Thứ Năm, 19/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 1/12/2021 15:39'(GMT+7)

Đồng chí Nguyễn Thị Doan tái đắc cử chức Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ VI. (Ảnh: TA)

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ VI. (Ảnh: TA)

Cùng tới dự Đại hội có đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học Việt Nam; đồng chí Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng nhiều đại biểu của các Bộ, Ban, ngành Trung ương và hơn 400 đại biểu đại diện các tổ chức Hội Khuyến học trên cả nước.

Đại hội vinh dự đón nhận lẵng hoa chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ...

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước gửi Thư chúc mừng Đại hội.

Các đại biểu dự Lễ khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ V. (Ảnh: TA)

Các đại biểu dự Lễ khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ V. (Ảnh: TA)

NHÌN LẠI CHẶNG ĐƯỜNG 25 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Phát biểu khai mạc Đại hội, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan cho biết: Đại hội nhiệm kỳ nào cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng, song Đại hội nhiệm kỳ này của Hội Khuyến học Việt Nam ý nghĩa đó được tăng lên gấp bội, mang tính lịch sử vì Đại hội được tổ chức vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân ta đang triển khai mạnh mẽ chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong bối cảnh vừa phải phát triển đất nước, thực hiện mục tiêu Đại hội Đảng đề ra, vừa phải căng mình đối phó với dịch bệnh với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cả vật chất và tinh thần của nhân dân ta.

GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khóa V phát biểu khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ V. (Ảnh: TA)

GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khóa V phát biểu khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ V. (Ảnh: TA)

Nhìn lại nhiệm kỳ qua, đồng chí Nguyễn Thị Doan khẳng định với sự nỗ lực vượt bậc, sự đoàn kết nhất trí trong toàn hệ thống dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, sự phối hợp của các tổ chức, các bộ, ban, ngành, sự đồng thuận của nhân dân, Hội đã không ngừng đổi mới và chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tốt, hoàn thành vượt mức các kế hoạch Đại hội V đề ra, góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện sự nghiệp giáo dục – đào tạo và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đánh dấu sự phát triển cả về chất và về lượng của hệ thống Hội suốt quá trình xây dựng và phát triển, bước đầu đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, dưới sự tác động mạnh mẽ của cách mạng 4.0.

Đồng chí Nguyễn Thị Doan mong muốn mỗi đại biểu về dự Đại hội tập trung suy nghĩ, tích cực đóng góp ý kiến và tiếp thu Nghị quyết Đại hội với tinh thần khẩn trương, khoa học, khí thế mới, quyết tâm mới, để Đại hội thực sự là Đại hội của “Đoàn kết -Trí tuệ - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển”.

Trong Diễn văn Lễ kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập Hội Khuyến học Việt Nam (2/10/1996 – 2/10/2021), Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan khẳng định: 25 năm qua, 1/4 thế kỷ xây dựng và trưởng thành, Hội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, thực hiện toàn diện các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao. Tổ chức Hội có quyền tự hào về những gì đã đạt được, đã vượt qua nhiều khó khăn vất vả để hoàn thành sứ mệnh của mình. Chặng đường 25 năm hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam đã góp phần tạo nên một cột mốc đánh dấu sự phát triển của lịch sử giáo dục nước nhà bằng những mô hình học tập, góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhìn lại chặng đường 25 năm, Hội Khuyến học Việt Nam đã lớn mạnh cả về chất và về lượng. Tổ chức Hội đã phủ kín các xã, phường, thôn, bản với hơn 21 triệu hội viên, đưa việc học tập suốt đời và xây dựng các thiết chế học tập của người dân gắn chặt với đời sống cộng đồng thôn bản, tổ dân phố.

Hội đã khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học tốt đẹp của dân tộc ta, thúc đẩy từng người dân, từng dòng họ, từng bản làng tham gia vào việc học tập thường xuyên. Hội luôn luôn gắn việc học của mỗi người dân với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “học không bao giờ cùng” như một triết lý của sự học hành, coi việc học như một quyển sách không có trang cuối cùng, càng đọc càng thấy tri thức như một biển cả không bờ bến, đúng như Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Học mãi để tiến bộ mãi, càng tiến bộ càng thấy cần phải học thêm”.

Đồng chí Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh, là một tổ chức xã hội nghề nghiệp với các thành viên chủ yếu là những người đã về hưu, Hội Khuyến học Việt Nam đã tiến hành sự nghiệp khuyến học bằng tinh thần tự nguyện, phấn đấu không mệt mỏi, hoàn thành tốt sứ mệnh của mình trong phạm vi cả nước. Sau chặng đường 25 năm (1996 – 2021), toàn thể cán bộ, hội viên của Hội Khuyến học Việt Nam sẽ tiếp tục tiến về phía trước bằng cả nhiệt huyết của mình, đi tiếp đoạn đường sắp tới, trước mắt là đoạn đường 2021- 2030.

