào Cai đã tổ chức tuyến du lịch trải nghiệm bằng thuyền trên sông. Khách sẽ được đưa về bến thuộc xã Cốc Ly hoặc xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà) để ngược sông khám phá cảnh sắc hoang sơ của đôi bờ chung quanh. Thế nhưng không đợi có tuyến du lịch, từ lâu các nhóm “phượt” sành đã đi theo tuyến khác, là lên xã Nàn Sán (huyện Si Ma Cai) khám phá đời sống bà con, nơi những con suối đẹp từ Trung Quốc đổ về, cùng với nhánh sông Chảy từ Hà Giang đổ sang mà làm nên mảnh đất trữ tình này. Nàn Sán còn khu rừng già nguyên sinh, đồng bào Mông sống hào sảng, nhiệt tình nên chẳng bao lâu khu vực này là điểm dừng chân, đón Xuân trong hành trình của nhiều nhóm trẻ. Với nhóm Bè Bạn, tập hợp một số bạn thích trải nghiệm những điều mới mẻ luôn thích xê dịch, cứ thượng nguồn sông mà đến. Họ coi việc đón Xuân với những trải nghiệm khám phá mới là mục đích. Từ đó, cùng với việc du Xuân nhóm cũng hướng tới những việc làm thiện nguyện, góp phần giúp miền biên viễn thêm ấm vui.
Bạn Hoàng Quang Bích, sinh viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội, thành viên nhóm Bè Bạn chia sẻ: “Đón Xuân vùng cao có cái đặc biệt, đón ở vùng thượng nguồn sông lại có điều độc đáo hơn. Cũng bởi khi đó, cảm giác thật tươi mới khi sống cùng những nếp sinh hoạt bình dị của người dân”.
Ở một hướng đi khác, chính là cột mốc số 17, với tên xã rất đặc biệt - Kẻng Mỏ, là vùng đất vô cùng hoang sơ của huyện Mường Tè (Lai Châu). Chừng chục năm trở về trước, rất ít du khách đặt được chân đến đây. Muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ - nơi sông Đà “nhập tịch” vào Việt Nam chỉ có mỗi phương tiện là xuồng. Sau đó, đường vào trung tâm xã trở nên “dễ thở” hơn, vào đầu năm, mùa Xuân nhiều bạn trẻ đã đặt mục tiêu trong hành trình. Đầu Xuân năm 2007, tôi cùng nhóm bạn ưa khám phá đã đến đón Xuân tại mảnh đất này. Giờ quay trở lại vẫn ngấm cái hương vị của miền biên viễn. Dẫu nơi đặc biệt này chỉ cách thành phố Lai Châu 260 km, vậy mà sao xa xôi quá đỗi! Chính cảnh sắc ven đường, những người dân xuống chợ, du Xuân với nụ cười trắng lấp lóa đã xóa nhòa sự nhọc mệt cho những gương mặt trẻ. Kẻng Mỏ - nơi thượng nguồn sông Đà, không lắm thác nhiều ghềnh như trước, nhưng nó vẫn dội về sâu trong lòng đất Mẹ những hợp âm của nước, của núi rừng với sự kỳ vĩ và bền bỉ. Nơi đây còn lưu truyền lại những câu chuyện con người chinh phục thiên nhiên, đấu tranh với thú dữ để sinh tồn. Giờ đây, các chiến sĩ Đồn Biên phòng Ka Lăng cùng với người dân giữ đất, giữ rừng, tăng gia sản xuất, Xuân đến thì quân dân một lòng đón Xuân vui vẻ. Khách đến thì đón tiếp nhiệt tình, vui Xuân nhưng không quên nhiệm vụ.
Trên đường từ Kẻng Mỏ quay trở ra, tôi đã mang được những viên sỏi nhỏ từ miền biên giới theo mình, để sẽ gìn giữ như một kỷ vật. Rồi không khí Xuân, hoa, sương và phong vị rừng núi cũng theo tôi đi một hành trình khác. Hành trình lên Lũng Pô, một mảnh đất cũng kỳ diệu của huyện Bát Xát (Lào Cai). Chính nơi đây, con sông Hồng bắt nguồn từ Trung Quốc chảy vào đất Mẹ, cũng là nơi nhà thơ Dương Soái đã viết thơ và nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc bài “Gửi em ở cuối sông Hồng” nổi tiếng và ăn sâu vào tiềm thức người dân bao năm qua.
Đất nhớ đất thương
Vẻ trữ tình của dòng sông.
