“Dòng sông kể chuyện” – là tên của một cuộc trưng bày về gốm, một trong những hoạt động chính của festival làng nghề truyền thống Huế 2009.
Đây là lần đầu tiên, công chúng được tận mắt chứng kiến hàng trăm hiện vật gốm tiêu biểu được trục vớt từ dưới các lòng sông của Huế từ sau năm 1975 cho đến nay.
Dù không được sang trọng và có giá trị về mặt vật chất như nhiều bộ sưu tập khác trong lễ hội (bởi toàn đồ vỡ), nhưng “dòng sông kể chuyện” đã thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách bởi sự mộc mạc, và đằng sau đó là những câu chuyện đời thường dung dị.
Bởi mỗi hiện vật là mỗi câu chuyện kể, là sự bắt gặp những hình ảnh quen thuộc, không thể thiếu và có sự gắn bó chặt chẽ với mỗi gia đình người Việt từ cung đình cho đến cùng định, từ sinh, lão, bệnh, tử cho đến quan, hôn, tang, tế, ẩm thực...
Mỗi một mảnh gốm vỡ là một miền ký ức mà qua đó, chúng ta có thể nhận biết được khá chính xác đời sống xã hội, văn hoá, kinh tế của từng giai đoạn lịch sử.
Đó là những chuyện kể về văn hoá Sa Huỳnh độc đáo từ “mấy ngàn năm trước”. Là dấu ấn văn hoá của người Chăm Pa trên vùng đất Thuận Hoá – Phú Xuân xưa, nhưng hiện vẫn còn phảng phất. Là những bình vôi, ống nhổ ghi nhớ, thể hiện tục ăn trầu cau có từ lâu đời của người Việt hiện vẫn còn được tiếp nối trong một bộ phận người dân.
Là những “thấp thoáng Thăng Long – Đông Đô” với những mãnh vỡ của những dòng gốm thuần Việt như Phù Lãng, Chu Đậu, Bát Tràng...có niên đại từ các thời Lý, Trần, Lê...
Là những cây đèn bằng gốm rất độc đáo của người xưa mà cha ông ta đã dùng để “nối đêm vào ngày” - điều không dễ gì hình dung được dù công cuộc “điện hoá”, đặc biệt là ở vùng nông thôn đến nay vẫn chưa hoàn thành.
“Ẩm thực xưa -nay”.
Rồi những chuyện kể về “văn hoá ẩm thực” qua những nồi, niêu, soong, chảo...phục vụ cho việc nấu nướng hàng ngày của người dân thường cũng như vua chúa trong các cung đình xưa...
Hay “đời thường xưa-nay” với bộ sưu tập những chén, dĩa...phục vụ việc ăn uống hàng ngày của người dân, gồm những hiện vật có niên đại từ thời Lý, Trần...cho đến gần đây nhất.
Triển lãm “dòng sông kể chuyện”, chủ yếu là những hiện vật gốm trục vớt của nhà nghiên cứu văn hoá Huế, ông Hồ Tấn Phan, người đã bỏ công sưu tập được hàng ngàn hiện vật gốm từ nhiều năm nay.
Đặc biệt, ngoài những “câu chuyện kể” từ các dòng sông Huế, triển lãm còn có “chuyện” của các lòng sông Đồng Nai, Lục Tỉnh... do Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện./.
(Theo: Tường Minh/NDĐT)