Đồng chí Nguyễn Thị Doan chỉ rõ, 10 năm sắp tới, với bối cảnh mới cách mạng 4.0 tác động mạnh mẽ hơn, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp hơn, nền kinh tế tri thức đòi hỏi nhiều hơn về khối lượng tri thức mà con người cần có để làm giàu trí tuệ của mình. Nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới trong bối cảnh đó Hội phải thực hiện mục tiêu kép: vừa phải thực hiện thành công mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đề ra, vừa phải phòng chống dịch tốt. Trong điều kiện ấy, các phương thức học tập cũng như nội dung và phương pháp dạy – học đều phải đổi mới theo hướng mở, học trực tuyến kết hợp với học trực tiếp, lấy “tự học làm cốt” theo tư tưởng của Bác Hồ.

Để chuẩn bị đi vào giai đoạn mới và để hội nhập thành công, đồng chí Nguyễn Thị Doan chia sẻ: Công dân Việt Nam trước hết phải có đủ năng lực học tập, sống trong môi trường số. Lao động trong các lĩnh vực của nền kinh tế cần được phổ cập những tri thức và kỹ năng thiết yếu để sử dụng các thiết bị di động thông minh, sử dụng thành thạo những công nghệ mới, đồng thời họ cần được trang bị về ngoại ngữ ở các cấp độ khác nhau.

Công dân học tập với 10 tiêu chí Hội đã xây dựng sẽ là yếu tố cốt lõi đáp ứng các năng lực cần có của người lao động. Công dân học tập cũng sẽ làm nòng cốt của gia đình học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập và là tiêu chí cơ bản trong xây dựng các mô hình huyện học tập, tỉnh học tập, thành phố học tập và chính các mô hình học tập ấy sẽ là môi trường nuôi dưỡng những công dân học tập nêu trên.

KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ CỦA HỘI TRONG SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC NƯỚC NHÀ

Báo cáo Tổng kết hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam nhiệm kỳ V, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, Đại hội VI đánh dấu đoạn đường 1/4 thế kỷ đã đi qua.

Trong 5 năm qua, kể từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V (2016-2021) của Hội khuyến học đến nay, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã có những tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới. Xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế gia tăng, nền kinh tế tri thức với những công nghệ hiện đại đã tạo nên những bước chuyển biến từ xã hội tri thức hướng dần tới xã hội thông minh.

Quang cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ V. (Ảnh: TA)

Quang cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ VI. (Ảnh: TA)

Trong khi đó, đại dịch COVID-19 phát triển và hoành hành dữ dội ở hầu khắp các quốc gia, các vùng lãnh thổ. Nước ta gặp muôn vàn khó khăn vì phải liên tục đối phó với bão lụt và hạn hán diễn ra hàng năm, lại phải gồng mình vì những đợt đại dịch Covid-19 bùng phát.

Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn như vậy, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập vẫn tiếp tục phát triển và khẳng định nội lực của hệ thống Hội khuyến học toàn quốc.

Theo đó, giai đoạn 2016-2021, Hội đã thực hiện tốt chức năng tư vấn, đề xuất với cấp ủy và chính quyền các cấp về chỉ đạo các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ V của Hội, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 tỷ lệ hội viên so với tổng dân số phải đạt 20%. Mức phấn đấu này đã được các Hội Khuyến học địa phương quyết tâm đạt và vượt mức (tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ này là hơn 21,5%). Một điểm mạnh trong hoạt động tổ chức hội là việc duy trì hoạt động của các Cụm khuyến học.

Hiện nay, nước ta có 460 trường đại học và cao đẳng (224 trường đại học, 236 trường cao đẳng). Trong đó, đã có 284 trường đã thành lập các tổ chức khuyến học (86 trường đại học, 198 trường cao đẳng), chiếm 61,73% tổng số trường đại học và cao đẳng.

Về công tác triển khai thực hiện Đề án 281, trên thực tế, kết quả phấn đấu của toàn Hội đạt vượt mức mục tiêu tỷ lệ các mô hình học tập đề ra: Về gia đình học tập, đã vượt mức quy định 2,11%. Về dòng họ học tập, đã vượt mức quy định 16,51%. Về cộng đồng học tập, đã vượt mức quy định 5,38%. Về đơn vị học tập, đã vượt mức quy định 35,73%.

Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khẳng định, việc thực hiện thắng lợi Đề án 281 là do các khâu của quá trình triển khai được chuẩn bị chu đáo, từ xây dựng kế hoạch chi tiết đến triển khai cụ thể có sự kiểm tra, đánh giá, sơ kết, với quy trình chặt chẽ.