Phải nói rằng Lũng Pô là đất thương đất nhớ, nơi cao hơn mực nước biển hơn 1.200 mét, bốn mùa lững thững sương giăng. Sông Hồng chảy vào đất Việt, sông mang nặng phù sa, bồi đắp cho những cánh đồng của một miệt đồng bằng rộng lớn. Mùa màng sẽ được bội thu và lúa ngô chắc mẩy. Lũng Pô giờ là bản nhỏ của xã A Mú Sung, nép mình dưới tán rừng già với rất nhiều suối nhỏ. Vào mùa Xuân, nơi đây được mệnh danh là “bến Xuân” bởi nhiều trai gái đến tụ hội, ngắm cảnh, ngắm hoa, nói lời yêu nhau dịu ngọt. Hòa vào không khí ấy, nhiều đôi bạn trẻ miền xuôi cũng đã tìm đến, như là một thử thách nhỏ cho tình yêu tuổi đôi mươi. Ở đó, giữa trùng điệp núi non, đoạn ngã ba sông Hồng và một con suối từ xã A Lù chảy qua chia thành hai dòng đục-trong rõ rệt, chàng trai sẽ nắm tay cô gái. Cả hai khắc ghi hình ảnh này, khoảnh khắc này để luôn gìn giữ ấp iu những kỷ niệm của mình, dù cuộc sống khó khăn vất vả nhưng sẽ cùng nhau cố gắng vượt qua. Cũng có chàng si tình, tìm về Lũng Pô, cất cao tiếng hát và ước vọng gửi về người em nhỏ miền xuôi, như muốn thể hiện một tình yêu chân tình giữa thời công nghệ hiện đại. Tuyệt diệu thay, tình yêu của họ không chỉ đẹp mà chính người con gái trong câu chuyện cũng quyết tâm về đầu nguồn cảm ơn sông. Phải chăng khúc sông này đã trở thành nơi gửi gắm và trải nghiệm của những trái tim dám sống?
Tôi, và hẳn nhiều bạn trẻ khác với xu hướng chinh phục các thượng nguồn dòng sông, muốn nếm trải cảm giác cực kỳ lạ lẫm, không thể bỏ qua dòng Sê-rê-pốc. Đây là con sông được hợp lưu từ sông Krông Ana - sông mẹ (tỉnh Đác Lắc) và sông Krông Nô – sông cha (tỉnh Đác Nông). Theo lẽ thường, các dòng sông chảy xuôi, nhưng Sê-rê-pốc là một trong số ít những dòng sông chảy ngược, đổ sang nước bạn Cam-pu-chia trước khi hợp lưu với sông Mê-Kông. Cách đây chừng 10 năm, những tour du lịch trải nghiệm đã được tổ chức và khách đến khá đông. Nói đến tỉnh Đác Nông là nói đến xứ sở của những con thác lớn. Đây cũng là một trong những tuyến du lịch lớn nhất của khu vực Tây Nguyên. Dòng sông không chỉ mang lại nguồn lợi thủy sản lớn cho người dân mà còn giúp tưới tiêu cho các nương cà-phê, cung cấp nước sinh hoạt cho hàng vạn hộ dân.
Xin mách các bạn, đã đến Tây Nguyên, chúng ta không thể bỏ qua việc khám phá các thác Đray Sáp, Gia Long khá hung dữ, thác Trinh Nữ hiền hòa, thác Đác G’lun với cảnh non nước hữu tình. Bên trên dòng thác là những khối đá lớn và bằng phẳng tựa những tấm thảm trải rộng. Đồng bào Ê-đê ở Tây nguyên hiếu khách, sẵn sàng tiếp đón những vị khách phương xa đến thăm và lưu trú, tìm hiểu phong tục tập quán, sinh hoạt đặc sắc của người dân.
Nhưng ắt hẳn, tuổi trẻ sẽ vẫn còn những ước vọng khám phá nữa. Thì mảnh đất Vĩnh Xương, huyện Tân Châu (tỉnh An Giang) cũng là nơi “tiếp nhận” con sông Tiền, chảy từ nước bạn Cam-pu-chia. Sông Tiền vốn đã đẹp, càng trở nên trữ tình khi mùa Xuân đến, hoa lục bình tím biếc một vạt sông dài. Rồi cũng chẳng ai có thể bỏ qua con sông Vàm Cỏ Đông, chảy từ Cam-pu-chia về tỉnh Tây Ninh qua địa phận xã Phước Vinh (huyện Châu Thành). Đây là con sông hiền hòa, đã đi vào bao lời thơ, câu hát, trở thành huyền thoại trong đời sống của người dân các tỉnh phía nam của nước ta.
Đón Xuân Đinh Dậu 2017, bạn dự định tham gia hành trình nào? Mỗi hành trình, ắt hẳn phải chất chứa ở đó niềm đam mê, sự dấn thân và cả quyết tâm vượt qua bản thân. Bởi xét đến cùng, cuộc đời là những chuyến đi. Nhưng những chuyến đi sẽ có nhiều ý nghĩa khi mỗi người xác định những hành trình ý nghĩa và kết nối thiện nguyện. Như nhóm trẻ Xuyên Việt vì trẻ em, đã thực hiện được hành trình ý nghĩa, vừa làm chương trình từ thiện, vừa chụp ảnh và chiếu phim cho trẻ em đồng bào nghèo. Các bạn trẻ cho biết, niềm vui sẽ được nhân lên, khi trong điều kiện cần, chúng ta xuất hiện với những việc làm ý nghĩa. Vâng. Đó không chỉ là những chuyến trở về thượng nguồn sông, mà là hành trình của Xuân ấm đặc biệt.
Nguyễn Văn Học/ Nhân Dân