5 năm qua, với sự nỗ lực cao của các thành viên Ban quản lý, Quỹ Khuyến học Việt Nam đã huy động các tổ chức, cá nhân ủng hộ quỹ; nhờ đó Hội đã có nguồn lực để giúp đỡ cho học sinh, sinh viên, người lớn có điều kiện tham gia học tập tốt  hơn.

Tổng số tiền huy động Quỹ trong 5 năm là 47.809.286.469 đồng, đã chi hỗ trợ học bổng là 27.481.959.627 đồng. Ngoài ra, còn rất nhiều phần thưởng, hiện vật, kinh phí giúp xây dựng cầu Dân trí, phòng học chức năng, mua sách vở, thiết bị học tập, máy tính, quần áo, giầy dép… đã được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho toàn ngành giáo dục.

Bên cạnh đó, các loại quỹ khuyến học đều phát triển nhanh, vững chắc. Số tiền huy động trong xã hội ngày càng lớn. Theo báo cáo của các địa phương, tổng số tiền dư trong quỹ ở cuối năm 2020 là 2.914.878.000.000đồng, bình quân trên đầu người là 30.509 đồng. Theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ V của Hội, bình quân tiền quỹ trên đầu người dân cần đạt mức 30.000 đồng. Mức này đã đạt và vượt mức trong cả 5 năm. 

GS.TS. Phạm Tất Dong cũng cho biết, công tác vận động người lớn tham gia học tập thường xuyên và góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng.

"Phong trào học tập của người lớn được đẩy mạnh, các nội dung chủ yếu như xóa mù chữ, bổ túc văn hóa, tin học, ngoại ngữ, học nghề, hướng nghiệp, chuyên đề về khoa học, đời sống, chăn nuôi, cây trồng… đã huy động được hơn 101.175.530 lượt người theo học trong 5 năm", GS.TS. Phạm Tất Dong chia sẻ.

Tựu chung, Đại hội đại biểu lần thứ V của Hội Khuyến học Việt Nam đã đề ra 10 nhiệm vụ cơ bản trong giai đoạn 2016 - 2021. Qua 5 năm, tất cả các nhiệm vụ đề ra đều được hoàn thành đầy đủ; có những nhiệm vụ còn vượt mức kế hoạch.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam vẫn trăn trở khi có một số địa phương, kết quả triển khai một số nhiệm vụ chưa bảo đảm được yêu cầu. Sự không đồng đều, thậm chí còn chênh lệch trong hoạt động giữa các Hội Khuyến học địa phương đã tồn tại nhiều năm mà chưa có giải pháp tháo gỡ.

Năng lực hoạt động của một số cán bộ Hội, nhất là năng lực vận động, tuyên truyền, giải thích cho người dân, năng lực tham mưu cho lãnh đạo… ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Tại những nơi mà cán bộ chưa quan tâm hoặc thiếu kỹ năng làm công tác dân vận thì phong trào khuyến học gặp nhiều khó khăn.

Một số địa phương chưa hoàn thành mục tiêu xây dựng các mô hình học tập, nhất là mô hình gia đình học tập… được quy định trong Đề án 281.

MÔ HÌNH XÃ HỘI HỌC TẬP SẼ DẦN ĐƯỢC NHẬN THỨC NHƯ ĐIỀU SỐNG CÒN CỦA MỖI QUỐC GIA

Nhìn lại 5 năm qua, có thể đánh giá tổng quát sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở nước ta đã vượt nhiều khó khăn, đạt thành tựu đáng nể.

Phong trào khuyến học, khuyến tài đã ăn sâu, bắt rễ vào từng cộng đồng dân cư trong khắp cả nước. Nhân dân trong từng thôn bản, tổ dân phố đều tích cực hưởng ứng chủ trương xây dựng xã hội học tập của Đảng và Nhà nước, phấn khởi tiếp nhận và thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao.

“Xã hội học tập đang từng bước được định hình rõ nét thông qua việc xây dựng các mô hình học tập trên địa bàn hành chính cấp xã và bước đầu hình thành các mô hình học tập cấp huyện và cấp tỉnh… theo hướng tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những yêu cầu được đặt ra trong chương trình chuyển đổi số quốc gia”, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết.

Hội Khuyến học Việt Nam đã trở thành một lực lượng xã hội thực sự lớn mạnh, có phạm vi hoạt động trong cả nước với số lượng thành viên chiếm trên 1/5 dân số. Hội đã được Đảng và Nhà nước tin tưởng, giao nhiệm vụ.

Hội Khuyến học đã và đang thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng xã hội, vận động toàn dân học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Hội được sự ủng hộ của nhân dân vì lợi ích của Hội gắn liền với lợi ích của nhân dân, hội viên của Hội là những người dân giác ngộ quyền lợi do xã hội học tập mang lại, tổ chức của Hội gắn liền với thôn, làng, bản, tổ dân phố, là tổ chức của dân, do dân và vì dân.

“Những khó khăn mà phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã và đang gặp phải dù lớn đến đâu thì cũng là nhất thời. Về lâu dài, trong xu thế chung của sự phát triển đất nước và thế giới, xã hội học tập sẽ được nhận thức như điều sống còn của mỗi quốc gia muốn có chỗ đứng xứng đáng trên thế giới”.

Điều kiện cơ bản để tháo gỡ các rào cản là đã có những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Vấn đề là Hội Khuyến học phải biết tự hoàn thiện và lớn mạnh; liên minh giữa Hội Khuyến học với các lực lượng xã hội phải được đẩy mạnh, bền chặt hơn nữa.

Về nhiệm vụ cơ bản và giải pháp về khuyến học trong nhiệm kỳ VI, GS.TS Phạm Tất Dong khẳng định: Tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển các tổ chức Hội và hội viên theo hướng tiếp tục tăng về số lượng và nâng cao năng lực vận động nhân dân thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; Đẩy mạnh phong trào thi đua học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị trên cơ sở hoàn thiện các tiêu chí đã dùng trong giai đoạn 2016 – 2020 và bổ sung những yêu cầu mới đối với công dân học tập vào tiêu chí đánh giá của các mô hình học tập; Phát triển quỹ khuyến học theo hướng đa dạng, mang lại hiệu quả cao của các suất học bổng cho học sinh, sinh viên, của các phần thưởng dành cho học sinh và người lớn có thành tích học tập tốt, hỗ trợ giáo viên có hoàn cảnh khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

ĐẨY MẠNH VIỆC XÂY DỰNG CÁC MÔ HÌNH GIÁO DỤC MỞ, KỸ NĂNG SỐNG CHO NHÂN DÂN

Phát biểu ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của các hội viên hội khuyến học trên cả nước trong nhiệm kỳ vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, các hoạt động khuyến học đã góp phần quan trọng, không thể thiếu trong sự nghiệp phát triển, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nước nhà.

Phó Thủ tướng Vũ Đắc Đam khẳng định học tập là một trong những nội dung, yêu cầu tối quan trọng của việc xây dựng con người, xây dựng nền văn hoá Việt Nam. (Ảnh: TA)

Phó Thủ tướng Vũ Đắc Đam khẳng định học tập là một trong những nội dung, yêu cầu tối quan trọng của việc xây dựng con người, xây dựng nền văn hoá Việt Nam. (Ảnh: TA)

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong hình hình dịch bệnh phức tạp, càng thấy rõ tầm quan trọng của tri thức và vai trò của việc duy trì việc học tập trong nhà trường và việc học tập thường xuyên của người lớn. Những tác động của dịch Covid-19 và cuộc Cách mạng 4.0 đã gợi mở về khả năng thích ứng của mọi người trong học tập. Thời gian qua, các chỉ số liên quan đến việc học của Việt Nam đều xếp ở thứ hạng cao hơn so với các nước có cùng mức độ phát triển kinh tế.

Giai đoạn 2021-2026, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ mong muốn, Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đưa ra nhiều mô hình mới, nhiều cách làm hay, trong đó có việc đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình học tập như gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập…

Trong điều kiện dịch bệnh có thể còn kéo dài, Hội Khuyến học Việt Nam cần tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong việc phối hợp với các đơn vị, địa phương và các lực lượng để duy trì việc học tập của hệ thống giáo dục chính quy; đẩy mạnh các mô hình giáo dục mở; tăng cường giáo dục kỹ năng sống; có nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống trung tâm học tập cộng đồng cấp xã...

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Ban Chấp hành khóa VI Hội Khuyến học Việt Nam chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: TA)

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Ban Chấp hành khóa VI Hội Khuyến học Việt Nam chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: TA)

Hội Khuyến học Việt Nam đã bầu ra Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ 2021-2026 gồm 94 thành viên; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan tái đắc cử Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhiệm kỳ 2021- 2026.

Nhân dịp này, Hội Khuyến học Việt Nam tặng Cờ đơn vị thi đua xuất sắc cho 24 tập thể hội khuyến học các tỉnh, thành phố; tặng Bằng khen cho 18 hội khuyến học các tỉnh, thành phố và tặng Bảng vàng ghi danh cho 14 hội viên có nhiều đóng góp cho hoạt động khuyến học.

Danh sách Lãnh đạo Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2025 như sau:

1. Bà Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam.

2. Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam.

3. Bà Phạm Thị Hòe, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam.

4. Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam (không chuyên trách).

5. Bà Trương Thị Hiền, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, phụ trách phía Nam.

6. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam.

7. Bà Lê Nữ Thùy Dương, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam (không chuyên trách).

Tin, ảnh: Nhật Minh

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất